Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30, Kết luận số 82-KL/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đối với 2 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bảo Yên và Văn Bàn, tỉnh tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển công ty lâm nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Trước sắp xếp, đổi mới, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên (Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên) đạt thấp; công tác quản lý đất đai, tài nguyên rừng có nhiều yếu kém; hiệu quả sản xuất đối với xưởng sản xuất giấy đế, sản xuất viên nén mùn cưa doanh thu, lợi nhuận chưa đạt mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân người lao động đạt 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên giai đoạn 2016 - 2020, công ty đã nhanh chóng sắp xếp bộ máy, tổ chức lại sản xuất. Hết năm 2023, tổng số lao động trong công ty là 35 người (giảm 59 người so với năm 2016) gồm 3 phòng chuyên môn và 5 đội sản xuất lâm sinh; thực hiện cơ chế khoán cho cán bộ, công nhân viên để nâng cao thu nhập. Hằng năm, công ty thực hiện bảo vệ hơn 6.800 ha rừng. Đối với diện tích đất rừng trồng, công ty liên kết với các hộ, hằng năm trồng rừng từ 250 - 350 ha. Đến hết năm 2023, diện tích liên kết trồng rừng với người dân đạt 1.450,6 ha.
Về sản xuất, kinh doanh, vốn điều lệ của công ty hơn 41 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đến 31/12/2023 gần 34 tỷ đồng (giảm 17,4%); lỗ lũy kế hơn 7,1 tỷ đồng (năm 2017 lỗ 4 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 4 tỷ đồng) giai đoạn các năm 2019 - 2023 lợi nhuận đạt thấp (năm 2019 lãi 11 triệu đồng; năm 2020 lãi 52,3 triệu đồng; năm 2021 lãi 633,5 triệu đồng; năm 2022 lãi 73,8 triệu đồng; năm 2023 lãi 147,4 triệu đồng). Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên hiệu quả còn thấp, chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên đã đầu tư, góp vốn tại Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên với số vốn hơn 4,5 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ góp vốn là 5,99% tổng số vốn góp của cổ đông. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần MDF Bảo Yên qua các năm đều lỗ, không có lợi nhuận. Hiện công ty đã lập và hoàn thiện phương án chuyển nhượng vốn để thực hiện theo quy định.
Cũng như Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên, trước sắp xếp đổi mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn (Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn) không ổn định; việc quản lý tài sản, quản lý nguồn vốn chưa chặt chẽ; sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, xảy ra hiện tượng nợ thuế, chậm thanh toán chế độ cho cán bộ, công nhân viên, tồn đọng về tài chính tại Nhà nghỉ Lâm nghiệp Sa Pa. Năm 2012, sản xuất, kinh doanh của công ty thua lỗ 3,6 tỷ đồng và phải đưa vào diện giám sát; từ năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công ty đã sắp xếp tổ chức lại sản xuất và từng bước chấm dứt tình trạng kinh doanh thua lỗ, tuy nhiên lợi nhuận vẫn đạt thấp, thu nhập bình quân người lao động chỉ đạt 3,3 - 3,8 triệu đồng/người/tháng.
Trước tình hình trên, Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn được chỉ đạo khẩn trương, triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty giai đoạn 2016 - 2020. Công ty đã sắp xếp lại cho phù hợp với định hướng sản xuất, kinh doanh, giảm lao động gián tiếp tại các phòng nghiệp vụ; tăng cường lao động xuống các tổ đội, xí nghiệp sản xuất. Đến nay, số lao động công ty là 62 người (giảm 42 người so với năm 2017); tổ chức lại sản xuất, giao khoán cho người lao động tạo sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh.
Hằng năm, công ty thực hiện bảo vệ hơn 12.000 ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng theo đúng phương án được phê duyệt.
Vốn điều lệ của công ty có hơn 24 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đến 31/12/2023 hơn 12 tỷ đồng (giảm 49,5%), lỗ lũy kế 12 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ được xác định bắt đầu tại thời điểm năm 2011 (năm 2011 lỗ 689,5 triệu đồng; năm 2012 lỗ hơn 3,6 tỷ đồng; năm 2019 lỗ hơn 4,4 tỷ đồng; năm 2020 lỗ gần 5,9 tỷ đồng).
Đến thời điểm hiện tại, theo khẳng định của ông Phạm Huy Thông, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên và ông Trần Mạnh Tưởng, Quyền Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn, hiện doanh nghiệp chỉ còn trông chờ vào phát triển và bảo vệ rừng để có tiền duy trì hoạt động, còn mảng sản xuất, kinh doanh gần như “tê liệt”.
Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của 2 công ty lâm nghiệp có rất nhiều, đó là: Diện tích rừng của 2 công ty lâm nghiệp rất lớn nhưng không tập trung, trải rộng trên địa bàn nhiều xã, trong khi địa hình đồi núi phức tạp khó khăn cho công tác tuần tra, bảo vệ. Ranh giới quản lý đất rừng của công ty đã được cắm mốc ngoài thực địa, tuy nhiên một số diện tích còn chồng chéo, đã nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.
Công tác quản lý, sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn. Phương án sử dụng đất của các công ty mặc dù đã được UBND tỉnh phê duyệt, tuy nhiên chưa hoàn thành việc bàn giao diện tích đất về cho các địa phương quản lý. Đối với diện tích giao cho các công ty quản lý, sử dụng vẫn còn chồng chéo với đất hộ gia đình, cá nhân.
Hoạt động sản xuất chế biến lâm sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, nhu cầu và thị trường tiêu thụ sản phẩm giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, vật tư, nhân công tăng dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, trong khi giá tiêu thụ giảm mạnh… dẫn đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty lâm nghiệp chưa cao, chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận chưa đạt được so với mục tiêu. Ông Trần Mạnh Tưởng, Quyền Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn thẳng thắn cho biết: Hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của công ty là sản xuất giấy đế xuất khẩu. Do công nghệ sản xuất không còn phù hợp, công ty đã phải vay để đầu tư bổ sung tài sản, dẫn đến chi phí lãi vay và khấu hao hằng năm tăng, giá nguyên liệu, vật tư, nhân công tăng dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, trong khi đó giá tiêu thụ giảm mạnh, thậm chí nhiều năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm gần như đóng băng. Cùng với đó, nguồn vốn bổ sung còn hạn chế; kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên năm 2022 - 2023 và kế hoạch tạm giao 2024 còn thiếu.
Trước những khó khăn trên, tỉnh xác định tiếp tục sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp, trong đó tăng cường quản lý đất đai, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục pháp lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và bàn giao diện tích đất về địa phương quản lý theo phương án được duyệt.
Tổ chức trồng rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty nông, lâm nghiệp; rà soát khắc phục những tồn tại trong việc liên kết trồng rừng với các hộ gia đình, cá nhân.
Tăng cường rà soát, đối chiếu các khoản công nợ phải thu, phải trả, đặc biệt là công nợ đã đến hạn phải thu, hạn chế tối đa rủi ro, tránh thất thoát và bảo toàn vốn của doanh nghiệp; đẩy mạnh quản lý tài sản của doanh nghiệp, thanh lý tài sản đã hết khấu hao, không còn giá trị sử dụng theo quy định. Tập trung quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện các giải pháp giảm tối đa chi phí để giảm giá thành sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp tục tìm kiếm thị trường, khách hàng mới có tiềm năng để phát triển sản xuất...