Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa còn giúp mỗi thành viên trong công sở tôn trọng kỷ luật, danh dự của cơ quan, đơn vị, giữ mối quan hệ đoàn kết, hợp tác vì sự nghiệp phát triển của nơi mình làm việc. Qua đó, khơi dậy, phát huy năng lực, sáng tạo của từng cá nhân, tạo bầu không khí làm việc thân thiện, văn minh.
Là doanh nghiệp đang trên đà phát triển nhanh và mạnh trong hệ thống ngân hàng tư nhân - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đặc biệt coi trọng việc xây dựng văn hóa công sở (văn hóa doanh nghiệp). Điều này được thống nhất trong toàn hệ thống và VPBank Lào Cai cũng là một trong những chi nhánh thực hiện rất hiệu quả.
Theo đó, ngoài việc mặc đồng phục theo quy định của toàn hệ thống, VPBank còn có những quy tắc cụ thể, như không gian làm việc luôn sạch sẽ, gọn gàng, trang trí đẹp mắt; không tụ tập nói chuyện, ăn uống trong giờ làm việc; luôn niềm nở, thân thiện, nhiệt tình với khách hàng và đồng nghiệp; thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao nhằm tạo tinh thần vui vẻ, tăng tình đoàn kết cho cán bộ, nhân viên các bộ phận. Đặc biệt, các phòng làm việc đều được bày trí cây cảnh và hoa, tạo không gian làm việc xanh mát, đẹp, gần gũi với thiên nhiên, tạo cảm giác thoải mái, nâng hiệu suất công việc.
Cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào, chúng tôi đều muốn nhân viên làm việc hiệu quả và gắn bó lâu dài. Do đó, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tạo môi trường làm việc văn minh, lịch sự, thân thiện, mến khách và thúc đẩy hiệu quả kinh doanh là điều mà VPBank Lào Cai luôn cố gắng thực hiện. Chúng tôi nhất quán quan điểm rằng, xây dựng văn hóa công sở là giúp nhân viên không chỉ phát huy hết năng lực làm việc, mà còn có thể cân bằng cuộc sống.
- Chị Hà Thị Kim Vân -
Giám đốc VPBank Lào Cai
Môi trường làm việc ấy đã góp phần không nhỏ giúp VPBank là ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam lọt vào Top 300 ngân hàng có giá trị thương hiệu nhất thế giới.
Công đoàn Viên chức tỉnh chính là một trong những cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa công sở. Anh Hoàng Trọng Huynh, cán bộ Công đoàn Viên chức tỉnh cho biết: Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả, chúng tôi đều nghiêm túc thực hiện và xác định bản thân mỗi người phải gương mẫu, đi đầu trong xây dựng phong trào, nhằm thu hút sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị khác.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ về kết quả thực hiện các nội dung cải cách công vụ, công chức theo Đề án số 14 ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy, từ khi thực hiện đề án đến nay, sở đã thực hiện kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức tại 20 cơ quan, đơn vị, địa phương (đạt 70% mục tiêu đề án). Qua kiểm tra cho thấy các cơ quan, đơn vị đã chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính; hầu hết cơ quan, đơn vị hoạt động hiệu quả hơn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ, chấp hành tốt giờ giấc làm việc, có phẩm chất đạo đức tốt, hết lòng phục vụ Nhân dân; đặc biệt là chấp hành nghiêm việc thực hiện Chỉ thị số 06 ngày 6/4/2015 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ.
Có rất nhiều yếu tố tác động đến quá trình xây dựng văn hóa công sở. Trong đó, yếu tố chủ quan như phong cách làm việc của lãnh đạo, con người làm việc trong công sở, nguồn lực tài chính, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức hay mục tiêu...; yếu tố khách quan là văn hóa truyền thống của quốc gia, dân tộc, hệ thống pháp luật, tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc tích cực quan tâm xây dựng văn hóa công sở là điều rất cần thiết. Đó còn là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, ngày càng phát triển.