Vùng đất ''đá nở hoa''

Tham quan Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch nở rộ, nam du khách được trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều kỷ niệm khó phai ở vùng đất ''đá nở hoa'' này...

Vẻ đẹp của mảnh đất miền núi phía Bắc mang tên Hà Giang được khắc họa chân thực qua nhiều bộ phim hay, tấm ảnh đẹp... Nhờ đó, bao du khách biết đến với từ khóa như "đá nở hoa", nơi địa đầu Tổ quốc... Đó là động lực thôi thúc bao đôi chân "cuồng đi" sắp xếp cuộc đời mình để đến vùng đất hùng vĩ, nên thơ này.

Tháng 10 về, Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch, có ruộng lúa chín vàng tuyệt đẹp... Nguyễn Xuân Bắc (29 tuổi, du khách TPHCM) đã nắm bắt cơ hội để lần đầu tiên khám phá địa điểm lâu nay mong muốn được đặt chân đến.

Vẻ đẹp của vùng đất Hà Giang luôn để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách mỗi lần được đặt chân đến.

Xuân Bắc đã trải qua khoảng thời gian cảm xúc khi đến Hà Giang, từ cảnh quan khiến du khách trầm trồ suốt chặng đường vì quá đẹp, đến những món ăn đậm chất vùng núi vừa thanh thoát vừa đậm đà và còn chất chứa tình cảm của người dân nơi đây. Anh chàng còn gặp những đứa trẻ đi bộ dọc cung đường rất ngoan, vẫy tay chào du khách.

Nam du khách ở 3 đêm tại Hà Giang với 3 homestay khác nhau. Mỗi chỗ đều cho du khách này cảm nhận riêng, nhưng nhìn chung người dân rất thân thiện, cởi mở, nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ khi Xuân Bắc cần sự hỗ trợ. Các anh chị cho thuê homestay sẵn sàng dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn thêm về lịch trình cho các bạn di chuyển thuận tiện nhất.

"Họ còn hướng dẫn mình cách ăn uống đồ ăn sao cho phù hợp vùng miền, còn mang cả rượu ngô nhà làm ra để mời và chia sẻ về các câu chuyện của người dân ở đây. Những điều đó tạo nên khoảng thời gian bình yên và gần gũi", nam du khách đến từ TPHCM bày tỏ.

Xuân Bắc kể, ngày đầu, mọi người check-in cột mốc Km0, ghé chùa Quan Âm, check-in Núi đôi cô Tiên... Đến dốc Thẩm Mã, các bạn gặp nhiều bạn bè trong, ngoài nước cùng giao lưu, trò chuyện với em bé vùng cao, tạo cho du khách cảm xúc khó quên trong khung cảnh buổi chiều ngập nắng. Tiếp đó, Xuân Bắc chào các bạn rồi đến Nhà của Pao.

Xuân Bắc đến tham quan ngôi nhà quay phim "Chuyện của Pao".

Buổi tối, họ đi dạo, ăn tối ở chợ Đồng Văn. Ở đây có lẩu gà đen vị nước đậm đà. Bắc hòa mình với người dân với hoạt động dân gian, đốt lửa nối vòng tay lớn và thưởng thức sữa ngô, thắng dền... Theo Xuân Bắc, cậu được chơi ném còn - một trò chơi dân gian phổ biến của đồng bào các dân tộc ở vùng núi như dân tộc người Thái, Tày, Nùng... với ý nghĩa mong muốn cho vạn vật sinh sôi nảy nở, giao hòa trời đất, âm dương.

"Quả còn được buộc vào một đoạn dây, sau đó người chơi cầm đuôi dây để ném cùng dây và quả vào trong một vòng tròn cao khoảng 30m. Thoạt nhìn tưởng đơn giản, nhưng khi chơi rồi mới biết, hoặc bạn phải thật may mắn hay phải luyện tập canh góc quay và lực ném kĩ càng mới có thể chơi thắng được. Mình ném 3 quả mà trượt cả 3, nhưng vẫn rất vui vì có cơ hội chơi một trò chơi khá thú vị, lần sau có nhiều thời gian hơn, mình nhất định sẽ quay lại chơi tiếp", Xuân Bắc nói.

Sau khi chơi ném còn, Xuân Bắc cùng mọi người nắm tay nhau tại khuôn viên chính, nhảy những điệu cha cha cha trên nền nhạc qua những câu dẫn từ bạn hoạt náo viên. Khi mọi người tập trung đủ đông, các bạn cùng nhau quây quần đốt lửa và hát vang bài ca nối vòng tay lớn. Ngọn lửa bập bùng cứ thế mang theo làn hơi ấm lan tỏa niềm vui và sự kết nối đến mọi người trong một buổi tối thời tiết trở lạnh dần...

