Bến cảng Chân Mây hiện nay. |
Ngày 2/6, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có công văn gửi Cục Hàng hải Việt Nam; Ban Quản lý Khu kinh tế Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế liên quan đến chủ trương đầu tư hai bến cảng số 4, số 5 thuộc khu bến Chân Mây, cảng biển Thừa Thiên Huế.
Trước đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Bộ GTVT báo cáo việc đơn vị này đang xem xét hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời bến cảng số 4, số 5 khu bến cảng Chân Mây để tận dụng quỹ đường bờ, nâng cao hiệu quả khai thác 2 bến với tổng chiều dài 540 m cho tàu 70.000 tấn.
Theo Bộ GTVT, căn cứ Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 2369/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm 3), trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và ý kiến thống nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT đã có văn bản số 4341/BGTVT-KHĐT ngày 5/5/2022, chấp thuận chủ trương bến 4, 5 khu bến Chân Mây được bổ sung công năng khai thác hàng container với tổng chiều dài 540 m cho cỡ tàu đến 70.000 tấn. Đồng thời, tại Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 29/7/2021, Bộ GTVT cũng cho phép, giai đoạn đến năm 2030 khu bến Chân Mây được bổ sung thêm 3 bến (bến số 4, số 5, số 6).
Do đó, Bộ GTVT cho rằng, đề xuất đầu tư bến cảng số 4, số 5 thuộc khu bến Chân Mây như đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế là phù hợp với quy hoạch cảng biển được duyệt. Bộ GTVT thống nhất ủng hộ chủ trương đầu tư.
Bộ GTVT đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế lựa chọn nhà đầu tư có khả năng thu hút sự tham gia của các hàng tàu và các lĩnh vực sản xuất hàng hóa vận tải bằng container, đảm bảo lượng hàng thông qua ổn định, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh với các bến cảng đang khai thác.
Ban Quản lý Khu kinh tế Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế được yêu cầu chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định chuyên ngành hàng hải và các quy định liên quan của pháp luật; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam trong quá trình lập quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành, đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch của trung ương và các quy hoạch liên quan của địa phương.
Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của địa phương hướng dẫn, giám sát nhà đầu tư thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo tuân thủ đúng các quy định chuyên ngành hàng hải và các quy định liên quan của pháp luật, đáp ứng các quy định về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường.