Việc đề xuất đánh thuế đối với tài sản, thu nhập tạo lập không có căn cứ pháp luật là chưa thuyết phục, bởi tài sản, thu nhập chịu thuế phải là hợp pháp.
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật PCTN sửa đổi tại phiên họp thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội mới đây, đối với những tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai; tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý, Chính phủ đang có đề xuất xử lý thông qua việc truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý và coi đây như khoản thu nhập vãng lai phát sinh mà người kê khai hoặc vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai phải nộp theo quy định. Cụ thể mức thuế suất áp dụng có thể ở mức 45% giá trị tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý tại thời điểm xác minh.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng. |
Mới nghe qua, hẳn sẽ có ý kiến cho rằng đề xuất này sẽ tạo điều kiện để hợp thức hóa tài sản tham nhũng. Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Hãng Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
Đánh thuế 45% tài sản bất minh chỉ cắt được phần ngọn của “pháo đài tham nhũng”
PV:Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này ở góc độ người áp dụng luật, thực thi luật?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Quy định nào khi đưa ra cũng sẽ có quan điểm hai chiều: tích cực và tiêu cực. Dưới góc nhìn của một người thực thi, áp dụng pháp luật tôi cho rằng đề xuất áp mức thuế suất 45% đối với tài sản không giải trình được hoặc giải trình không được chấp nhận, sẽ có hiệu ứng trái chiều.
Trước hết, hiệu ứng tích cực của quy định sẽ giúp thu được một khoản thu ngân sách lớn, thậm chí rất lớn từ những đối tượng nộp thuế. Những tài sản đã nộp thuế sẽ được đưa vào lưu thông, giao dịch hợp pháp trên thị trường khiến nền kinh tế năng động, nhộn nhịp, đem lại hiệu quả cao hơn cho đời sống kinh tế, xã hội đồng thời giúp minh bạch hóa thị trường và tạo sự công bằng xã hội.
Tức là nếu so với thực trạng hiện nay, việc quy định, áp và tổ chức thu thuế với tài sản không rõ nguồn gốc, rõ ràng mang lại lợi ích lớn hơn cho Nhà nước và cho nền kinh tế, khẳng định tính hiệu lực của quản lý nhà nước đối với nạn tham nhũng.
Tuy nhiên, nếu quy định này đi vào cuộc sống thì vẫn chưa giải quyết được triệt để tận gốc vấn nạn tham nhũng. Nếu được thông qua, quy định này chỉ cắt được phần ngọn của những “pháo đài tham nhũng” vốn đã hình thành vững chắc về quy mô và luôn biến hóa về sự phòng ngừa. Bởi lẽ, những tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì tài sản đó được chia hai loại: tài sản xác lập không có căn cứ pháp luật và tài sản bất minh. Đã xác lập không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu trừ khi có được do ngay tình, còn bất minh thì phải thu hồi theo đúng nguyên tắc xử lý tham nhũng đã được quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi 2012.
Việc quy định và tổ chức truy thu thuế đối với những tài sản nói trên đã vô hình chung công nhận tài sản tạo lập bất hợp pháp thành hợp pháp.
Đề xuất này cũng khiến tôi đặt câu hỏi là dựa vào căn cứ nào khoa học, kinh nghiệm quốc tế hay quy định pháp luật nào để ấn định mức thuế suất áp cho loại tài sản này là 45%? Tại sao không phải là 20, 30 hay 60%? Thêm vào đó những chủ sở hữu nộp thuế cũng có thể có những phản ứng khác nhau trước quyết định truy thu của cơ quan chức năng. Nếu họ tuân thủ việc thi hành thì liệu có thể bị các cơ quan bảo vệ pháp luật “soi” hay không? Sẽ còn nhiều câu chuyện phải bàn khi quy định này được thông qua hoặc không được phê chuẩn.
PV: Theo luật sư, đề xuất này có xung đột với các quy định về quyền tài sản của cá nhân theo Hiến pháp?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Góc độ luật học, tôi nghĩ đề xuất truy thu thuế này hoàn toàn không có sự xung đột với các quy định về quyền tài sản của cá nhân theo Hiến pháp 2013. Bởi lẽ tại Điều 51 Hiến pháp 2013 quy định “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”. Như vậy, Nhà nước chỉ bảo hộ cho những tài sản, thu nhập tạo dựng hợp pháp của công dân. Những tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều 51 Hiến pháp cũng như quy định khác trong Hiến pháp về quyền tài sản.