Hôm sau, nam du khách đi cột cờ Lũng Cú. Khung cảnh ven đường thơ mộng với những vườn hoa tam giác mạch. "Chúng mình cứ trầm trồ khen ngợi suốt chặng đường. Mỗi cung đường mình đi cứ mở ra khung cảnh mới, cứ thế vừa đi vừa ngắm cảnh. Đến nơi, đứng dưới lá cờ Tổ quốc nhìn toàn cảnh xung quanh, mình thấy vinh dự và hãnh diện về đất nước Việt Nam", Xuân Bắc chia sẻ.

Hành trình khám phá vùng đất, con người Hà Giang mang đến những trải nghiệm thú vị và đầy cảm xúc cho nam du khách đến từ TPHCM.

Trên đường đến Mã Pí Lèng, du khách ấn tượng với vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng và mây trời, đi dưới lớp lớp ngọn núi khổng lồ khiến cho Xuân Bắc cảm giác nhỏ bé giữa thiên nhiên rộng lớn. Và rồi, nhánh sông Nho Quế thoắt ẩn thoắt hiện. Đây là nơi Xuân Bắc mong đợi từ lâu và rất háo hức với việc được tận mắt chứng kiến ngoài đời dù đã thấy nhiều qua những bức ảnh.

"Mình dừng chân ở quán cafe gần đó, ngồi trên góc lan can ngắm nhìn vẻ đẹp uốn lượn của dòng sông mình từng mong mỏi gặp, với làn nước mềm mại của buổi chiều tà khoác trên mình màu xanh ngọc quyện cùng màu xanh lá của núi và mây trời đã vẽ lên bức tranh thật tuyệt. Trong khung cảnh ấy, mình đắm chìm, miên man, quên hết bộn bề cuộc sống. Mình đã rất xúc cảm ở điểm đến này khi nhìn lại hành trình mình vừa vượt qua để đứng đây, để say đắm trước vẻ đẹp này một cách hoàn hảo...", Xuân Bắc kể.

Buổi sớm mai, những đám mây lơ lửng gợn vào làng, chen mình trong những ngọn núi tạo nên khung cảnh hữu tình, Xuân Bắc ăn sáng và ngắm nhìn view "triệu đô" này.

Trên đường đến khu vực bến thuyền sông Nho Quế, nam du khách rất xúc động khi chứng kiến cảnh một bé học lớp Một đeo trên lưng đứa em mắt lim dim ngủ, cùng đứa em tầm 3 tuổi ngồi trên bậc phân cách ven đường, nhìn dòng người qua lại. "Khung cảnh ấy lay động mình đến mức dù đang xuống dốc cũng phải quay đầu để dành cho mấy đứa một ít bánh", Xuân Bắc cho hay.

Du khách được chở đi tham quan dòng sông, thoải mái chụp hình. Xuân Bắc rất "chill" khi đứng trước mạn thuyền với giọt mưa lất phất và gió dịu nhẹ, nhìn con thuyền trôi giữa quang cảnh xung quanh như bức tranh sống động hiện ra trước mắt...

Ngày cuối ở Hà Giang, du khách ghé qua Dinh thự vua Mèo, rồi chạy thẳng qua rừng thông Yên Minh, ngắm nhìn ruộng bậc thang ngả màu vàng của lúa chín, tạm biệt cung đường quanh co, uốn lượn...

Chuyến du lịch vài ngày ở Hà Giang đã giúp nam du khách hiểu biết thêm về nét văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số. "Mình từng nghĩ sẽ rất khó khăn và khó gần khi tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số, một phần vì ngôn ngữ, một phần vì nét văn hóa vùng miền, nhưng khi đến Hà Giang, suy nghĩ đấy đã bị dập tắt hoàn toàn.

Chuyến du lịch vài ngày ở Hà Giang đã giúp Xuân Bắc hiểu biết thêm về nét văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất "đá nở hoa".

Trong ngày về, mình đi đường buổi sớm, thấy mọi người đi họp chợ phiên Đồng Văn rất vui, nhộn nhịp như đi trẩy hội. Người lớn tay xách nách mang, trẻ em cầm theo những bịch bánh kẹo, trái cây đi bộ tung tăng về làng, trò chuyện rôm rả với nhau trên những nẻo đường. Những khung cảnh ấy khiến cho mình như thoát ra khỏi những sự náo nhiệt, xô bồ vốn có thường ngày ở thành phố để tìm lại được những cảm xúc bình yên trong tâm hồn", Xuân Bắc bày tỏ.

