Về vùng lũ A Lù

Bài 1: Vụ sạt lở đất tại xã A Lù qua lời kể của người dân thôn Phìn Chải 2

Sau một tuần bị cô lập, chia cắt, đến ngày 15/9/2024, đường từ trung tâm huyện Bát Xát lên thôn Phìn Chải 2, xã A Lù mới thông xe. Đến thời điểm này, 7 nạn nhân bị mất tích trong vụ sạt lở đất rạng sáng ngày 9/9 đã được tìm thấy, nhưng câu chuyện về vụ thiên tai qua lời kể của người dân thôn Phìn Chải 2 vẫn vô cùng ám ảnh.

Cuộc điện thoại cuối cùng đêm 8/9

Thôn Phìn Chải 2, xã A Lù nằm cách trụ sở UBND xã Ngải Thầu cũ không xa, bình yên bên rừng trúc, rừng vầu xanh tốt. Đây là nơi sinh sống của 46 hộ người Mông, đã nhiều năm qua không xảy ra thiên tai. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, ngày 8/9/2024, khu vực xã A Lù có mưa to kéo dài suốt từ sáng tới tối. Sau bữa cơm tối, anh Lù A Súng, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Phìn Chải 2 nhìn ra ngoài trời vẫn sầm sập mưa và sương mù bao phủ khắp nơi. Ở vùng cao A Lù này, tháng 9 trời đã lạnh tê tái như mùa đông.

Mấy ngày qua, cơn bão số 3 đã đi qua, nhưng mưa dữ dội và liên tục khắp nơi, trên đài, báo liên tục phát đi những thông tin cảnh báo về mưa lũ, sạt lở đất khiến anh Súng không khỏi lo lắng. Buổi chiều nay, mấy chục hộ dân tại thôn Phìn Chải 1 nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất đã phải di chuyển xuống Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Ngải Thầu để tránh trú an toàn. Đối với thôn Phìn Chải 2 không nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, trong 2 hôm mưa gió, mọi người đã được nhắc nhở không đi làm trên núi cao, không ở lại lều lán nơi nguy hiểm, nên có thể tạm yên tâm.

8.jpg
Cuộc gọi của anh Lù A Súng cho bác là ông Sùng A Cấu lúc 22 giờ 2 phút đêm 8/9.

22 giờ 2 phút đêm 8/9, mưa vẫn dữ dội trút xuống ngày càng to, nghe tiếng nước chảy từ trên xuống qua nhà như con suối, linh tính như mách bảo điều gì, anh Lù A Súng bấm điện thoại gọi cho bác là ông Sùng A Cấu cách nhà anh khoảng 30 m. Trong tiếng mưa rào rào, anh nói như hét vào điện thoại: “Mưa to lắm, nhà bác có bị nước tràn vào nhà không? Đêm nay, bác và gia đình di chuyển xuống nhà cháu ngủ cho an toàn”. Đầu điện thoại bên kia, ông Cấu bảo mấy hôm nay trời mưa nhưng khu nhà mình chưa bao giờ bị lũ, sạt lở đất nên không sao đâu. Còn nếu trời vẫn mưa to quá thì bác sẽ xuống. Hai người nói chuyện được 2 phút 14 giây thì tín hiệu điện thoại kém, nên không nói chuyện được nữa.

Đến khoảng hơn 2 giờ rạng sáng 9/9, khi đang ngủ thì anh Lù A Súng nghe tiếng động như tiếng nổ lớn phía sau nhà, rồi tiếng đá lăn, đất lở, nước chảy ầm ầm. Khi soi đèn pin ra khu vực có tiếng nổ, nhìn lên trên trời tối mù mịt không thấy gì, khi soi đèn nhìn sang xóm dân cư cách nhà mấy chục mét thì chỉ thấy một lượng bùn đất lớn chảy xuống, ngôi nhà của ông Cấu đã sập đổ hoàn toàn và bị bùn đất vùi lấp. Anh Súng gào lên gọi mọi người nhưng không có tiếng hồi đáp, chỉ có tiếng mưa, tiếng nước chảy ầm ầm.

2.jpg
4.jpg
Điểm sạt lở tại thôn Phìn Chải làm đổ sập 4 ngôi nhà, cướp đi sinh mạng của 7 người.

Do đêm tối, mưa lũ lớn, đất tiếp tục sạt xuống, nên anh Súng không thể tiếp cận được khu vực sạt lở. Điện thoại tín hiệu kém nên anh nhắn tin vào nhóm zalo của Ban Chỉ huy Quân sự xã và của thôn để thông báo tình hình, đồng thời gọi được 1 người bạn đi cùng vận động 1 hộ dân phía trên di chuyển đến nơi an toàn. Khoảng 3 giờ sáng, các lực lượng của xã đã đến được thôn Phìn Chải 2, nhưng do mưa lớn, sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, nên không thể vào được khu vực 4 nhà dân bị vùi lấp.

3.jpg
Điểm sạt lở đến tận chân đường của khu đường phía sau nhà các hộ dân bị hại.

