Chuyển thể, phỏng theo, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đang là hướng đi được nhiều đạo diễn lựa chọn. Thế nhưng khi ra rạp, không phải phim nào cũng thành công. Có nhiều yếu tố tác động đến sự thành bại của bộ phim nhưng suy cho cùng yếu tố khán giả vẫn là quan trọng. Phải chăng khán giả đang quá kỳ vọng vào việc tác phẩm văn học viết thế nào thì phim phải thế đó?
Cảnh trong phim “Người vợ cuối cùng”.
Hiểu để đánh giá khách quan
Điện ảnh Việt Nam đã có không ít tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn hay tiểu thuyết nổi tiếng. Khán giả hẳn chưa thể quên những bộ phim như: “Vợ chồng A Phủ” (nguyên tác “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài), “Làng Vũ Đại ngày ấy” (nguyên tác “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao), “Chị Dậu” (nguyên tác tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố)...
Nhắc đến phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, không ít khán giả kỳ vọng sẽ được nhìn thấy cuộc sống của những nhân vật trong tác phẩm được tái hiện một cách sống động trên màn ảnh. Vậy nên người ta luôn ở trong tâm thế muốn xem những gì mình đọc khi lên phim có giống với những điều mình tưởng tượng hay không. Bởi thế khi một bộ phim điện ảnh chuyển thể ra mắt có thể sẽ ngay lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt của khán giả khi không bám sát nguyên tác. Ranh giới mập mờ giữa tác phẩm chuyển thể, lấy cảm hứng, phỏng theo nguyên tác trên thực tế đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi.
Gần đây, phim “Đất rừng phương Nam” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) gây xôn xao dư luận về những chi tiết được cho là sai lệch so với tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi cũng như so với lịch sử. Lý giải, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, tác phẩm gốc của nhà văn Đoàn Giỏi là tiểu thuyết chứ không phải là sách lịch sử và các nhà làm phim cần có dư địa rộng cho sáng tạo nghệ thuật. Tuy vậy, sau khi nhận được ý kiến của dư luận, từ tối 16/10, khán giả được tiếp cận bản phim đã được chỉnh sửa một số chi tiết của “Ðất rừng phương Nam”.
Những bình luận trên mạng xã hội, những bài đăng chê bai bộ phim không đúng với nguyên gốc đã khiến cho nhiều khán giả dè chừng, không muốn đến rạp xem phim. Khách quan mà nói, êkíp thực hiện dự án điện ảnh “Đất rừng phương Nam” đã sơ suất trong quá trình sáng tạo nội dung. Việc kịp thời sửa chữa cho thấy sự lắng nghe của đoàn làm phim khi được dư luận góp ý. Tuy nhiên khán giả cũng cần có cái nhìn khách quan hơn khi đánh giá về một bộ phim chuyển thể. Văn học và điện ảnh là hai ngành nghệ thuật khác biệt nên từ tác phẩm ngôn từ đến điện ảnh là một quá trình phức tạp, tạo ra nhiều thử thách cho êkíp làm phim. Chuyển thể không phải là sao chép, cũng không là bắt chước mà là sáng tạo trên cơ sở tác phẩm gốc.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, chuyển thể có 3 dạng thức cơ bản: Chuyển thể, phỏng theo và lấy cảm hứng. "Nếu chuyển thể được yêu cầu bám sát nguyên tác, đảm bảo cốt truyện, nhân vật gần nhất với nguyên tác. Phương thức phỏng theo tự do hơn, người làm nội dung có thể thêm hoặc bớt nhân vật, bối cảnh… thậm chí gom nhiều nguyên tác của cùng một tác giả để tạo nên một nội dung thống nhất như phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” (khai thác một số nguyên tác của Nam Cao) nhưng vẫn đảm bảo mạch truyện và chân dung nhân vật, cũng như chủ đề của nguyên tác. Còn lấy cảm hứng là một thao tác sáng tạo cho phép người sáng tạo nội dung thêm bớt nhân vật, tình tiết, thay đổi bối cảnh, thời gian của câu chuyện nhưng vẫn đảm bảo cốt lõi ý tưởng của nguyên tác. Phim “Trò đời” khai thác một số nguyên tác của Vũ Trọng Phụng. Nguyên tác - giống như một gợi ý để người sáng tạo nội dung thả trí tưởng tượng của mình vượt ra khỏi tác phẩm gốc”, bà Nhã phân tích.
