Vui đón “tết chung”

YBĐT - Tết Đinh Dậu đến với đồng bào Mông Trạm Tấu trong niềm vui của ngô lúa đầy bồ, của tình thân sum họp. Đã bước sang năm thứ năm kể từ ngày ăn chung một tết, tết Nguyên đán của đồng bào đã thực sự vui hơn.

Những ngày áp tết, gia đình bà Giàng Thị Cha ở thôn Bản Công xã Bản Công (Trạm Tấu) trở nên tất bật, bận rộn hơn. Tạm gác mọi công việc đồng áng, bà tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, lau rửa các công cụ lao động và chuẩn bị cỏ, rơm khô để dự trữ thức ăn cho gia súc trong mấy ngày tết. Và dù bận đến mấy bà cũng dành thời gian lên rừng lấy lá chuối về để gói bánh dày. Bà Cha bảo, lá chuối rừng vừa mỏng, vừa mềm lại có mùi thơm nên dùng để gói bánh dày là ngon nhất. Người Mông chuẩn bị lá chuối gói bánh dày như đồng bào người kinh, người Tày... chuẩn bị lá rong để gói bánh chưng tết. Vì thế, tết đến nhà nào cũng chuẩn bị lá chuối rất chu đáo.

Bà Giàng Thị Cha vừa lau lá chuối vừa cời cời mấy hòn than trong bếp để củi cháy đượm hơn cho nồi xôi nếp chín thêm chút nữa. Cô con gái cả đang lau rửa cối để chuẩn bị giã bánh dày. Nhờ biết cách chăm sóc và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, trồng ngô nên năm nay nhà bà Cha được mùa to. Trong ngôi nhà cột kê vững chắc, nguyên một nửa gian đã dành để xếp những bao thóc, bao ngô vừa thu hoạch. Bà Cha thủng thẳng bảo: “Năm nay thu được khoảng 30 bao thóc. Vì thế mà mình cũng xôi hơn 1 yến gạo nếp để giã bánh dày, năm nay còn gói bánh chưng và mổ một con lợn chừng 50 kg để ăn tết”.

Vừa làm vừa chuyện, chả mấy mà mẻ xôi đầu tiên đã chín kỹ được đưa vào giã, mùi thơm ngầy ngậy của gạo nếp Lẩu Cáy lan tỏa mang lại cảm giác thật ấm cúng. Trong tiếng chày giã bánh thình thịch mỗi lúc một mạnh bà Cha vui vẻ kể: “Năm nào nhà mình cũng giã nhiều bánh như vậy vừa để cho con cháu được ăn uống thoải mái, vừa để có chút quà biếu anh em bạn bè nhân dịp đón năm mới".

Cô con gái cả học năm cuối Trường Đại học Y Thái Nguyên mới được nghỉ tết về nhà vừa giã bánh cùng em út vừa nói chen vào: “Kể từ khi thực hiện ăn chung một tết Nguyên đán, năm nào nhà cháu cũng đông vui. Trước đây, ăn tết Mông chỉ có mỗi mình mẹ, chúng cháu bận học không về được nên ngày tết buồn lắm. Mấy năm nay thì khác rồi, tết chung cả nhà được đoàn tụ nên những ngày này nhà cháu lúc nào cũng rôm rả”.

Chia tay gia đình chị Cha bằng một câu chúc mừng năm mới mộc mạc “Phổng song xá mùa dù!” (Năm mới có nhiều sức khoẻ nhé!), chúng tôi đi đến một chòm dân cư khác của thôn Bản Công. Khắp bản hoa mơ, hoa mận đã bung nở, những mảng màu trắng tinh khôi xen lẫn trong sắc hồng tươi của đào phai, đào rừng, chợt thấy nhỏ bé giữa thiên nhiên hùng vĩ sắc xuân khiến lòng chộn rộn.

Trong niềm vui đón tết Đinh Dậu, chị Giàng Thị Say nhà ở ngay đầu bản đang mải miết hoàn thiện bộ váy mới cho cô con gái đang học Trường Phổ thông Dân tộc nội trú miền Tây. Cũng như bao người Mông khác, ngày tết chị Say cũng sắm sửa quần áo mới cho các con. Chẳng thế mà người xưa đã có câu “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”.

Chuẩn bị đón tết, từ vài tháng trước chị đã tự tay thêu cho con gái chiếc váy mới. Chiếc váy hoa văn rực rỡ mang đậm bản sắc dân tộc Mông như để nhắc nhở con gái chị nhớ về cội nguồn đặc biệt là trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Mấy năm nay ăn chung một tết, năm nào con gái chị cũng diện váy mới tham gia các tiết mục văn nghệ ở bản, ở xã. Chị Say bảo, từ hôm được nghỉ tết về nhà nó đã chuẩn bị rộn ràng lắm rồi!