“Có lẽ chưa nước nào trên thế giới thu thuế đối với tài sản, thu nhập bất hợp pháp”
PV:Nếu quy định đóng thuế đối với phần tài sản, thu nhập bất minh, vô hình luật chấp nhận tài sản phi pháp?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Về nguyên tắc quyền sở hữu tài sản phải được xác lập một cách hợp pháp thông qua các giao dịch hợp pháp hoặc phán quyết, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuân thủ nguyên tắc này, nếu việc xác lập quyền sở hữu không hợp pháp thì người đang nắm giữ, chiếm hữu tài sản, thu nhập đó không có quyền sở hữu hợp pháp và đương nhiên không có quyền định đoạt.
Việc Bộ Tài chính tham mưu cho chính phủ đề xuất mức thu này cho tài sản, thu nhập tạo lập không có căn cứ pháp luật là tài sản, thu nhập vãng lai là chưa thuyết phục. Cần phải làm rõ nội hàm của cụm từ “vãng lai” và đối chiếu với tính chất, đặc điểm, bản chất của loại tài sản, thu nhập này. Bởi lẽ tài sản, thu nhập chịu thuế phải là hợp pháp, ngay tình và được kê khai theo luật định. Trên thế giới, có lẽ không nước nào thu thuế đối với tài sản, thu nhập bất hợp pháp.
Cho nên việc qui định đóng thuế đối với phần tài sản, thu nhập bất minh là chưa hợp lý, đặc biệt có nguy cơ giúp sức cho việc “rửa sạch” tài sản, thu nhập “bẩn”. Chỉ có xử lý tài sản, thu nhập bất minh bằng cách thu hồi bổ sung vào ngân sách nhà nước mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung đồng thời giúp cho Luật Phòng chống tham nhũng trở lại đúng vị trí của nó với tư cách là công cụ hiệu lực, hiệu quả của Đảng, chính phủ và người dân.
Cần các quy phạm pháp luật để xác minh, thu hồi tài sản, thu nhập bất minh
PV:Đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc, có thể khởi kiện chủ sở hữu khối tài sản đó ra tòa không, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Các luật sư chúng tôi cũng đang nỗ lực nghiên cứu theo hướng này. Song, hiện tại, pháp luật chưa có qui định về việc khởi kiện chủ sở hữu khối tài sản bất minh với chủ thể sở hữu là đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Trong quan hệ dân sự, thì chủ sở hữu có quyền khởi kiện vụ án đòi lại tài sản nếu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tài sản đó được xác định là tài sản bất minh, do đó không xác định được nguồn gốc tài sản, tức không xác định được chủ sở hữu nên việc khởi kiện là khó khăn và chưa có tiền lệ. Đây là chưa nói về xác định thời hiệu, nhận thức của thẩm phán, công chức tòa án thực thi công vụ và những vấn đề tố tụng khác. Bởi căn cứ khởi kiện, người khởi kiện và quan hệ pháp luật khởi kiện chưa đáp ứng được theo qui định pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết tâm thu hồi tài sản, thu nhập bất minh thì điều kiện khởi kiện sẽ được thể chế hóa bằng các quy định về tố tụng và nội dung. Theo đó các Thông tư liên tịch của các cơ quan bảo vệ pháp luật Trung ương: Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tài chính… được ban hành sẽ là tiền đề tốt làm tăng ngân sách nhà nước theo một cách thức hoàn toàn mới và đảm bảo tính văn minh, tuân thủ pháp luật.
PV: Theo luật sư, giải pháp nào để thu hồi tài sản bất minh một cách hiệu quả?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Các nhân tố cho rằng cần phải qui định tất cả tài sản, thu nhập nếu được xác định là bất minh đều phải bị thu hồi và nộp vào ngân sách nhà nước để phân bổ cho các hoạt động dân sinh như an sinh xã hội, y tế, giáo dục... Việc tổ chức thu hồi tài sản bất minh phải được thực hiện theo thủ tục tư pháp. Hơn lúc nào hết, tôi thấy sự cần thiết phải rà soát và hệ thống hóa một cách khoa học, chặt chẽ các quy phạm pháp luật chuyên biệt chỉ phục vụ riêng cho việc xác minh, làm rõ và tổ chức thu hồi tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.
PV: Xin cảm ơn luật sư./.