Tuần lễ Múa Việt Nam (Vietnam Dance Week 2023) khu vực phía Nam chính thức diễn ra từ ngày 19/10 - 21/10 tại Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực phía Bắc diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25 - 29/10, trong đó điểm nhấn là đêm khai mạc vào lúc 19h00 ngày 27/10 tại Công viên Thống Nhất.
Một tiết mục trong Tuần lễ Múa Việt Nam 2023.
Theo Ths.Biên đạo múa Tuyết Minh: "Đây là cơ hội để ngành múa giới thiệu và tôn vinh những đóng góp của các thế hệ nghệ sĩ múa và những người yêu nhảy múa, lan tỏa sâu rộng nghệ thuật múa vào trong đời sống xã hội, tôn vinh nghệ thuật múa dân gian dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển văn hóa nghệ thuật như một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn. Thông qua đó, tìm kiếm cơ hội hợp tác và tìm ra những mô hình hoạt động hiệu quả, những hướng phát triển mới cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật múa Việt Nam".
Đặc biệt, lần đầu tiên có sẽ sự hội tụ và tỏa sáng của 6 vũ đoàn lớn mạnh nhất Hà Nội hiện nay là Vũ đoàn Grammy (Leader Anh Đức), Vũ đoàn Carmen (Leader Kiều Vân), Vũ đoàn Emmy (Leader Quang Huy); Vũ đoàn Cao Tùng (Leader Cao Tùng), Vũ đoàn Cannes (Leader An Nguyễn), Vũ đoàn PL (Leader Phan Lương). Đây là các vũ đoàn được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp với trưởng vũ đoàn là những solist có tên tuổi, đã xây dựng được thương hiệu với sự phủ sóng trên truyền hình ở nhiều show diễn lớn, đóng góp tích cực cho nền công nghiệp văn hóa nghệ thuật.
Theo Biên đạo múa Anh Đức, Trưởng Vũ đoàn Grammy: "Mặc dù các vũ đoàn tại Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung hoạt động rất sôi nổi, phục vụ nhiều chương trình nghệ thuật từ các sự kiện chính trị xã hội của Nhà nước đến doanh nghiệp, bệnh viện, trường học… đóng góp không nhỏ cho sự phát triển nền nghệ thuật múa nước nhà, nhưng quả thực, từ trước đến nay chưa từng có cuộc thi nào dành riêng cho các vũ đoàn. Vietnam Dance Week 2023 do lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phát động là sân chơi tuyệt vời để chúng tôi góp mặt và cống hiến cho sự nghiệp chung của ngành múa".
Biên đạo múa Kiều Vân, Trưởng Vũ đoàn Carmen chia sẻ: "Thành viên của các vũ đoàn ở Hà Nội như Vũ đoàn Grammy, Vũ đoàn Carmen, Vũ đoàn Emmy; Vũ đoàn Cao Tùng; Vũ đoàn Cannes; Vũ đoàn PL đều là những nghệ sĩ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp từ Học viện Múa Việt Nam; Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Là trưởng các vũ đoàn, chúng tôi tự chủ động bươn ra thị trường, gây dựng và phát triển thương hiệu cho vũ đoàn của mình bằng tình yêu cháy bỏng dành cho nghệ thuật múa. Việc khẳng định thương hiệu và đáp ứng tốt đời sống cho anh chị em nghệ sĩ của vũ đoàn là rất quan trọng. Điều này giúp chúng tôi thu hút được những nghệ sĩ trẻ tài năng, thậm chí có nhiều nghệ sĩ múa đi ra từ các nhà hát của Nhà nước bởi cơ chế tinh giản và chế độ đãi ngộ không thỏa đáng".
Cùng chung quan điểm với Kiều Vân, NSƯT Phan Lương - một nghệ sĩ solist tên tuổi của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho rằng: "Việc tinh giản biên chế và xã hội hóa nghệ thuật khiến các nhà hát bị co về biên chế. Xu hướng chung là các nghệ sĩ tài năng sẽ tìm đến với các vũ đoàn có thương hiệu, đảm bảo đời sống cho họ. Các công ty, doanh nghiệp, trường học… thậm chí là cả những đơn vị, tổ chức của Nhà nước sẽ tự động kết nối và tìm đến các vũ đoàn có chất lượng tốt. Bởi vậy hiện nay các vũ đoàn tư nhân có tên tuổi rất đắt "show", họ đáp ứng được cả những sự kiện mang tính chất chính trị, xã hội của Nhà nước và cả những sự kiện lớn ở nước ngoài".