Cảnh trong phim “Đất rừng phương Nam”.
Khen, chê có trách nhiệm
Cùng là phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học, nhưng “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ hiện đang nhận về nhiều sự ủng hộ từ phía khán giả. Đây là bộ phim được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Hồ Oán hận” của tác giả Đinh Hồng Thái, mượn bối cảnh thời phong kiến để vẽ nên câu chuyện về tình yêu và nỗi đau của người phụ nữ, song có thể thấy êkíp làm phim đã nỗ lực phục dựng và mang đến những hình ảnh tiệm cận thực tế nhất có thể so với hình ảnh tư liệu xưa.
Bộ phim này không vấp phải “cơn mưa” ý kiến trái chiều như “Đất rừng phương Nam”. Vị đạo diễn cho biết, trong quá trình phát triển kịch bản anh nhận ra phần hồn của câu chuyện là cuộc đời thân phận của một người phụ nữ làm lẽ trong gia đình nhà quan thời phong kiến, những xung đột, mâu thuẫn chỉ diễn ra khi cô gặp lại người cô yêu thật lòng nên Victor Vũ đã quyết đi một hướng khác, làm bộ phim theo thể loại tâm lý, tình cảm, chính kịch để khai thác câu chuyện một cách triệt để sâu sắc. Bước đi này cũng được tác giả Đinh Hồng Thái đồng cảm và ủng hộ.
Sau một tuần ra rạp, bộ phim “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ đạt doanh thu hơn 37 tỷ đồng, leo lên vị trí số một phòng vé vốn trước đó thuộc về phim “Đất rừng phương Nam”.
Có thể thấy rằng, những bộ phim điện ảnh khi ra rạp cần rất nhiều sự ủng hộ của khán giả. Nếu như bị khán giả quay lưng thì việc phim sớm rời khỏi phòng vé là điều không thể tránh khỏi. Như trường hợp của “Đất rừng phương Nam” được dự đoán sẽ bùng nổ doanh thu phòng vé, tuy nhiên chỉ sau 3 ngày ra rạp vấp phải những cuộc tranh cãi, doanh thu phim bắt đầu có sự ảnh hưởng. Làn sóng kêu gọi tẩy chay, phản đối bộ phim lan rộng. Theo số liệu thống kê từ Box Office Vietnam (đơn vị thống kê phòng vé độc lập), tác phẩm chỉ mang về khoảng 3-5 tỷ đồng mỗi ngày. Số lượng suất chiếu giảm mạnh, lượng vé bán ra thấp theo từng ngày. Đến tối 7/11, doanh thu của phim đạt mốc 134,7 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, dự kiến bộ phim chỉ dừng lại ở mức khoảng 150 tỷ đồng sau khi rời rạp.
Đó là điều đáng tiếc khi một bộ phim chuyển thể đáng lẽ nên được nhìn nhận và đánh giá một cách chuyên nghiệp để chỉ ra điểm tốt và những mặt còn thiếu sót thì lại bị làn sóng dư luận “nhấn chìm”. Đón nhận một tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn học, khán giả cần đặt mình vào tâm thế khám phá một phiên bản mới của tác phẩm gốc hơn là đem ra để so sánh với những chi tiết, sự kiện xuất hiện trong nguyên tác. Bởi phim chuyển thể luôn là một tác phẩm sáng tạo độc lập, cho phép người sáng tạo nội dung thêm bớt nhân vật, tình tiết, thay đổi bối cảnh, thời gian của câu chuyện nên không có ranh giới hay quy chuẩn đúng - sai.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, “trong hoạt động văn học, nghệ thuật, dù là người sáng tác, sáng tạo; người làm công tác lý luận, phê bình hay truyền thông, quảng bá (kể cả người xem phim), chúng ta cần trang bị cho mình tư duy, phương pháp và thái độ khách quan, bình tĩnh, dân chủ, nhân văn. Phim truyện “Đất rừng phương Nam” đã có những nỗ lực, thành công nhất định và cả những hạn chế, thiếu sót cần nhận rõ để rút ra bài học”.
Khán giả cần hiểu hơn về chuyển thể trong điện ảnh để việc đánh giá, nhìn nhận khách quan một cách chính xác sẽ tạo không gian cho điện ảnh thể hiện sự sáng tạo khi chuyển thể tác phẩm văn học bằng ngôn ngữ của nó. Đây cũng chính là cách để động viên, khích lệ các đạo diễn, nhà làm phim tích cực đóng góp xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.