Thay thế kênh dẫn dòng bằng hầm dẫn nước
Dự án Thủy điện Ngòi Đường đặt tại xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) gồm 2 nhà máy có tổng công suất 10,8 MW, được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư năm 2005; nhà máy bậc 1 chính thức đi vào hoạt động và phát điện thương mại tháng 2/2008, còn nhà máy bậc 2 hoạt động tháng 11/2011.
Theo đại diện chủ đầu tư dự án, từ khi đưa vào vận hành đến nay, 2 nhà máy đã hoạt động liên tục, ổn định, tuy nhiên vào mùa mưa thường xuyên phải xả nước thừa với lưu lượng khá lớn. Về mùa khô chưa huy động tối đa về giờ cao điểm do nhà máy không có hồ chứa, nhà máy vẫn phải phát điện vào giờ thấp điểm và trung bình với sản lượng lớn.
Bên cạnh đó, tuyến kênh dẫn nước chính của Nhà máy Ngòi Đường 1 bị rò rỉ nhiều. Để tránh lãng phí trong khai thác tài nguyên nước và đưa sản lượng điện mùa khô của thủy điện tối đa vào giờ cao điểm, đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện và sự phát triển của doanh nghiệp, chủ đầu tư đã rà soát, tính toán thiết kế, đối chiếu với thực tế, xây dựng phương án điều chỉnh, quy hoạch mở rộng, nâng công suất cho hai nhà máy.
Theo đó, đối với Dự án Thủy điện Ngòi Đường bậc 1, điều chỉnh công suất lắp máy từ 6 MW lên 9 MW; điều chỉnh điện lượng trung bình năm từ 25,6 MW lên 31,13 MW. Phương án cải tạo, nâng công suất là thay thế kênh dẫn nước hiện có từ đập Phìn Hồ Thầu về bể áp lực bằng đường hầm dẫn nước dài 2,47 km, thay thế thiết bị tuabin, máy phát điện hiện có 2x3,2 MW thành 2x4,5 MW.
Thủy điện Ngòi Đường bậc 2, điều chỉnh công suất lắp máy từ 4,8 MW lên 8,5 MW, điều chỉnh điện lượng trung bình năm từ 19,8 MW lên 29,45 MW. Phương án cải tạo, mở rộng nâng công suất là nâng cao thành kênh lên và thay thế thiết bị tuabin nhà máy phát hiện có 2x2,5 MW thành 2x4,25 MW.
UBND thành phố Lào Cai chưa thống nhất phương án
Sau khi nhận được hồ sơ đề xuất điều chỉnh của chủ đầu tư, Sở Công Thương đã có văn bản xin ý kiến các sở, ngành và chính quyền địa phương.
Trả lời văn bản xin ý kiến của Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều nhất trí với đề xuất điều chỉnh, nâng công suất thủy điện để tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên, đóng góp nhiều hơn sản lượng điện.
Theo Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, khi đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án phải xem xét, đảm bảo dòng chảy tối thiểu và duy trì môi trường tự nhiên, nguồn nước phục vụ sản xuất, trường hợp không đảm bảo thì đề nghị không chấp thuận mở rộng, nâng công suất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc điều chỉnh, bổ sung dự án không ảnh hưởng đến dân cư và không ảnh hưởng đến diện tích rừng. Tuy nhiên, việc sử dụng tăng lưu lượng để phát điện vẫn phải đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu theo Thông tư số 64 ngày 22/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa đập dâng.
Trong khi đó, UBND thành phố Lào Cai đã 2 lần có văn bản không thống nhất với đề nghị điều chỉnh, nâng công suất. UBND thành phố cho rằng trong báo cáo điều chỉnh quy hoạch mở rộng nâng công suất Thủy điện Ngòi Đường bậc 1 và Thủy điện Ngòi Đường bậc 2, chưa làm rõ nhiều nội dung, đó là: Cân đối lượng thừa đất, đá khi đào cửa ra, vào hầm dẫn, đắp trả trên mặt tuyến kênh hiện hữu và đắp tôn đường quản lý vận hành đối với 20.000 m3 đất, đá đào. Phương án xử lý đối với 2.000 m3 đá đào tuyến hầm còn thừa khi xây lát công trình và nâng cấp 7 km đường quản lý vận hành của dự án. Ảnh hưởng đối với việc cấp nước cho ruộng lúa của xã Tả Phời khi thay đổi kênh dẫn bằng hầm dẫn nước tại thủy điện bậc 1.
Báo cáo tác động môi trường đã được thông qua chỉ đánh giá ảnh hưởng của thủy điện đã có với môi trường, không còn phù hợp với việc thay đổi phương án nâng công suất, bao gồm: Ảnh hưởng khi thi công, vận hành tuyến hầm dẫn nước. Ảnh hưởng tới hạ tầng giao thông khu vực khi vận chuyển vật liệu, máy móc, thiết bị trong quá trình thi công kéo dài.
Tuyến đường bê tông Phìn Hồ chỉ là tuyến đường liên thôn đáp ứng cho việc đi lại, vận chuyển của Nhân dân bằng xe máy và ô tô dưới 7 tấn, mật độ thấp. Chưa có bản vẽ tổng mặt bằng thi công nên chưa làm rõ vị trí các công trình phụ trợ thi công trên tuyến, giải pháp xử lý các công trình này sau khi hoàn thành thi công...
Suối Ngòi Đường là nguồn nước sạch quan trọng của thành phố, vì vậy, quan điểm của UBND thành phố là giữ nguyên hiện trạng Thủy điện Ngòi Đường hiện nay cho đến khi hết hạn đầu tư. Giai đoạn tới, thành phố sẽ ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy nước sạch từ nguồn này.
Trước ý kiến của UBND thành phố Lào Cai, đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Lào Cai - chủ đầu tư thủy điện khẳng định: Phương án điều chỉnh, nâng công suất này vẫn giữ nguyên hiện trạng đập chính. Việc cải tạo, nâng cấp từ tuyến kênh dẫn nước sang hầm dẫn nước không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực mà chỉ sử dụng một phần diện tích đất sẵn có trong phạm vi hiện có. Chủ đầu tư đang phối hợp với đơn vị tư vấn chỉnh sửa, bổ sung các nội dung theo ý kiến tham gia của các sở, ngành và UBND thành phố để hoàn thiện phương án.