Diễn ra trong hai ngày 22 và 23/8, phiên họp được tổ chức nhằm tiếp tục cập nhật tiến trình rà soát VpoA nhằm hướng tới việc tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 3 về các nước LLDCs vào năm 2024 tại Rwanda; điểm lại những thành tựu - hạn chế, các cơ hội - thách thức đang tồn tại và mới nổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị chính sách nhằm củng cố tính tự cường và đáp ứng các nhu cầu đặc thù của các nước LLDCs trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Phan Chí Thành nhấn mạnh, mặc dù chỉ còn một năm nữa là đến thời điểm kết thúc một thập kỷ VpoA được triển khai nhưng tiến độ thực hiện sáu ưu tiên của chương trình đang gặp nhiều ảnh hưởng bất lợi từ các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu. Những khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay như tăng trưởng chậm, lạm phát cao, mức nợ công gia tăng đã làm giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trì hoãn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các LLDC. Đại sứ khẳng định đây là thời điểm thích hợp để các nước cùng nỗ lực hơn nữa nhằm giải quyết những khó khăn và thách thức mới nổi mà LLDCs phải đối mặt.
Đại sứ cho biết, là một quốc gia quá cảnh đang phát triển, Việt Nam đã thực hiện nhiều hành động trong khuôn khổ khu vực, tiểu khu vực và song phương để hỗ trợ các LLDC. Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều dự án và chương trình như Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) kết nối Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar, đẩy mạnh các hợp tác tiểu vùng sông Mê Công…
Việt Nam cũng tham gia tích cực vào tăng cường kết nối ASEAN và các kế hoạch song phương khác như “Một biên giới - Một trụ cột” với Lào. Cam kết hỗ trợ mạnh mẽ của Việt Nam đối với các LLDC được nhấn mạnh với việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) và cuộc họp giữa năm của Hiệp hội giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) vào tháng 7 năm nay, và cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về khu vực Âu - Á về cải thiện hợp tác trong lĩnh vực quá cảnh và tạo thuận lợi thương mại cùng Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào năm 2017.
Tại phiên họp, dựa trên kinh nghiệm phục hồi sau đại dịch, Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất:
Thứ nhất, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng, từ đó biến mô hình không có biển thành liên kết đất liền thông qua mở rộng năng lực thương mại và tiếp cận thị trường quốc tế. Để mang lại hiệu quả và bền vững, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần tập trung cả về số lượng và chất lượng của các dự án, cả về giao thông vận tải và tạo thuận lợi xuyên biên giới (hậu cần, thông quan...).
Thứ hai, phát triển các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi sự xa xôi về địa lý như du lịch bền vững và kinh tế kỹ thuật số nhằm khai thác tiềm năng kinh tế của các LLDC.
Thứ ba, tăng cường hợp tác vận tải qua các tuyến sông xuyên biên giới như sông Mê Công, để tạo hướng mở đường biển cho các LLDC. Gần đây, vào tháng 1/2023, Việt Nam đã ký kết với Lào thỏa thuận kết nối 29 cảng dọc 1.800 km sông Mê Công tại Lào với các cảng biển của Việt Nam.
Kết thúc bài phát biểu, Đại sứ Phan Chí Thành một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ và vững chắc của Việt Nam trong việc hỗ trợ và tăng cường hợp tác với các nước trong khối LLDC. Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp vào các mục tiêu và hành động chung hướng tới phát triển bao trùm, bền vững và tự cường, không để bất kỳ quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.
Nhóm các nước không có biển (Landlocked Developing Countries - LLDC) là tập hợp các nước không giáp biển trong khuôn khổ Liên hợp quốc, bao gồm 32 quốc gia thành viên, trong đó 2/3 nằm ở châu Á và châu Phi. Nhóm LLDCs được Liên hợp quốc cùng với các cơ quan chuyên trách như UNCTAD, UN-OHRLLS... quan tâm sâu sắc do bất lợi đặc thù về địa lý, cản trở khả năng giao giao thương và đa số là các nước kém hoặc đang phát triển.