Trao đổi với chúng tôi về việc vận động đồng bào Mông trong xã ăn chung một tết Chủ tịch UBND xã Bản Công - Tráng A Hồ phấn khởi cho biết: “Giờ không phải vận động nữa rồi. Mấy năm bà con thấy ăn tết chung phấn khởi hơn vì được hòa chung không khí vui xuân đón tết của cả cộng đồng. Các cháu học sinh thì không bị ảnh hưởng do nghỉ tết 2 lần, đặc biệt là nhờ ăn tết chung bà con trong xã có nhiều thời gian chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Trước tết, toàn bộ diện tích mạ xuân đã được xuống giống, ruộng đã được cày bừa kỹ, ăn tết xong là bà con xuống đồng gieo cấy lúa xuân luôn.
Không chỉ đồng bào xã Bản Công mà đồng bào Mông ở khắp các thôn xa, bản gần của huyện Trạm Tấu đã quen với tết chung đã không còn ý nghĩ ăn tết riêng của dân tộc Mông nữa. Theo thời gian, tết Nguyên đán đã trở nên quen thuộc với đồng bào. Tết chung để không ảnh hưởng đến việc học của con em và tết chung để có nhiều thời gian tập trung cho sản xuất vụ xuân. Vì thế, dù ở nơi xa xôi như Làng Nhì thì niềm vui đón tết chung vẫn đang hiện hữu.

Chị Cứ Thị Vang bản Chống Tàu xã Làng Nhì xúng xính trong bộ váy mới cười e ấp bảo: “Em thích nhất là đi chợ tết, có đầy đủ các mặt hàng tha hồ mà chọn. Trước đây, khi dân tộc Mông của em còn ăn tết truớc, đi chợ chẳng có gì là vui. Vì lúc đó mọi người mải lo cho xong việc của năm kế hoạch Nhà nước, đã ai đi sắm tết đâu mà có không khí. Chỉ khi ăn tết chung em mới biết thế nào là chợ tết”.

Bây giờ, người Mông Trạm Tấu đón tết Nguyên đán không chỉ làm bánh dày truyền thống mà đồng bào còn gói bánh chưng - một món ăn không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Như vậy, cả trong văn hóa ẩm thực của đồng bào đã có sự đan xen, hòa quyện trong nếp cảm, nếp nghĩ. Chứng kiến nhiều hộ gia đình người Mông gói bánh chưng ăn tết, mỗi chúng tôi đều cảm thấy nao nao xúc động. Bà con ai ai cũng rất vui và hào hứng. Để rồi trân trọng, nâng niu từng chiếc bánh chưng bên cạnh món bánh dày truyền thống tinh khôi. 

Miên man trong sắc xuân vùng cao, giữa trùng điệp núi rừng, tiếng gió thổi nhè nhẹ khiến tiếng sáo gọi bạn tình, tiếng khèn môi lúc trầm lúc bổng giữa không gian nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được rất rõ sự rạo rực trong lòng mỗi trai làng, gái bản với ước nguyện vui duyên mới và mong cho một năm mưa thuận gió hòa để sang năm ngô lúa đầy bồ và ngày càng có nhiều hộ giàu, hộ khá.

Hoàng Hằng

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục

Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục

Hai Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi và miễn, hỗ trợ học phí cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đã đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục nước ta.

Chấm thi khẩn trương nhưng không được 'sót bài', 'sót ý' để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Chấm thi khẩn trương nhưng không được 'sót bài', 'sót ý' để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về công tác chấm thi trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, việc bảo đảm quyền lợi cho thí sinh trong khâu chấm thi, độ khó của đề thi Toán, Tiếng Anh,...

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Với 11 tỉnh/thành phố không có sự biến động, mã vùng điện thoại cố định vẫn giữ nguyên. Với 23 tỉnh/thành phố mới được sắp xếp từ 2 tỉnh/thành phố trở lên sẽ áp dụng song song các mã vùng điện thoại cố định, sau đó dự kiến sẽ áp dụng theo mã vùng của tỉnh mới.

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và đưa vào vận hành mô hình chính quyền hai cấp, đến nay, bộ máy hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn gần dân, sát cơ sở, giải quyết công việc nhanh gọn, minh bạch, tăng sự hài lòng của người dân.

fb yt zl tw