Có một số cán bộ từ trung ương đến cơ sở đã bị điều tra, kết luận, xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức khác nhau như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, cho thôi việc, thôi chức, chuyển công tác… đến bị xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Lợi dụng tình hình này, các thế lực chống đối, thù địch cho rằng đang có sự “đấu đá” giữa các “phe nhóm” nhằm hạ bệ lẫn nhau để tranh giành quyền lực trong Đảng, Nhà nước. Đây là chiêu bài chống đối cũ rích mà các thế lực thù địch vẫn nhai đi nhai lại hòng chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây ra sự hoài nghi trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Chúng ta đều biết, tham nhũng, tiêu cực là sự tha hóa của quyền lực, là căn bệnh chung của các chế độ cai trị, của các nhà nước trên thế giới, chứ không phải chỉ có ở Việt Nam. Bất cứ bộ máy nhà nước nào cũng đều phải đối mặt với nguy cơ tham nhũng ở những mức độ khác nhau, tùy theo sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật mà thôi.
Ở nước ta, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Bác Hồ, Đảng ta quan tâm từ khi thành lập Đảng, đặc biệt từ khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền (1945). Phòng, chống tham nhũng là để làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, để Nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân. Ngay từ tác phẩm Đường Kách mệnh, xuất bản năm 1925, Bác đã nêu lên 23 điểm thuộc “tư cách một người cách mệnh”, trong đó Người yêu cầu cán bộ “Ít lòng tham muốn về vật chất”.
Năm 1950, trong lúc cả nước đang tập trung cho công cuộc kháng chiến kiến quốc thì Tòa án Quân sự lần đầu tiên tuyên án tử hình đối với một cán bộ quân đội là Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn, với tội danh: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Sau khi tòa tuyên án, Trần Dụ Châu đã gửi đơn lên Chủ tịch nước xin tha tội chết. Sau khi xem xét kỹ hành vi phạm tội của Trần Dụ Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định y án tòa đã tuyên. Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.
Từ đó đến nay, Đảng ta không ít lần thực hiện chỉnh đốn Đảng nhằm đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, như: Chỉ thị số 192 ngày 26/10/1971 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng trong cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII… Tất cả những đợt thực hiện chỉ thị, nghị quyết nêu trên đều có việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, cho thôi chức, cách chức đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo “con thuyền” Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác chứ đâu phải là chuyện đấu đá, phe cánh. Càng chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời thay thế, cho thôi chức, cách chức những cán bộ vi phạm thì Đảng càng mạnh, càng được Nhân dân tin tưởng.
Lần này cũng vậy, những cán bộ bị xử lý kỷ luật, cho thôi chức, cách chức, thậm chí bị xử lý hình sự đều được các cơ quan chức năng kết luận làm rõ những sai phạm, khuyết điểm của họ; công khai để cả nước và thế giới biết. Họ đã làm mất uy tín của Đảng, làm thất thoát số lượng lớn tiền, tài sản của Nhà nước, là những “con sâu làm rầu nồi canh” thì phải bị thay thế để Đảng trong sạch, vững mạnh là xứng đáng. Sao lại gọi đó là “đấu đá”, “phe cánh”? Tội lỗi rõ ràng như thế, sao lại cho là hạ bệ lẫn nhau? Đó là những luận điệu hết sức vô lý chỉ nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước, mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.
Cán bộ, đảng viên khi xem mạng xã hội, nghe dư luận cần tỉnh táo, vững vàng bản lĩnh chính trị, không mơ hồ, chủ quan, không bình luận, a dua với những luận điệu, chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch. Điều đó sẽ góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.