Nghệ thuật Múa Việt Nam đã tiếp cận rộng rãi với công chúng.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, có thể khẳng định, nhân tố cốt lõi làm nên thành công của Tuần lễ Múa Việt Nam - Vietnam Dance Week 2023 khu vực phía Nam chính là sự đam mê nhảy múa của các thí sinh, sự nhiệt tình của các biên đạo và những "leader" dẫn dắt các thí sinh/ nhóm thí sinh đến với sân chơi thú vị này. NSND Lê Ngọc Cường, Nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: "Ở đây có sự lấp lánh những tài năng, tài năng của các thí sinh, đặc biệt là thí sinh không chuyên. Nhưng cũng cần nói thêm rằng, ý tưởng của lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, đặc biệt là của Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội đã tạo cơ hội cho các tài năng tỏa sáng. Tôi thực sự thán phục họ - một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp mà dám nghĩ, dám làm những điều không phải cơ quan Nhà nước nào được trao quyền cũng có thể làm được!".
Các tác phẩm được thí sinh mang đến Vietnam Dance Week 2023 khá đa dạng về đề tài, ý tưởng như phản ánh tình yêu quê hương, đất nước, anh hùng cách mạng, tình yêu gia đình, lứa đôi và những quan hệ xã hội trong đời sống đương đại. Hình thức, thể loại thể hiện tác phẩm cũng rất phong phú với đủ các dòng nghệ thuật: Ballet, Neo Classic, Dân gian, Dân tộc, Truyền thống, Đương đại, Hiphop, Pop, Dance, Jazz... Đặc biệt, qua kỳ thi này, Ban tổ chức nhận thấy rằng có nhiều hình thức, thể loại nhảy múa mới với nhiều phong cách nghệ thuật khác biệt đang dần lộ diện.
Và hơn nữa, thông qua hình thức dự thi trên nền tảng số, chúng ta cũng nhận thấy rằng việc ứng dụng công nghệ số, ứng dụng kĩ thuật, kĩ xảo vào khâu sản xuất, cắt dựng, dàn dựng video, clip trong sáng tác, xây dựng tác phẩm múa để tạo ra những hình ảnh sinh động, đẹp mắt tạo hiệu ứng đắc dụng trong khâu quảng bá, lan tỏa nghệ thuật múa đến với công chúng thưởng thức trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.
Song song với Tuần lễ Múa thì Cuộc thi múa Dân gian Dân tộc cũng đồng thời được Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức. Khác với tiêu chí dự thi của thí sinh tham dự liên hoan, các thí sinh tham gia Cuộc thi Múa Dân gian dân tộc không phải đóng phí dự thi nhưng phải là những biên đạo, nghệ sĩ hoạt động múa chuyên nghiệp. Thêm vào đó, đối với những biên đạo là hội viên Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam còn được hỗ trợ một phần chi phí sáng tác, dàn dựng... Tuy nhiên, nhìn vào số lượng tác giả dự thi ở cả hai miền Nam, Bắc chưa tới 40 tác giả - một số lượng khá ít ỏi so với lượng thí sinh tham dự Liên hoan. Điều này cũng đặt ra nhiều mối băn khoăn: vì sao các biên đạo múa e dè mảng sáng tác về múa dân gian dân tộc mà lại hào hứng với mảng múa đương đại; vì đâu dân gian dân tộc được coi là cội nguồn văn hóa lại đang bị các biên đạo múa lơ là … Có lẽ đây cũng là vấn đề khiến Ban tổ chức - Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận và bàn thảo để tìm phương hướng thúc đẩy nhằm phát triển mảng sáng tác múa dân gian dân tộc trong nhiệm kỳ tới.
Vietnam Dance Week 2023 được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phát động từ ngày 15/7, qua vòng đăng ký thử thách video sơ khảo, chấm sơ khảo, bán kết và sau đó các thí sinh của Tuần lễ Múa đang bước vào vòng chung kết. Theo thông tin từ Biên đạo Múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực - Ban Chỉ đạo Liên hoan Tuần Lễ Múa Việt Nam - Vietnam Dance Week 2023: từ ngày 15/7 đến 30/9, đã có hơn 500 thí sinh gửi tiết mục dự thi đến chương trình, hội tụ đa dạng các loại hình nhảy múa như: Múa Dân gian dân tộc; Ballet & Neo Classic; Đương đại, Pop Dance, Jazz, Hiphop, công trình nghiên cứu, nhiếp ảnh,… ở nhiều lứa tuổi, từ thiếu niên nhi đồng đến người cao tuổi. Tuần lễ Múa Việt Nam còn có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ... và đặc biệt, thể lệ Tuần lễ Múa Việt Nam mở rộng đến các đối tượng là các nhà Nhiếp ảnh, nhà Lý luận phê bình và các Nhà báo yêu nghệ thuật múa tham gia dự giải.
Mặc dù kinh phí còn hạn chế, chủ yếu bằng hoạt động xã hội hóa, song Lãnh đạo Hội đã cố gắng cân đối để Tuần lễ Múa được diễn ra như kỳ vọng ban đầu, đó là quy tụ được đông đảo nghệ sĩ, người yêu múa chuyên nghiệp và không chuyên, ở nhiều lứa tuổi, nhiều địa phương, trong nước và quốc tế.