Như thông tin đã đưa, ngày 15/8, 3 người trong 1 gia đình 3 người tại thôn Bãi Bằng, xã La Pan Tẩn (huyện Mường Khương) có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, nhập viện sau khi ăn nấm lạ. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện lấy được 1 mẫu nấm còn lại (chưa được chế biến) của bữa ăn để gửi kiểm nghiệm.
Ngày 23/8, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã có Công văn 466/VKNQG-KHĐT về việc trả lời kết quả kiểm nghiệm mẫu phục vụ công tác điều tra ngộ độc thực phẩm. Theo đó, mẫu nấm nói trên được định danh là Omphalotus nidiformis có chứa độc tố illudin S.
Omphalotus nidiformis là loại nấm thường mọc trên gỗ mục thành từng đám lớn, đặc biệt là phát sáng trong đêm khi trời ẩm, sau mưa nên gọi là “nấm ma”. Mũ nấm hình quạt hoặc hình phễu, thường có màu trắng, kem, xám hoặc hơi vàng (phụ thuộc vào nấm mọc trên loài gỗ mục nào), giữa mũ nấm thường có màu vàng đậm hơn, khi già mép mũ nấm thường cuốn xuống, đường kính mũ từ 2-10 cm, cuống nấm thường đính lệch vào mũ, dài 2-4cm.
Nấm ma chứa độc tố illudin S gây rối loạn tiêu hóa sau khi ăn khoảng 30 phút đến 3 giờ với các triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nôn ra máu.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 4 vụ việc làm 11 người ngộ độc do độc tố tự nhiên, trong đó có 2 vụ ngộ độc nấm tại huyện Văn Bàn và Bảo Yên làm 7 người mắc. Điều này cho thấy, các vụ ngộ độc về độc tố tự nhiên vẫn diễn ra phức tạp, người dân vẫn còn thói quen hái nấm lạ, bắt các côn trùng lạ làm thức ăn.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo người dân không tự ý hái các loại rau rừng, nấm lạ, các loại côn trùng, sinh vật lạ trong tự nhiên mà không biết rõ có độc hay không để làm thức ăn.
Khi bị ngộ độc nấm cần sơ cứu, gây nôn và đưa đến cơ sở y tế gần nhất rửa dạ dày, uống than hoạt tính kèm sorbitol, truyền dịch hoặc uống oresol… để kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân.