Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, tại ngôi nhà ở phường Pom Hán, thành phố Lào Cai, hai cựu thanh niên xung phong Thái Văn Sáu và Trần Định cùng nhau trò chuyện, ôn lại những ngày tháng đã lùi xa trong hồi ức.
Vừa tiếp bạn tới chơi, vừa nâng niu mở chiếc hộp “kho báu” của cuộc đời mình, với những chiếc huân chương, huy chương, ông Sáu nheo mắt để tìm vật kỷ niệm đặc biệt trong đời. Ở tuổi 92 thật khó để ông nhìn rõ mọi thứ nhanh chóng và chính xác. Một lát sau, ông vui mừng reo lên “đây rồi”.
Trên tay ông là Huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”. Huy hiệu ấy cũng được đeo ngay ngắn trên ngực áo của người bạn già Trần Định. Hai cựu thanh niên xung phong nhìn nhau cười và những câu chuyện của tuổi đôi mươi lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc cứ vậy ùa về.
Tháng 3/1954, ông Thái Văn Sáu khi ấy là chàng thanh niên 22 tuổi nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tham gia thanh niên xung phong. Cuộc hành quân ngày nghỉ, đêm đi cứ vậy diễn ra dưới mưa bom, bão đạn để hướng về Điện Biên Phủ.
Ông Sáu làm nhiệm vụ tại Đại đội 410, tham gia đảm bảo giao thông ở ngã ba Cò Nòi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, giao điểm giữa đường 13 (từ Việt Bắc sang) và đường 41 (từ Khu III, Khu IV lên) nên là đoạn đường xung yếu nhất trong tuyến đường của chiến dịch. Cũng bởi vậy, nơi đây trở thành một trong những tâm điểm của cuộc chiến, được mệnh danh là “túi bom”, “tọa độ lửa”.
Trong ký ức của cựu thanh niên xung phong tuổi đã ngoài 90 Thái Văn Sáu, thời điểm ấy, địch điên cuồng bắn phá hòng cắt đứt đường chi viện của ta nên ở ngã ba ấy không khi nào ngơi tiếng bom đạn. Để đảm bảo đường thông suốt, kịp thời chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, thanh niên xung phong luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ rà phá bom, lấp hố bom bất kể đêm ngày.
Còn với cựu thanh niên xung phong Trần Định, những tháng ngày gian khó làm nhiệm vụ bám cầu, bám đường, đảm bảo mạch giao thông thông suốt để vận chuyển lương thực, vũ khí và người lên chiến trường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ là hồi ức hào hùng trong cuộc đời ông.
Ông Định được biên chế về Đại đội 456, Đội 40 phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Ông tham gia đảm bảo giao thông ở nhiều tuyến đường trọng điểm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ như đèo Lũng Lô, bến phà Tạ Khoa, ngã ba Cò Nòi, đường Tuần Giáo đi Điện Biên… Trở về sau cuộc chiến, ông Định may mắn khi không bị thương, nhưng trong tâm trí ông vẫn luôn ám ảnh về sự chia lìa, mất mát.
Tuổi đã cận kề 90, ông Định vẫn nhớ kỷ niệm đau lòng khi nghe tin đồng đội mình hy sinh, trong quá trình thông đường, bom phát nổ, hơn 20 thanh niên xung phong gửi lại máu xương, tuổi trẻ ở ngã ba Nà Tấu. Dù đã xác định ra chiến trường là phải đối diện với lằn ranh sinh - tử, vậy nhưng bữa tối hôm đó của ông Định và các chiến sĩ trong Đại đội diễn ra trong lặng im, không ai ăn được cơm bởi cứ nghĩ đến anh em, đồng đội mình là đau xót.
“Sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, mới thấm thía hết những gian lao và giá trị của hòa bình, tự do”, ông Định trầm ngâm kể.
Trong dòng hồi tưởng của ông Định, ngay từ lúc bắt đầu tham gia thanh niên xung phong, ông cũng như hàng nghìn thanh niên xung phong ở thời điểm ấy luôn giữ vững niềm tin chiến thắng. Niềm tin đã dẫn lối, soi đường, trở thành nguồn động viên mạnh mẽ để ông và các đồng đội vượt qua mọi nguy khó. “Thời khắc nghe tin chiến dịch toàn thắng, chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc, ôm nhau khóc, cười”, ông Định kể.
Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì chiến thắng”, đã có hơn 16.000 thanh niên xung phong ngày đêm sát vai cùng bộ đội phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại Lào Cai cũng có hàng nghìn thanh niên xung phong lên đường ở tuổi đôi mươi, làm nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, hậu cần... cho chiến trường.
Đánh giá về vai trò của lực lượng thanh niên xung phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: "Việc bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật từng ngày, từng giờ... Trong chiến dịch nếu không có thanh niên xung phong thì bộ đội cũng sẽ gặp khó khăn. Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc, góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội".
Hôm nay, thế hệ thanh niên xung phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa người còn, người mất. Với những người còn sống, trong hồi ức của tuổi già khi mờ khi tỏ, những cựu thanh niên xung phong vẫn luôn tự hào vì được đóng góp một phần nhỏ bé cho chiến dịch, cho lịch sử dân tộc.
Những kỷ vật, kỷ niệm còn giữ lại và trong những câu chuyện kể, cựu thanh niên xung phong trở thành nhân chứng, cầu nối lịch sử. Họ tiếp tục lan tỏa tinh thần yêu nước, răn dạy con cháu, thế hệ hôm nay biết trân trọng giá trị của hòa bình và thêm yêu những trang sử đầy hào hùng của dân tộc về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!”.