Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó kinh tế tập thể được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Điều này càng thể hiện rõ trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”.
Đối với tỉnh Lào Cai, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết 20 bằng Chương trình hành động số 164-CTr/TU ngày 17/10/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 391/KH-UBND ngày 31/11/2022 về thực hiện Chương trình hành động số 164-CTr/TU. Nhờ đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho các thành viên và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều HTX phát triển hiệu quả theo Luật HTX 2012, đóng góp đầy đủ cho ngân sách nhà nước và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 102 chủ thể, trong đó 127 sản phẩm OCOP của 56 HTX, 1 chi nhánh HTX và 7 tổ hợp tác.
Tuy nhiên, hoạt động KTTT, HTX của tỉnh gặp nhiều khó khăn, với không ít “điểm nghẽn” cần tập trung tháo gỡ. Đó là khó khăn về nguồn nhân lực. Tính đến tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh có 3 liên hiệp HTX (2 liên hiệp HTX nông nghiệp, 1 liên hiệp HTX phi nông nghiệp), 516 HTX, 2.129 tổ hợp tác với tổng số cán bộ quản lý là 2.124 người, trong đó 699 người có trình độ sơ cấp, trung cấp; 142 người có trình độ cao đẳng, đại học. Thực tế này cho thấy, trình độ của đội ngũ cán bộ HTX còn thấp, nguồn nhân lực của HTX chưa được đảm bảo về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu về quản trị, chuyển đổi số, khoa học - kỹ thuật, thị trường. Nhiều HTX chưa có chiến lược, kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, sát với thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Chia sẻ về khó khăn này, chị Chảo Thị Yến, Giám đốc HTX Tri thức bản địa - Goong cho biết: Khó khăn nhất khi đặt viên gạch đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp ngoài nguồn vốn, kiến thức, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật… chính là chất lượng nguồn nhân lực. Còn bà Nguyễn Thị Út, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiên Phong cho rằng: Chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Những người hoạt động trong các HTX phần lớn chưa được đào tạo bài bản và hạn chế khi tiếp cận với các thông tin về khoa học - công nghệ.
Khó khăn về nguồn lực tài chính, vốn. Nguồn lực về tài chính của các tổ hợp tác, HTX, liên minh HTX hiện nay yếu và thiếu, chủ yếu chỉ có nguồn lực lao động. Các thành viên HTX đang có quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (rừng quế, đồi chè…). Các tổ chức KTTT hầu hết thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn nhằm phát triển nhanh và bền vững. Thậm chí, nhiều HTX, liên minh HTX đang trong tình trạng khó khăn, nợ đọng kéo dài, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu.
Khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng. Lào Cai đang có 2 quỹ tín dụng nhân dân là Quỹ tín dụng nhân dân Cam Đường (dư nợ 22 tỷ đồng) và Quỹ tín dụng nhân dân Lào Cai (dư nợ 34 tỷ đồng). Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang cho 12 HTX vay 59 tỷ đồng, bằng 0,01% dư nợ tín dụng trong các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Quỹ hỗ trợ HTX tỉnh Lào Cai đang cho 18 HTX vay 19,9 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ HTX Việt Nam đang cho 6 HTX vay 6,9 tỷ đồng. Tổng số có 38 HTX trên địa bàn được tiếp cận tín dụng với tổng dư nợ 141,8 tỷ đồng - một tỷ lệ rất thấp so với nhu cầu rất lớn của các HTX để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
Nói về khó khăn này, ông Trần Chí Thành, Giám đốc HTX Tả Phìn Xanh cho biết: Hiện nay, HTX đang rất thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng khó tiếp cận được chính sách hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp; không xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt được các dự án sản xuất, kinh doanh để tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi do thủ tục rất phức tạp.
Khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách về đất đai. Hiện toàn tỉnh có 20 HTX phi nông nghiệp được thuê 102.765 m2 đất; 26 HTX nông nghiệp được thuê 1.648.818 m2 đất; 5 HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Qua con số thống kê như vậy để thấy các HTX gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ mục đích xây dựng trụ sở, nhà xưởng và mở rộng diện tích sản xuất, kinh doanh. Do không tiếp cận được đất đai dẫn đến các HTX thiếu tư liệu sản xuất, khiến hoạt động trì trệ, kém hiệu quả. Thực tế, các thành viên của các HTX đang sử dụng rất nhiều đất đai, có nhiều tài sản trên đất, như rừng quế, vùng cây ăn quả… nhưng những tài sản này không đủ điều kiện để trở thành tài sản bảo đảm vốn vay, do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, khung giá đất thấp.
Theo Nghị quyết 26/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lào Cai ngày 4/12/2020 về quy định chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai, khi HTX thuê đất để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì được hỗ trợ tiền thuê đất nhưng đến nay, vẫn chưa có HTX nào tiếp cận được chính sách này. Ông Trần Chí Thành, Giám đốc HTX Tả Phìn Xanh khẳng định: Đất đai đóng vai trò quan trọng nhất đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, nhất là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, dịch vụ. Thực tế, việc lập phương án sử dụng đất của các HTX được cấp có thẩm quyền chấp thuận rất khó khăn, đồng thời hạn mức để chuyển đổi mục đích sử dụng đất hằng năm của các địa phương có hạn, do vậy, rất khó thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới vào sản xuất hiệu quả.
Để giải quyết những khó khăn, “điểm nghẽn” nói trên đối với KTTT, ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai đưa ra 3 giải pháp mang tính căn cơ. Đó là tiếp tục thực hiện chính sách đưa trí thức trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đề xuất số lượng HTX được hỗ trợ là 100 HTX giai đoạn 2025 - 2029 với mức lương bằng 1,5 - 2 lần mức lương tối thiểu vùng (chính sách cũ hỗ trợ là 36 tháng với 1 lần mức lương tối thiểu vùng). Giai đoạn 2018 - 2022, chỉ có 15 HTX được hỗ trợ theo Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 15/8/2018 của UBND tỉnh Lào Cai về thí điểm mô hình đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp, Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 25/2/2020 của UBND tỉnh Lào Cai về việc thực hiện nhân rộng mô hình đưa trí thức trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ đào tạo online cho các thành viên, người lao động trong các HTX trên một số lĩnh vực cần thiết như kế toán, quản trị kinh doanh, du lịch lữ hành, kinh tế nông nghiệp...
Giải pháp thứ hai là tuyên truyền sâu rộng Luật HTX 2023, trên cơ sở đó triển khai đồng bộ 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết 20, tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX tiếp cận tín dụng bằng các chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, chính sách ưu đãi lãi suất, hỗ trợ lãi suất, cơ chế xử lý nợ đặc thù...
Giải pháp khác nữa là tiếp tục truyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ hợp tác, HTX được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tập trung ruộng đất để sản xuất các loại sản phẩm có giá trị cao. Tỉnh xem xét bổ sung, điều chỉnh chính sách hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức KTTT vay vốn để đầu tư phát triển nông nghiệp. Để thực hiện được 2 chính sách trên, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ đo đạc địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho các thành viên tổ hợp tác, HTX.
Bài 2: Xây dựng chuỗi giá trị: Vai trò của HTX xã nông nghiệp đang ở đâu?