Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc trong tương lai

Theo chuyên gia, con số 2,69 tỉ USD vốn đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm còn rất nhỏ so với hơn trăm tỉ USD mà nước này đầu tư ra nước ngoài mỗi năm. Do đó dư địa để Việt Nam tận dụng dòng vốn FDI từ Trung Quốc "chảy" vào còn rất lớn.

Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023. Trong ảnh là hệ thống lắp ráp xe điện của Công ty TNHH Electric Motorcycle Yadea Việt Nam.

Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới

Sau 3 năm kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, hãng xe máy điện Trung Quốc Yadea đã hé lộ kế hoạch mở rộng quy mô tại nước ta. Theo đó, hãng sẽ khởi công nhà máy mới đặt tại khu công nghiệp Tân Hưng (Bắc Giang) vào quý IV năm nay với tổng số vốn đầu tư 100 triệu USD. Cơ sở mới này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025 với diện tích 230.200 m2 và công suất lên đến 2 triệu xe/năm. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng sẽ tiếp tục mở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại tỉnh Bắc Giang.

Trước đó vào tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà máy công nghệ HKC (Việt Nam) được doanh nghiệp thuê nhà xưởng tại Nhơn Trạch để sản xuất màn hình TV. Dự án do Tập đoàn HKC Overseas Limited (Trung Quốc) đầu tư với vốn đăng ký 10 triệu USD.

Những đơn vị trên đã nối dài danh sách những nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn vào Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2023 đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đứng thứ hai với gần 2,69 tỉ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 90,8% so với cùng kỳ. Còn xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới với tỉ lệ 20,7%, vượt qua các tên tuổi lớn khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực. Từ nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng… thì thời gian qua đã mở rộng sang dệt may, da giày, xơ sợi dệt, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp đang thu hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc.

Các dự án lớn nhất của Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam tính đến nay phải kể đến dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại tỉnh Bình Thuận, Dự án chế tạo lốp xe Radian tại Tây Ninh. Cùng với đó các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư tập trung ở các khu công nghiệp như Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Trung Quốc là một nhà đầu tư với tiềm lực vô cùng lớn

Trao đổi với Lao Động, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - cho biết, Trung Quốc đang chứng minh là một nhà đầu tư với tiềm lực vô cùng lớn. Không chỉ Việt Nam, các nhà đầu tư của Trung Quốc đã đầu tư sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước như Mỹ hay EU đều muốn thu hút và tận dụng nguồn vốn này.

"Không chỉ năm 2023 mà còn từ nay đến năm 2025 và dài hơn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc. Trung Quốc không thể bỏ lỡ các cơ hội đầu tư sang Việt Nam thông qua tận dụng các đối tác xuất khẩu thuận lợi để giao thương hàng hoá" - ông Mại chia sẻ.

Vị chuyên gia đưa ra dẫn chứng về sự kiện đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra tại TP Quảng Châu, Quảng Đông (Trung Quốc) vào tháng 6 vừa qua. Hay sắp tới vào tháng 10 sẽ diễn ra Hội nghị xúc tiến Hội chợ Hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc năm 2023 cũng tại TP Quảng Châu. Đây được xem là một trong những nỗ lực từ phía Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, mở rộng hệ thống phân phối và tăng cường hiệu quả xuất khẩu sang thị trường tỉ dân.

Báo Lao động

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống logistics cửa khẩu

Lào Cai chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống logistics cửa khẩu

Với vị trí nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cửa ngõ quan trọng kết nối các nước trong khu vực ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc, Lào Cai có vai trò đặc biệt trong “cầu nối” các dòng hàng hóa hai chiều từ Trung Quốc sang ASEAN và khu vực châu Á khác.

Quy hoạch tạo diện mạo mới cho đô thị Sa Pa

Quy hoạch tạo diện mạo mới cho đô thị Sa Pa

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, thị xã Sa Pa sẽ có quy mô diện tích 6.090 ha, phạm vi gồm 6 phường nội thị và một phần xã Trung Chải (chia thành 5 phân khu). Việc quy hoạch này sẽ góp phần mang lại diện mạo mới để Sa Pa xứng tầm Khu du lịch Quốc gia.

Xung quanh dự án tái định cư cầu Làng Giàng

Xung quanh dự án tái định cư cầu Làng Giàng

Hiện nay, cầu Làng Giàng nối thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng đã hoàn thành, tuy nhiên đoạn đường nối từ Tỉnh lộ 161 lên cầu vẫn thi công dang dở do người dân chưa bàn giao mặt bằng. Lý do người dân chưa chuyển đến nơi ở mới tại khu tái định cư cầu Làng Giàng thuộc địa phận thôn Múc, xã Thái Niên vì nghi ngờ về chất lượng mặt bằng và hệ thống hạ tầng chưa đầy đủ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Hài làm việc với huyện Bát Xát về công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trên địa bàn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Hài làm việc với huyện Bát Xát về công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trên địa bàn

Chiều 12/11, đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Bát Xát nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án Kim Thành - Ngòi Phát và dự án Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát.

fbytzltw