Chiều 15/9, đưa chúng tôi đến nơi xảy ra vụ sạt lở đất, ông Lù A Lùng, Trưởng thôn Phìn Chải 2 cho biết: Vụ sạt lở đất vùi lấp 4 ngôi nhà, làm 7 người mất tích, sau 5 ngày tìm kiếm mới tìm thấy thi thể. Nạn nhân gồm: Thào A Phình ( sinh năm 1988); Sùng Thị Pia (sinh năm 1989); Sùng A Cấu (sinh năm 1958); Vàng Thị Sì (sinh năm 1977); Sùng Thị Lý Phương (sinh năm 2021); Sùng A Tủa ( sinh năm 2019); Sùng Thị Lỳ (sinh năm 2010). Sau khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng, thôn đã di chuyển các hộ dân khác ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn. Đây là vụ sạt lở lớn để lại nhiều nỗi đau đối với bà con trong thôn.

Nước mắt người ở lại

Sáng 15/9, những điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường từ xã Y Tý sang xã Ngải Thầu cũ đã được khắc phục nên chúng tôi mới có thể đến được nơi này. Tại sân Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Ngải Thầu, những chiếc ô tô của các đoàn cứu trợ từ các tỉnh đưa lương thực, thực phẩm cũng như nhiều nhu yếu phẩm khác đã đến với bà con vùng thiên tai.

10.jpg
Anh Sùng A Giàng (áo đen) và vợ là Sùng Thị Chao (áo hồng) với nỗi đau mất bố mẹ, 2 con và em gái trong vụ sạt lở.

Anh Sùng A Giàng, 22 tuổi và vợ là Sùng Thị Chao ánh mắt vẫn đỏ hoe vì nỗi đau mất những người thân yêu nhất trong gia đình trong vụ sạt lở đất kinh hoàng. Trong tiếng nấc nghẹn, Sùng A Giàng nhớ lại: Ngày 9/9/2024, hai vợ chồng em đang đi làm thuê ở tỉnh Hải Dương thì 5h30 phút sáng nghe điện thoại của bà con báo tin nhà em bị sạt lở đất vùi lấp hết không còn ai nữa. Tin dữ bất ngờ như tiếng sét bên tai, không tin đó là sự thật. Khi gọi điện cho bố, mẹ, em gái thì không liên lạc được. Hai vợ chồng không kịp chuẩn bị gì, lập tức bắt xe về Lào Cai để về quê, nhưng khi đến xã A Mú Sung thì mưa to quá, đường bị sạt, phải đi bộ đến một quả đồi thì trời tối đành phải ngủ lại một đêm.

Hôm sau, hai vợ chồng đi bộ vượt đoạn đường mưa lũ đến 12 giờ mới về được tới nhà thì bố, mẹ, con trai, con gái và em gái em đều bị đất vùi lấp, mất tích. Nhờ các lực lượng và bà con giúp đỡ tìm kiếm, đến ngày 13/9 mới tìm thấy hết 5 người. Bây giờ em chỉ còn một em gái đang học lớp 10, nhưng nhà cửa đã mất hết, em chỉ mong muốn có ngôi nhà mới để em gái đi học về có nhà để ở.

5.jpg
Đồng chí Nguyễn Trung Triều (Bí thư Huyện ủy Bát Xát) thăm hỏi, động viên hai anh em Thào A De và Thào Thị Nhè.

Đối với em Thào A De, 17 tuổi và Thào Thị Nhè, 15 tuổi, thì nỗi đau mất cả bố và mẹ trong vụ sạt lở đất là nỗi kinh hoàng quá lớn. Sau 1 đêm, hai em bỗng trở thành mồ côi. Suốt một tuần qua, hai em ở tạm nhà người thân và cạn nước mắt vì khóc thương bố mẹ đã qua đời. Thào A De bảo em đang đi làm nghề may dưới tỉnh Hải Dương được 2 tháng chưa về nhà thì nghe tin nhà bị sạt lở đất, bố mẹ đều không còn nữa. Cách đây mấy hôm bố gọi điện nói chuyện với em và bảo không được mải chơi, phải chăm chỉ làm việc, cố gắng kiếm tiền để dành, khi nào được nghỉ thì về nhà với bố mẹ và em gái.

Ngồi bên cạnh anh trai, cô bé Thào Thị Nhè vẫn khóc thút thít. Nhìn về ngôi nhà thân yêu - nơi gia đình em sinh sống bao năm qua bây giờ chỉ còn là bãi bùn đất ngổn ngang, Nhè nấc nghẹn: “Sau đợt nghỉ lễ Mùng 2/9 thì bố lái xe máy đưa em xuống Trường THPT số 2 Bát Xát để học tập. Hôm đấy, đến 6 giờ chiều, bố mới từ trường đi gần 100 km trở về nhà để hôm sau đi làm nương. Em thương bố lắm vì phải đi đường xa vất vả đến hơn 8 giờ tối mới về tới nhà. Bây giờ cả bố và mẹ em đều đã mất, nhà em cũng bị đất lấp hết không còn gì nữa. Em mong bà con và mọi người giúp đỡ để em có ngôi nhà mới, anh trai có việc làm gần nhà và em không phải nghỉ học, vẫn được đến trường”.

