Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Khi đó, hầu hết các trường đại học tuyển sinh dựa vào kỳ thi này.
Còn nhớ năm 2015 - năm đầu tiên thi THPT quốc gia và thí sinh đăng ký xét tuyển được rút nộp hồ sơ trong những ngày quy định.
"Ngày xét tuyển kỳ dị", "Trào nước mắt phút chót xét tuyển", "Náo loạn xét tuyển đại học phút 89", "Nguyện vọng 1 kết thúc trong nước mắt", "Thí sinh bật khóc vào giờ chót", "Sốc, hỗn loạn và nước mắt", "Nghẹt thở đến phút cuối"... là các bài nổi bật trên các trang báo ra ngày 21/8/2015.
Cảnh tượng đó không còn lặp lại ở năm 2016 khi phương thức đăng ký xét tuyển được điều chỉnh. Việc đăng ký xét tuyển những năm sau này được cải tiến, thực hiện trực tuyến giúp thí sinh thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 khiến nhiều thí sinh vất vả vì phần mềm đăng ký nguyện vọng khó sử dụng, không ít thí sinh nhầm phương thức sử dụng, mất cơ hội trúng tuyển.
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo cải tiến khi thí sinh không cần đăng ký phương thức xét tuyển trên hệ thống để tránh nhầm lẫn, đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Cải tiến tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các năm
Từ kỳ tuyển sinh năm 2015 đến nay, phương thức tuyển sinh đại học ngày càng đa dạng hơn. Các chính sách trong tuyển sinh cũng liên tục thay đổi qua các năm.
Thay đổi về tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển:
Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học cũng có nhiều thay đổi theo hướng tăng cường sự tự chủ của các trường.
Nếu như giai đoạn đầu bộ giao chỉ tiêu cho các trường, thì những năm sau này các trường tự xác định năng lực đào tạo, đăng ký chỉ tiêu, bộ hậu kiểm.
Một trong những tranh cãi trong tuyển sinh đó là điểm ưu tiên. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học trước đây được cho là tạo sự bất bình đẳng, thậm chí nhiều năm thí sinh có điểm 30 vẫn rớt đại học. Điều này khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sửa quy chế, giảm điểm ưu tiên khu vực.
Ngoài các điều chỉnh này còn có những thay đổi về ngưỡng đảm bảo chất lượng, xét tuyển và lọc ảo, sử dụng cơ sở dữ liệu chung trong tuyển sinh... Số lượng thí sinh trúng tuyển đại học hằng năm liên tục tăng.
Tuy nhiên năm 2023 đánh dấu sự sụt giảm khi tỉ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học so với chỉ tiêu của các trường lại thấp hơn các năm trước.
Dự kiến có thay đổi nhỏ trong tuyển sinh năm 2024
Đánh giá về việc tuyển sinh đại học trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng thực sự chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
Việc xét tuyển sớm của các trường còn nhiều bất cập, nhiều trường đại học tuyển sinh bất chấp năng lực đào tạo. Từ đó Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ có những thay đổi nhỏ trong quy chế để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh năm 2024.