Xóa bỏ vấn nạn chèo kéo, đeo bám ở Sa Pa: Rất cần sự đồng thuận từ du khách

Gần đây, du khách khi đến địa phận thị xã Sa Pa sẽ nhận được tin nhắn từ UBND thị xã với thông điệp quen thuộc "Không cho tiền trẻ em lang thang, ăn xin. Không mua hàng từ người chèo kéo, đeo bám".

Một góc thị xã Sa Pa.

Đây là một trong những giải pháp địa phương đang triển khai để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng trẻ đeo bám, chèo kéo khách du lịch.

Vấn nạn khó dẹp bỏ

"Mua cho cháu đi, mua cho cháu đi", một nhóm bé gái chừng 6 -10 tuổi địu theo em sau lưng chìa tay với mấy túi thổ cẩm, móc khóa, nài nỉ du khách. Nhiều khách du lịch lắc đầu từ chối, các em vẫn bám theo, chìa món đồ lưu niệm và lặp đi lặp lại câu nói "mua cho cháu đi".

Những trẻ em mặc trang phục là người đồng bào dân tộc tiếp cận du khách để chèo kéo mua hàng.

Đây là hình ảnh không khó bắt gặp trên địa bàn Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa. Tình trạng này diễn ra nhiều hay ít tùy thời điểm cuối tuần hay giữa tuần, ngày thường hay ngày nghỉ lễ, Tết, địa điểm tập trung nhiều hay ít du khách, lực lượng chức năng có mặt hay không...

Trên tuyến đường Thạch Sơn đông đúc, một bé gái cõng theo em nhỏ sau khi xin được tiền từ một vài thực khách đang dùng bữa trong nhà hàng băng qua đường chạy ào về phía người phụ nữ cầm ô, đứng ở gốc cây cách nhà hàng chừng 20m.

"Sau khi cho tiền bé gái và nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ kia, tôi đoán là mẹ, nhận tiền rồi lấy tay đẩy vai bé gái dưới chân mình ý giục quay trở lại tiếp tục xin tiền khách, tôi cảm thấy vô cùng bức xúc và đau xót", chị Kiều Lê, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Thậm chí, dù tấm biển "Không cho tiền trẻ em lang thang, ăn xin. Không mua hàng từ người chèo kéo, đeo bám" ngay trước mặt nhưng không ít người vẫn mủi lòng. "Có cháu cõng theo em nhỏ chỉ vài tháng tuổi, trông rất đáng thương. Nếu không mua hàng, các em chèo kéo rất khó chịu", anh Quốc Toàn (du khách đến từ Đà Nẵng) chia sẻ.

Những trẻ em mặc trang phục là người đồng bào dân tộc tiếp cận du khách để chèo kéo mua hàng.

Một tài xế lái xe điện thường xuyên chở khách tới điểm du lịch cho biết, trên xe, anh thường dặn mọi người không mua hàng, cho tiền trẻ em. Tuy nhiên, nhiều du khách vẫn cho vì thương các em. Cá biệt, có du khách hào phóng cho những tờ mệnh giá lớn từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa cho biết, gần đây, tình trạng chèo kéo, đeo bám, bán hàng rong và ăn xin trên địa bàn có chiều hướng gia tăng trở lại. Theo thống kê, những ngày cuối tuần, khu vực trung tâm thị xã có khoảng trên 90 trẻ em, 40 người lớn đeo bám, chèo kéo khách du lịch và ăn xin (tăng hơn 40% so với thời điểm từ ngày 10/3 - 24/4/2023).

Số người tham gia bán hàng rong trên địa bàn thị xã tập trung chủ yếu tại khu vực đông khách du lịch như: sân quần, Nhà thờ đá, khu vực bến xe cũ, xung quanh bờ hồ, công viên Vạn Hoa... Họ đến từ các xã, phường Trung Chải, Hoàng Liên, Mường Hoa, Tả Van, Cầu Mây.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, điều dễ dàng nhận thấy là nếu khách du lịch đến Sa Pa vẫn cho tiền, mua hàng của trẻ em, khi người lớn kiếm được tiền bằng cách trục lợi trẻ em như thực tế đang diễn ra, vấn nạn này rất khó để dẹp bỏ hoàn toàn.

Cần sự đồng thuận từ du khách

Bí thư Thị ủy Sa Pa Phan Đăng Toàn cho biết, theo thống kê, năm 2015, trên địa bàn có khoảng gần 600 phụ nữ dân tộc thiểu số thường xuyên lên khu vực trung tâm hoặc nơi tập trung khách để chéo kéo, bán hàng rong.

Những trẻ em mặc trang phục là người đồng bào dân tộc tiếp cận du khách để chèo kéo mua hàng.

Sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ giải pháp sinh kế mới như đào tạo nghề - giới thiệu việc làm, bố trí chỗ ngồi bán hàng ổn định, cho vay vốn phát triển du lịch hoặc nông nghiệp… đến năm 2019, số lượng ngày giảm xuống chỉ còn khoảng gần 100 người. Tuy nhiên, từ khi du lịch phục hồi trở lại sau COVID-19, hoạt động chèo kéo đeo bám khách trở nên ngày càng phức tạp.

