Theo báo cáo, không khí độc hại làm gia tăng tỷ lệ tử vong sớm và gây ra một số bệnh về hô hấp và tim mạch như tiểu đường, hen suyễn, ung thư phổi hay đột quỵ.
Liên minh châu Âu đã ghi nhận 253.000 người tử vong sớm do ô nhiễm bụi mịn vào năm 2021, nhiều hơn 15.000 người so với năm 2020. Báo cáo cho biết thêm, 52 nghìn người tử vong do tiếp xúc với khí NO2 trên ngưỡng khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong khi đó, phơi nhiễm cấp tính O3 khiến 22.000 người chết sớm, nhiều hơn 5 nghìn người so với năm 2020.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Cơ quan môi trường châu Âu Leena Yla-Mononen, Liên minh châu Âu (EU) vẫn đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động vì môi trường. Kế hoạch cam kết Liên minh châu Âu sẽ giảm ít nhất 55% số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm hạt mịn vào năm 2030 so với mức năm 2005. Cho đến nay, khối đã đạt được mức cắt giảm 41%.
Dữ liệu mới được công bố trong bối cảnh EU đang sửa đổi các quy định ràng buộc về chất lượng không khí để phù hợp hơn với các hướng dẫn nghiêm ngặt của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, việc đặt ra các mục tiêu nghiêm ngặt hơn về ô nhiễm không khí đang gặp khó ở cả Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu.
Tháng 9 vừa qua, bất chấp sự phản đối của các nhóm chính trị bảo thủ, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi điều chỉnh các giới hạn ô nhiễm không khí phù hợp với tiêu chuẩn của WHO vào năm 2035 thay vì năm 2050 như đề xuất ban đầu.