Với chuyến đi này, Xuân Bắc đã hiện thực hóa thông điệp "Thanh xuân phải có ít nhất một lần đến Hà Giang", "Hà Giang - nơi phải đi trước khi tuổi 30 ập đến"... với hành trình trải nghiệm thú vị, mãn nhãn và đầy cảm xúc.

toquoc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mùa xanh ở thung lũng Lâm Thượng

Mùa xanh ở thung lũng Lâm Thượng

Dưới nếp nhà sàn mộc mạc bên dòng suối mát, từ những cánh đồng tốt tươi chuyển mình theo mùa cho đến bữa cơm ấm áp trong điệu then ngọt ngào, văn hóa Tày ở thung lũng Lâm Thượng (Lào Cai) đang được giữ gìn và lan tỏa bởi chính những người con quê hương.

'Sống chậm' ở bản Sưng

'Sống chậm' ở bản Sưng

Có một nơi mà thời gian như ngưng đọng. Bước chân vội vã nơi phố thị dường như chẳng thể len lỏi tới được. Ở đó, người ta sống với núi rừng, với gió và nụ cười mộc mạc thuần hậu. Nơi ấy là xóm Sưng, nằm nép mình dưới chân núi Biều, xã Cao Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Chàng trai người Mông và giấc mơ “gắn sao” cho homestay

Chàng trai người Mông và giấc mơ “gắn sao” cho homestay

Vùng đất Mù Cang Chải sở hữu bức tranh thiên nhiên cuốn hút với cảnh ruộng bậc thang hùng vỹ, núi đồi trập trùng và nét văn hóa bản địa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông. Giữa bức tranh hùng vỹ ấy, có chàng trai người Mông đã ấp ủ và hiện thực hóa giấc mơ lớn lao. Đó là Thào A Su, sinh năm 1994, ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, tỉnh Yên Bái (cũ), nay thuộc xã Púng Luông, tỉnh Lào Cai.

Khách du lịch có xu hướng thích trải nghiệm với homestay

Khách du lịch có xu hướng thích trải nghiệm với homestay

Làn sóng dịch chuyển từ du lịch tiêu dùng sang du lịch trải nghiệm đang ngày càng rõ rệt. Đây không chỉ là bước ngoặt cho ngành du lịch cộng đồng, mà còn là cơ hội lớn để những bản làng giữ gìn hồn quê, phát triển, xây dựng bền vững các homestay.

Du lịch Lào Cai hứa hẹn bứt phá

Du lịch Lào Cai hứa hẹn bứt phá

Sáu tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Lào Cai tăng trưởng ấn tượng, thu hút hơn 8,7 triệu lượt du khách, doanh thu đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng. Từ ngày 1/7, sau khi sáp nhập, tỉnh Lào Cai mới được kỳ vọng tiếp tục trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc, hướng tới mục tiêu đón 16,5 triệu lượt du khách vào năm 2030.

Xây dựng hình ảnh du lịch từ tài nguyên văn hóa

Xây dựng hình ảnh du lịch từ tài nguyên văn hóa

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách chọn Lào Cai để tham quan, nghỉ dưỡng, bởi cái họ tìm đến không chỉ là không khí trong lành, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, mà còn là trải nghiệm văn hóa, điều mà không resort nào ở nơi khác có thể sao chép được.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thêm nhiều dư địa để đột phá

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thêm nhiều dư địa để đột phá

Việc hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn mở ra một không gian phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Với những tiềm năng, lợi thế được cộng hưởng, sự liên kết sẽ được hình thành, doanh nghiệp kỳ vọng có thêm động lực và cơ hội để vươn tầm.

Độc đáo vườn nho giữa hồ Thác Bà thu hút du khách

Độc đáo vườn nho giữa hồ Thác Bà thu hút du khách

Đến với Hồ Thác Bà (tỉnh Lào Cai), du khách không chỉ được đi trên những con thuyền để ngắm nhìn cảnh đẹp sông nước, thăm các nhà nổi nuôi cá lồng mà giờ đây còn được tận mắt ngắm nhìn, thu hái và thưởng thức những trái nho ngọt ngào.

Chạm vào bản Thái

Chạm vào bản Thái

Không ồn ào, nhưng lại đủ sâu lắng để chạm đến cảm xúc của bất kỳ ai từng một lần ghé qua. Đó là bản Thái - điểm đến giữa lòng xã Mù Cang Chải, tỉnh Lào Cai. Nơi đây, mỗi mái nhà sàn, mỗi triền ruộng bậc thang, mỗi gương mặt người bản địa đều mang hơi thở của núi rừng và nhịp sống riêng biệt. Khi đến, bạn không chỉ ngắm nhìn mà còn được chạm vào một miền văn hóa đang âm thầm tỏa hương.

fb yt zl tw