Trước thực trạng đó, từ đầu năm 2023, Đảng bộ thị xã Sa Pa đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám và ăn xin trên địa bàn thị xã - trực tiếp phân công một đồng chí Thường trực Thị ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo; một Phó Chủ tịch UBND thị xã làm Phó Trưởng ban Thường trực.

Qua đó nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với mục tiêu đến hết năm 2023 giải quyết cơ bản vấn nạn chèo kéo, đeo bám và ăn xin trên địa bàn thị xã.

Ban Chỉ đạo tổ chức điều tra, rà soát để nắm bắt danh tính và gia cảnh của các đối tượng; bố trí lực lượng đến gặp từng đối tượng để tuyên truyền, vận động đồng thời tìm hiểu nhu cầu sinh kế của họ nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ sinh kế bền vững.

Theo đó, đối với đối tượng hợp tác, Ban Chỉ đạo giao các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã tạo cơ hội việc làm theo nhu cầu; đồng thời vận động trực tiếp được 140 trường hợp ký cam kết không tham gia không tiếp tục đưa con/cháu/em tham gia chèo kéo, đeo bám, ăn xin; lập hồ sơ đưa vào trung tâm bảo trợ tỉnh hai trường hợp.

Với đối tượng sau nhiều lần tuyên truyền, vận động vừa đưa ra giải pháp sinh kế bền vững thay thế nhưng vẫn cố tình đưa con em lên khu vực trung tâm bán hàng rong và ăn xin, Ban Chỉ đạo thị xã đã chỉ đạo lực lượng Công an, cơ quan liên quan lập biên bản, đồng thời căn cứ mức độ hành vi vi phạm xử lý theo quy định.

Trong đó, các lực lượng đã lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm với mức 22 triệu đồng đối với một trường hợp.

Thị ủy Sa Pa chỉ đạo cơ quan tuyên truyền tăng cường hoạt động đồng truyền thông tới cơ sở kinh doanh du lịch và toàn thể du khách đến Sa Pa tích cực phối hợp cùng thị xã bằng cách không mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ từ người chèo kéo, đeo bám; không cho tiền và quà cho trẻ em lang thang, ăn xin.

Cơ sở kinh doanh không cho các đối tượng vào trong không gian của mình thực hiện hành vi chèo kéo, đeo bám, ăn xin làm phiền khách du lịch.

Bí thư Thị ủy Sa Pa khẳng định, việc xử lý nghiêm đối tượng cố tình lạm dụng trẻ em để trục lợi sẽ là việc địa phương cần quyết liệt thực hiện thời gian tới, vì đây là giải pháp quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của trẻ.

"Tôi kêu gọi nhân dân và du khách tiếp tục đồng thuận, ủng hộ Sa Pa trong vấn đề này nhằm xây dựng thương hiệu của Khu Du lịch quốc gia không chỉ sạch - đẹp mà còn văn minh, thân thiện và mến khách", Bí thư Thị ủy Sa Pa nhấn mạnh.

TTXVN null

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nhà tình nghĩa có được chuyển nhượng?

Nhà tình nghĩa có được chuyển nhượng?

Bạn đọc hỏi: “Cách đây 12 năm, bác ruột duy nhất của tôi (không lấy vợ) được chính quyền địa phương xây nhà tình nghĩa trên đất của ông. Nay ông mất, gia đình tôi ở xa nên không thể trông coi. Vậy ngôi nhà trên có được phép bán và điều kiện để giao dịch là thế nào?"

Thành phố Lào Cai tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Dân số Việt Nam (26/12)

Thành phố Lào Cai tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Dân số Việt Nam (26/12)

Ngày 20/12, Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác dân số - truyền thông và giáo dục sức khỏe năm 2024, hưởng ứng tháng hành động Quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam (26/12) với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”.

Thi công 5.537 ngôi nhà diện được Nhà nước hỗ trợ

Thi công 5.537 ngôi nhà diện được Nhà nước hỗ trợ

Tính đến ngày 20/12, toàn tỉnh đã có 5.537/7.719 ngôi nhà khởi công xây dựng mới, sửa chữa theo diện được Nhà nước hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, hộ bị ảnh hưởng thiên tai, đạt 71% so với Kế hoạch của UBND tỉnh giao ngày 19/12/2024 và tương đương 94% so với Kế hoạch UBND tỉnh giao ngày 27/9/2024.

Trả lại 100 triệu đồng cho người đánh rơi

Trả lại 100 triệu đồng cho người đánh rơi

Em Ma Thị Hường trú tại thôn Bản Cuông 1, xã Xuân Hòa và em Triệu Thị Thu trú tại thôn Sài 2, xã Lương Sơn (Bảo Yên) cùng sinh năm 2006, nhặt được 100 triệu đồng đã trả lại cho người bị mất. Hành động đẹp của các em đã lan tỏa những việc làm tốt trong cộng đồng và xã hội.

fb yt zl tw