7.jpg
Đường từ xã Y Tý sang vùng lũ thôn Phìn Chải 2 đã được thông từ ngày 15/9. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm sụt sạt, đứt gãy bên đường.

Một tuần đã trôi qua kể từ khi xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng tại thôn Phìn Chải 2, xã A Lù. Cùng với nỗi đau mất đi những người thân yêu nhất, thì còn đó là bao khó khăn bộn bề trước mắt. Hơn bao giờ hết, lúc này, Nhân dân thôn Phìn Chải 2 cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng để vượt qua những đau thương, mất mát, sớm ổn định cuộc sống.

1.jpg
Trong khó khăn, hoạn nạn, người dân Phìn Chải 2 nói riêng, xã A Lù nói chung đang rất cần sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng. Hiện tại, trung tâm xã A Lù vẫn đang bị cô lập, do đường từ thôn Phìn Chải A sang và đường từ A Mú Sung đến vẫn chưa được thông tuyến.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tuyên truyền, đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Tuyên truyền, đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Sáng 1/7, tại Hội trường Công ty Cổ phần An Tiến Industries, Khu công nghiệp phía Nam, phường Văn Phú, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XVII phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghiệp tổ chức Ngày hội tuyên truyền, tư vấn, giải đáp chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) hưởng ứng ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7).

Các thủy điện trên lưu vực sông Chảy thông báo xả lũ

Các thủy điện trên lưu vực sông Chảy thông báo xả lũ

Do ảnh hưởng của mưa lớn những ngày qua, nước từ thượng nguồn liên tục đổ về khiến mực nước các hồ thủy điện dâng cao. Để đảm bảo vận hành an toàn nhà máy và an toàn vùng hạ du, các thủy điện trên lưu vực sông Chảy đã thông báo xả lũ hồ chứa.

Hành trình yêu thương không giới hạn

Hành trình yêu thương không giới hạn

Có những đứa trẻ không thể gọi mẹ bằng tiếng “mẹ” đầu đời. Có những ánh mắt ngơ ngác không phản hồi lại vòng tay yêu thương… Đó là nỗi niềm của các gia đình có con mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ - hành trình của nước mắt, hy vọng và tình yêu không điều kiện.

96,5% dân số Lào Cai được quản lý sức khỏe điện tử

96,5% dân số Lào Cai được quản lý sức khỏe điện tử

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh, đến thời điểm hiện tại, 96,5% dân số trên địa bàn tỉnh đã được quản lý sức khỏe điện tử, vượt xa mục tiêu đề ra trong Kế hoạch 220/KH-UBND ngày 26/4/2023 về chuyển đổi số ngành y tế giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Công an xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn tuyên truyền, vận động nhân dân không tàng trữ trái phép chất ma túy.

Giữ bình yên bản làng

Giữa rừng xanh đại ngàn, cuộc chiến phòng, chống ma túy ở Yên Bái vẫn âm thầm diễn ra không khói lửa, không súng đạn nhưng đầy cam go và quyết liệt. Cuộc chiến ấy không chỉ để đẩy lùi tội phạm mà hơn hết là giữ gìn sự bình yên cho từng mái nhà, từng bản làng.
Thành viên Câu lạc bộ Hát dân ca, quan họ, hát chèo phường Nam Cường trình bày tiết mục hát quan họ tại không gian văn hóa hồ Nam Cường, thành phố Yên Bái.

Lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa

Những năm qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện sâu rộng phong trào với trọng tâm là xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”. Đồng thời, BCĐ đã cụ thể hóa các nội dung: đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật, xây dựng môi trường văn hóa…
Hàng năm cứ vào ngày 2/9, tất cả các nhà trường ở thị xã Nghĩa Lộ tổ chức các đoàn dâng hương và báo công với Bác.

“Địa chỉ đỏ” giữa miền Tây Yên Bái

Giữa lòng thị xã Nghĩa Lộ - nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa dân tộc Thái và vang vọng điệu xòe Tây Bắc ngàn đời có một không gian trầm mặc mà thiêng liêng, được gìn giữ bằng tất cả lòng thành kính: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là “địa chỉ đỏ” thấm đẫm tình cảm cách mạng, nơi mỗi bước chân đều in dấu lòng biết ơn sâu nặng của đồng bào miền Tây với Bác Hồ kính yêu.
Miền Bắc tiếp tục đón mưa lớn từ hôm nay đến trưa 3/7.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Từ hôm nay đến trưa 3/7, miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác theo từng đợt, cục bộ có mưa to đến rất to. Từ ngày 4/7, ban ngày trời nắng, chiều tối có mưa rào rải rác, vùng núi có thể xuất hiện mưa to. Chiều tối nay (30/6), nhiều khu vực khác trên cả nước cũng đón mưa dông.
fb yt zl tw