LCĐT - Chúng tôi từ thành phố Bắc Ninh, theo đường 38 rồi bắt lên con đê uốn lượn bên bờ sông Đuống đến thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đúng dịp diễn ra lễ hội Kinh Dương Vương. Ngày trên hồ đầu làng, đông đảo du khách thập phương quây quần thưởng thức các liền anh, liền chị hát quan họ giao duyên. Đi quá cổng làng, tiếng trống, chiêng và dòng người nối nhau thực hiện nghi thức rước kiệu từ đền ra lăng Kinh Dương Vương làm lễ. Ngay bên ngoài đê, bên cạnh bờ sông Đuống, khu lăng mộ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân - Âu Cơ rợp bóng đại thụ.
![]() |
Lễ rước Thủy Tổ, Lạc Long Quân, Âu Cơ theo nghi lễ truyền thống. |
Theo các tài liệu, thư tịch cổ, Kinh Dương Vương là cháu ba đời của vua Thần Nông, làm vua và đặt tên nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy Nữ Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra bọc Rồng trăm trứng, nở trăm chàng trai, người con cả là Hùng Đoàn được cha truyền ngôi, phong là Hùng Quốc Vương, thành lập ra Nhà nước Văn Lang. Họ Hùng là cháu ba đời của Thủy tổ Kinh Dương Vương (thuộc họ Hồng Bàng) truyền được 18 đời… Vì vậy ngày nay, người dân ở Á Lữ vẫn thường gọi Kinh Dương Vương là “ông nội” của Vua Hùng. Kinh Dương Vương tạ thế ngày 18 tháng Giêng, tại trang Phúc Khang, bộ tộc Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Từ đó, dân gian lưu truyền:
“Nhớ ngày Mười Tám tháng Giêng.
Giỗ Vua Thủy tổ
thiêng liêng nước nhà.
Dù ai xuôi ngược gần xa
Tìm về bái Tổ xứng là đạo con!”
Đây là chốn linh thiêng bậc nhất được các vương triều xếp vào miếu thờ đế vương các triều đại. Đến ngày Quốc lễ, vua, các đại thần cùng dân thập phương về thành kính bái yết, thờ phụng trang trọng. Kinh Dương Vương được thờ ở nhiều nơi, nhưng duy nhất ở Á Lữ có khu di tích lăng, đền và lễ hội thờ người có công khai sinh ra nước Việt. Tích cũ truyền rằng, Á Lữ là một làng cổ nằm sát bờ Nam sông Đuống, đất hội tụ của “tứ linh” với 99 cái ao, 99 cái gồ, được ví như long, ly, quy, phượng chầu về. Thủy tổ Kinh Dương Vương còn được thờ làm thành hoàng làng thôn Á Lữ. Xưa kia, hai ngôi đền cổ ở phía Tây làng Á Lữ thờ phụng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ (đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ), có quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc trang trí “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy. Về phía Đông lăng Kinh Dương Vương xưa còn có một ngôi chùa có tên chữ là “Đông Linh Bát Nhã tự” thờ các đức “Thánh mẫu thủy tổ” là Vụ Tiên, Thần Long và Âu Cơ.
![]() |
Nhiều hoạt động văn hóa diễn ra trong lễ hội Kinh Dương Vương. |
Từ năm 1949 đến năm 1952, giặc Pháp kéo đến thôn Á Lữ, đóng đồn bốt ở đây, phá hoại toàn bộ đền, đình, chùa, dân làng đã kịp cất giữ một số đồ thờ tự cổ quý. Đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ đã tôn tạo khu Lăng mộ Kinh Dương Vương. Khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ nằm trong cụm di tích Kinh Dương Vương có tổng diện tích hơn 30 ha, trong đó đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ là 4,2 ha. Lăng Kinh Dương Vương có 8 mái (hai tầng mái), trước cửa lăng mộ có 3 bệ thờ, nhìn ra sông, có nhiều bậc tam cấp xuống tận mép nước. Ngay lối vào lăng có một tấm bia đá khắc nổi hai chữ Hán “Hạ Mã” nhắc nhở mọi người xuống ngựa (xe) trước khi vào viếng. Lăng mộ Kinh Dương Vương được ghép toàn bằng đá xanh. Trên lăng khắc nổi hai chữ “Bất vong” (nghĩa là trường tồn, không bao giờ mất). Tấm bia đá trong lăng khắc sâu 4 chữ “Kinh Dương Vương lăng”. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, tấm bia lăng này được khắc dựng trong lần trùng tu vào năm Minh Mạng thứ 21 (năm 1840). Ngoài ra, quần thể di tích còn lưu giữ được một số thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi cấu đối vô cùng quý giá.
Ngày 2/2/1993, khu di tích được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Tháng Giêng hằng năm đều mở hội để con dân đất Việt kết tụ, tưởng nhớ và tri ân công đức tổ tiên, thể hiện niềm tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết huyết thống con Lạc, cháu Hồng, hướng về nguồn cội.