Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Đề án xây dựng và phát triển ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia giai đoạn 2022 – 2024. Tại Việt Nam, văn hóa ẩm thực là một trong những đặc trưng sinh động và phong phú nhất, kết tinh thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Ẩm thực cũng giúp thể hiện cốt cách của người Việt. Những đạo lý, phép tắc, phong tục trong thưởng thức món ăn, trong mỗi món đều ẩn chứa tinh hoa văn hóa của mỗi vùng đất.
Những năm qua, thông qua các kênh truyền thông uy tín của quốc tế, có nhiều món ăn Việt Nam đã được tôn vinh, đơn cử như ẩm thực Việt Nam được kênh truyền hình của Mỹ CNN bình chọn là một trong 10 nền ẩm thực tuyệt nhất thế giới. Cuối năm 2022, Việt Nam đã được vinh danh là điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á. Trong số 3 từ ngữ phổ thông của Việt Nam được đưa vào từ điển Oxford tiếng Anh uy tín thế giới, có 2 từ là món ăn, đó là phở và bánh mì. Điều đó khiến đông đảo người dân Việt vô cùng tự hào, không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam với bạn bè quốc tế mà còn giúp lan tỏa nét văn hóa, nhất là ẩm thực ra thế giới. Hiện nay, có những lớp học nấu ăn dạy món truyền thống Việt Nam hút hút hàng nghìn học viên nước ngoài tham gia và trải nghiệm. Đặc biệt, nhờ những lớp học này, họ cảm thấy được kết nối và gắn bó hơn với đất nước, con người Việt Nam.
Ẩm thực là một kênh hiệu quả để tiếp thị văn hóa Việt Nam. Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Đề án xây dựng và phát triển ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia giai đoạn 2022 – 2024. Bước sang năm 2024, cơ quan này sẽ tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành bản đồ ẩm thực Việt Nam, hướng đến xây dựng bảo tàng ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D. Bảo tàng ẩm thực thực tế phục vụ cho du khách thăm quan trong tương lai, góp phần đưa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc quảng bá văn hóa ẩm thực được thực hiện rất bài bản, như kim chi, mỳ ăn liền được quảng bá trong các tác phẩm phim của Hàn Quốc; há cảo là món ăn thường xuất hiện trong các món ăn của Trung Quốc, Sushi và sashimi, trà đạo thường có trong các tác phẩm của Nhật Bản… Còn tại Việt Nam hiện nay, khán giả thấy thiếu vắng các tác phẩm điện ảnh, truyền hình thực sự đề cao văn hóa ẩm thực Việt. Theo các nhà văn hóa, cần sớm có sự quan tâm đúng mức, Bộ VHTT-DL cần có cơ chế đặt hàng, tài trợ để phát triển dòng phim về đề tài này như một cách quảng bá cho ẩm thực Việt. Một hướng đi mới khác cũng rất hiệu quả là sử dụng nền tảng mạng xã hội để quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Nhiều clip về ẩm thực Việt được chia sẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu quốc gia ẩm thực ở Việt Nam vẫn cần có vai trò điều tiết của cơ quan Nhà nước nhằm giúp văn hóa ẩm thực thực sự phát huy được giá trị, góp phần quảng bá và thu hút khách du lịch đến với Việt Nam.