Theo ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh: Sau thời gian dài do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai năm 2024 đã lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng. Đây là kết quả từ việc đầu tư hạ tầng và vận hành nền tảng cửa khẩu số, với số doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu tăng mạnh, các phương tiện và hàng hóa thông quan thuận lợi, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai năm 2024 đã lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng. Đây là kết quả từ việc đầu tư hạ tầng và vận hành nền tảng cửa khẩu số, với số doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu tăng mạnh, các phương tiện và hàng hóa thông quan thuận lợi.
Nguyên nhân là do sau đại dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các quốc gia trên thế giới và khu vực phát triển chậm, chuỗi cung ứng quốc tế bị đứt gãy làm ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất - nhập khẩu của Lào Cai. Do vậy, năm 2023, giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lào Cai chỉ đạt 1,8 tỷ USD, tuy nhiên, năm 2024, đã đạt gần 3,4 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, Lào Cai đã đưa vào khai thác và vận hành Trung tâm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành; triển khai vận hành thực chất và có hiệu quả “luồng ưu tiên” cho các sản phẩm nông sản qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Trung Quốc); hoàn thiện và đưa vào vận hành cổng kiểm soát số 1 (2 làn xuất cảnh, 3 làn nhập cảnh) nằm trong dự án hoàn chỉnh các hạng mục phục vụ công tác phân luồng tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành…
Hiện nay, 100% phương tiện tham gia xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành đăng ký tham gia nền tảng cửa khẩu số. Qua đó giúp chuẩn hóa dữ liệu, hỗ trợ doanh nghiệp khai báo thông tin và theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính của lực lượng chuyên ngành.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, lượng phương tiện xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai trung bình đạt hơn 500 phương tiện/ngày, trong đó phương tiện nhập khẩu đạt hơn 350 phương tiện, chiếm khoảng 70 - 75% tổng phương tiện xuất - nhập khẩu.
Cũng trong những năm gần đây, các cửa khẩu Lào Cai đã thu hút xuất khẩu được lượng lớn các loại nông sản, trái cây chủ lực đảm bảo tính ổn định bền vững trong tăng trưởng xuất khẩu. Số doanh nghiệp tham gia xuất - nhập khẩu đạt 824 doanh nghiệp, tăng 142 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023.
Các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng, chất lượng từng bước được nâng cao, như dịch vụ logistics (giao nhận hàng hóa, xếp dỡ, lưu kho, đóng gói, khai báo hải quan, dịch vụ tài chính).
Có thể thấy, những quan tâm của tỉnh Lào Cai vào đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu đã góp phần hiện đại hóa tổ chức hoạt động cửa khẩu, tạo chuyển biến, đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa tại cửa khẩu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho hoạt động xuất - nhập khẩu, hiện các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh Lào Cai đã và đang tập trung thu hút thêm doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu.
Ông Nguyễn Việt Quang, Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai cho biết: Cục Hải quan Lào Cai đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất - nhập khẩu gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Đơn vị chú trọng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có số thu chủ lực làm thủ tục ổn định tại các chi cục; tạo thuận lợi cho các đại lý, dịch vụ làm thủ tục hải quan...
Chị Mai Thị Trang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kinh doanh xuất - nhập khẩu Thiên Vũ (Lào Cai) chia sẻ: Việc xuất khẩu ngày càng khó hơn do quy chuẩn sản xuất hàng hóa càng khắt khe, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải thích ứng. Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ từ Cục Hải quan Lào Cai trong các hoạt động kinh doanh.
Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho rằng, việc gia tăng thương mại quốc tế là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tham gia xâu chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, doanh nghiệp logistics tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc qua “cửa ngõ” Lào Cai.
Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới.
Các doanh nghiệp cần hiểu rõ thị trường và chính sách, tìm hiểu kỹ yêu cầu của thị trường Trung Quốc về tiêu chuẩn hàng hóa, đặc biệt là về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đóng gói và nhãn mác; xây dựng mạng lưới đối tác tại Trung Quốc để duy trì sự ổn định và mở rộng thị trường; tuân thủ chính sách xuất - nhập khẩu, chủ động cập nhật các quy định về thuế, thủ tục hải quan, quy định kiểm dịch thực vật từ cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giải quyết nhanh chóng các vướng mắc; đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như ISO, HACCP để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ đối tác nước ngoài, đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc để tăng niềm tin của khách hàng; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số và áp dụng công nghệ vào quản lý, sử dụng phần mềm quản lý xuất - nhập khẩu để theo dõi đơn hàng, tối ưu hóa vận chuyển và giảm thiểu chi phí; tận dụng các dịch vụ logistics tại khu vực cửa khẩu Lào Cai để giảm thời gian và chi phí vận chuyển, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển đúng thời gian và chất lượng…