Theo HĐXX, hành vi sai phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác đã làm ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đồng thời, làm ảnh hưởng, suy giảm đến uy tín của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân.
Hầu hết các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau. Mỗi khi cần rút tiền của SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB phối hợp, câu kết với lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức; đưa các cá nhân được thuê, nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty “ma” ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp.
Căn cứ vào kết quả điều tra và quá trình tranh tụng tại toà, HĐXX xác định thiệt hại của Ngân hàng SCB thuộc trách nhiệm của bị cáo Trương Mỹ Lan là hơn 498.000 tỷ đồng.
HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm phải chịu trách nhiệm về 1.284 khoản vay khống là phương thức, thủ đoạn để bị cáo này chiếm đoạt hơn 677.000 tỷ đồng của SCB - tính đến ngày 17/10/2022.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên hàng loạt bất động sản liên quan đến Trương Mỹ Lan, bao gồm biệt thự cổ 112 Võ Văn Tần (Quận 3) nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
HĐXX tuyên án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp chung buộc bị cáo Lan chấp hành hình phạt tử hình.
Bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), bị HĐXX tuyên mỗi bị cáo 19 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tù chung thân về “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt buộc mỗi bị cáo chấp hành là chung thân.
HĐXX đang tuyên án đối với các bị cáo còn lại.