Không những vậy, việc tham gia xây dựng Hệ sinh thái tận dụng các FTA còn tạo đòn bẩy, thúc đẩy phát triển và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành quế.
Thông tin này được các diễn giả đưa ra tại Toạ đàm "Xây dựng hệ sinh thái cho ngành quế - Những vấn đề cần lưu ý" do Báo Công Thương tổ chức chiều 27/9 tại Hà Nội.
Chia sẻ dưới góc độ cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng hệ sinh thái các FTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, kế hoạch của Bộ Công Thương trước hết là phải xây dựng thành công mô hình, sau đó lấy ý kiến từ lãnh đạo các cấp, bộ, ban ngành, doanh nghiệp, người dân... Các ngành hàng lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình hệ sinh thái FTA bao gồm da giày, dệt may, thủy sản, cà phê và quế.
Hiện nay, Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm tại các tỉnh thành có thế mạnh về các nhóm ngành hàng trên ở cả 3 miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Thông qua các tọa đàm, Bộ sẽ lấy ý kiến của người nông dân đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương; trong đó, mời cơ quan quản lý Trung ương, các tổ chức có liên quan cùng thảo luận và sau đó Bộ Công Thương sẽ tổng hợp thành đề án và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội một lần nữa rồi trình Chính phủ.
Qua đó, nếu được Chính phủ thông qua sẽ ra quyết định thành lập một hệ sinh thái; trong đó, xây dựng tổ công tác gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương rồi thành lập cấu phần để thúc đẩy vận hành hệ sinh thái và xây dựng cơ sở vật chất cần thiết. Nếu thuận lợi, dự kiến tháng 9/2025 có thể bắt đầu triển khai vận hành thí điểm hệ sinh thái này.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng hệ sinh thái phải có đầy đủ các cơ quan, ban ngành, và tất cả các chủ thể liên quan. Bởi, nếu chỉ có Bộ Công Thương sẽ không thể làm được. Do đó, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình, tọa đàm để lắng nghe, tham khảo và tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành, tỉnh thành, hiệp hội doanh nghiệp và người nông dân để từ đó tổng hợp được một bức tranh toàn cảnh, đa chiều. Đặc biệt, tập hợp đầy đủ nhất những thách thức và thuận lợi để từ đó có giải pháp giải quyết dứt điểm rào cản và xây dựng mô hình hệ sinh thái tận dụng các FTA thành công.
Dưới góc độ chuyên gia về ngành nông nghiệp, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, có 3 thuận lợi cơ bản nhất. Cụ thể, thị trường xuất khẩu ngành quế bao gồm tất cả các quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Âu. Các thị trường này đang tăng cường nhập khẩu nông sản từ thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, vùng nguyên liệu quế của Việt Nam tập trung lớn vào hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái. Đây là những vùng nguyên lâu đời của đồng bào các dân tộc có trình độ canh tác, thu gom, sản xuất rất đáng tin cậy và cũng là điều kiện để doanh nghiệp đưa khoa học thuật vào sản xuất. Hơn nữa, quế là cây trồng chủ lực của hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái nên các chính sách, sự chỉ đạo điều hành trong sản xuất ngành quế luôn được lãnh đạo tỉnh chú ý, tập trung. Nhờ đó, vùng trồng quế phát triển hơn rất nhiều so với các vùng trồng cây nguyên liệu khác.
Thế nhưng, hiện tại vẫn chưa có một chiến lược quốc gia về phát triển bền vững ngành quế nên chưa tạo động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng sản xuất để thu hút đầu tư. Chưa kể, vấn đề nguồn nhân lực cũng đang là thách thức đối với doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất ngành quế.
Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng chưa phát huy hết vai trò trong việc kết nối thành viên, dẫn dắt và hỗ trợ doanh nghiệp thành viên chuyển đổi sản xuất, tận dụng ưu đãi từ các FTA để xuất khẩu. Cơ chế, chính sách pháp luật về ngành quế còn chưa hoàn thiện, đồng bộ. Hơn nữa, sản phẩm xuất khẩu vẫn đang vướng mắc ở dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác manh mún…
Đáng chú ý, bà con sản xuất, xuất khẩu quế vẫn “mạnh ai nấy làm” khiến việc liên kết ngang, liên kết dọc trong sản xuất, xuất khẩu giữa người sản xuất - doanh nghiệp xuất khẩu - thị trường xuất khẩu là chưa có. Người sản xuất còn thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, nhờ có sự quan tâm của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các hiệp hội, Yên Bái đã có cơ hội xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như quế. Tuy nhiên, giá trị của các sản phẩm này vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng.
Do đó, Sở Công Thương Yên Bái đề xuất Bộ Công Thương sớm đệ trình Chính phủ về hệ sinh thái tận dụng FTA để có thể nhanh chóng triển khai tại địa phương. Trong quá trình triển khai, chắc chắn sẽ có những vấn đề phát sinh, nhưng quan trọng là hệ sinh thái cần sớm đi vào vận hành để áp dụng và nâng cao giá trị của cây quế, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cần cung cấp thêm thông tin, giúp Sở Công Thương truyền tải thông tin đến người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã để có thể tiếp cận đầy đủ và tránh các rủi ro tiềm ẩn.
Ông Nguyễn Đình Chiến cho rằng, khi hệ sinh thái được Chính phủ phê duyệt và Bộ Công Thương triển khai trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Yên Bái với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh sẽ đưa ra những chính sách và giải pháp cần thiết để phối hợp cùng Bộ Công Thương và doanh nghiệp trong việc lựa chọn chủ thể tham gia.
Cùng đó, lựa chọn các hộ gia đình và hợp tác xã có đủ năng lực. Tuy nhiên, để làm điều này trong một phạm vi lớn với diện tích trồng quế rộng rãi cần có các tiêu chí rõ ràng. Cụ thể, người nông dân phải có năng lực sản xuất, sở hữu diện tích trồng quế đủ lớn để cung cấp sản phẩm chất lượng. Hơn nữa, doanh nghiệp tham gia cũng cần có tiềm lực tài chính vững mạnh và các nguồn lực cần thiết để phối hợp với người dân. Sở Công Thương Yên Bái sẽ tham mưu và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hệ sinh thái này được vận hành một cách hiệu quả nhất.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhấn mạnh, việc xây dựng một hệ sinh thái là vô cùng quan trọng, vì nó không chỉ là diễn đàn liên kết các tác nhân trong chuỗi cung ứng mà còn giúp tăng giá trị sản phẩm. Hệ sinh thái này sẽ giúp gắn kết các cam kết của Nhà nước trong thương mại quốc tế với thực tế, và doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp là người thực thi, biến cam kết thành hiệu quả thực tế thông qua giá trị xuất khẩu tăng trưởng, thâm nhập thị trường...
Việc xây dựng hệ sinh thái phải dựa trên tư duy thực tế, cung cấp thông tin, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích dù to hay nhỏ cho người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trung ương, địa phương... Hệ sinh thái phải là mô hình mà tất cả chủ thể tham gia đều có lợi; người dân, doanh nghiệp chỉ tham gia khi thấy lợi ích rõ ràng. Khi thấy lợi ích, giá trị từ hệ sinh thái, tự thân người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động tham gia từ đó xây dựng thị trường bền vững, kết nối chặt chẽ giữa chủ thể ở khối công (quan hệ cơ quan quản lý, nhà nước) và tư (doanh nghiệp và người dân).
Ngoài ra, khi tham gia vào hệ sinh thái, người dân sẽ sản xuất ra những sản phẩm thị trường xuất khẩu cần, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường như: không nhiễm chì, không nhiễm kim loại nặng... Nếu người nông dân sản xuất, canh tác theo hướng hữu cơ sẽ tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
Khi xây dựng mô hình này, kiến nghị Bộ Công Thương cần thực hiện các thử nghiệm và có cơ chế chính sách khuyến khích để thu hút doanh nghiệp, người dân tham gia. Vì vậy, cần có những doanh nghiệp đi đầu làm gương lan tỏa mô hình đến nhiều doanh nghiệp khác góp phần vào thành công của chính sách và hệ sinh thái mà Bộ Công Thương đang xây dựng.