Australia chờ đón nhật thực

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, hàng nghìn người đang đổ xô đến thị trấn nhỏ bé, hẻo lánh Exmouth ở Tây Australia trong tháng 4 này với hy vọng được đón nhật thực.

Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đây sẽ là nơi duy nhất ở Australia chứng kiến nhật thực toàn phần vào ngày 20/4 tới. Sự kiện này là một phần của hiện tượng nhật thực lai hiếm gặp, xảy ra dọc theo một vệt hẹp kéo dài từ gần Nam Cực đến Quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương.

Thị trấn Exmouth nằm ngay dưới bóng tối do Mặt Trăng tạo ra, do có vị trí thẳng hàng với Mặt Trời. Trong thời gian được gọi là nhật thực toàn phần này, Mặt Trời sẽ bị che khuất hoàn toàn trong 58 giây trước khi xuất hiện trở lại. Giáo sư Jonti Horner - nhà thiên văn học của Đại học Nam Queensland - cho rằng đây là một nhật thực khá ngắn. Trong khi đó, các khu vực còn lại của Australia sẽ trải qua nhật thực một phần, nghĩa là Mặt Trời không bị che khuất hoàn toàn. Việc Mặt Trời bị che phủ bao nhiêu và người dân có nhận thấy điều đó hay không sẽ phụ thuộc vào nơi họ sống.

Theo Giáo sư Horner, có thể Mặt Trăng sẽ che phủ Mặt Trời ở các mức độ khác nhau, từ 80-95% ở phía Bắc và phía Tây, và xuống dưới 5% ở Tasmania. Ở Darwin, người dân sẽ thấy nhật thực 80%, vì vậy đến giữa nhật thực, họ sẽ thấy Mặt Trời lưỡi liềm. Tương tự, ở Perth, tỷ lệ này sẽ là khoảng 70% và hình lưỡi liềm trên bầu trời sẽ khá rõ. Trong khi đó, nhật thực sẽ không rõ lắm ở các bang New South Wales, Victoria, Lãnh thổ Thủ đô Australia, Tasmania và phần Đông Nam của Queensland.

Trang mạng abc.net.au của Australia dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học dự báo nhật thực toàn phần sẽ diễn ra vào ngày 22/7/2028, cắt một đường từ thị trấn Kimberley qua thành phố Sydney. Ngoài ra cũng sẽ có nhật thực toàn phần ở Đông Nam Australia vào ngày 25/11/2030; nhật thực hình khuyên đi qua bang Tasmania vào ngày 9/3/2035 và nhật thực toàn phần chạy qua trung tâm Australia vào ngày 13/7/2037.

Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời, che khuất tất cả hoặc một phần ánh sáng từ Mặt Trời. Mỗi năm sẽ xuất hiện từ 2-5 lần nhật thực, mỗi lần lại đổ bóng lên các phần khác nhau của Trái Đất. Những sự kiện ngoạn mục này xảy ra trong giai đoạn trăng non, nhưng chúng không xảy ra hàng tháng vì quỹ đạo của Mặt Trăng không phải là một hình tròn hoàn hảo và bị nghiêng nên không phải lúc nào nó cũng thẳng hàng.

Có 3 loại nhật thực chính là nhật thực toàn phần, nhật thực một phần và nhật thực hình khuyên. Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất thẳng hàng hoàn toàn và Mặt Trăng dường như hoàn toàn che khuất Mặt Trời. Nhật thực một phần là một phần của nhật thực toàn phần - xuất hiện trước và sau nhật thực toàn phần ở những nơi nằm trên đường trung tâm - hoặc trong toàn bộ thời gian ở những khu vực không nằm dưới bóng râm. Chúng cũng có thể xảy ra độc lập với nhật thực toàn phần khi quỹ đạo của Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất không khớp với nhau một cách hoàn hảo.

Nhật thực hình khuyên tương tự như nhật thực toàn phần, nhưng Mặt Trăng không che khuất hoàn toàn Mặt Trời nên một vòng vàng xuất hiện xung quanh hình bóng tối. Điều này xảy ra khi Mặt Trăng ở xa chúng ta hơn một chút, vì vậy vùng tối không đến được Trái Đất. Thay vào đó, phần phía trước của bóng tối, được gọi là antumbra, di chuyển dọc theo đường đi của nhật thực.

Nhật thực lai xảy ra khi Mặt Trăng ở một khoảng cách chính xác mà bóng của nó bị ảnh hưởng bởi độ cong của Trái Đất. Nhật thực lai là sự kết hợp của nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên. Nhật thực lai chỉ chiếm khoảng 3% trong tất cả các lần nhật thực. Hiện tượng nhật thực lai diễn ra gần đây nhất diễn ra ngày 3/11/2013. Các nhà khoa học dự đoán lần nhật thực lai tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 14/11/2031.

Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 17/11 ra tuyên bố chung kêu gọi hợp tác đa phương hiệu quả để đối phó với nhiều thách thức trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, môi trường, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc bệnh sởi trên thế giới trong năm 2023 đã tăng 20% so với năm trước đó lên 10,3 triệu ca, cho thấy khoảng trống đáng báo động trong việc bao phủ vaccine ngừa bệnh. Đây là kết quả của một nghiên cứu, được đưa ra trong báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, công bố ngày 14/11.

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

Ngày 12/11 tại cuộc tọa đàm ở trụ sở Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ở thủ đô Paris, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam có sự ổn định chính trị-xã hội cao, cùng với sự thận trọng trong việc điều hành các công cụ chính sách, trong đó có ngân sách và tiền tệ. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức hút và triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc.

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Ông Ishiba Shigeru đã tái đắc cử chức Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội ngày 11/11 và sẽ thành lập một chính phủ thiểu số. Trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, nội các của ông Ishiba đã từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Ngày 9/11 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, Majed Al Ansari, tuyên bố nước này tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về một lệnh ngừng bắn và trao trả con tin tại Dải Gaza cho tới khi Hamas và Israel chứng minh được “thái độ nghiêm túc” trong đối thoại.

fbytzltw