Vi phạm vẫn phức tạp
Trong những năm qua, nhằm tăng cường quản lý đất đai để thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, thị xã Sa Pa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về đất đai, không sử dụng đất sai mục đích. Tuy vậy, Sa Pa vẫn là “điểm nóng” về tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình lấn chiếm đất nông, lâm nghiệp.
Theo thống kê đến hết tháng 9/2024, thị xã Sa Pa vẫn còn hàng nghìn trường hợp hộ dân và cá nhân vi phạm các quy định về đất đai. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng của thị xã và chính quyền các địa phương mới triển khai xử lý được hơn 150 trường hợp. Việc xử lý vi phạm về đất đai nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở việc xác định nguyên nhân, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính mà không cưỡng chế vi phạm, buộc trả lại mặt bằng.
Tương tự, tại huyện Bát Xát, trong 2 năm gần đây, chính quyền các xã đã tăng cường công tác quản lý đất đai và triển khai nhiều đợt kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng vi phạm về quản lý, sử dụng đất vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, đô thị và nuôi cá nước lạnh. Qua rà soát, trên địa bàn huyện hiện có 819 hộ dân sử dụng đất sai mục đích nhưng việc xử lý mới đạt tỷ lệ thấp.
Đơn cử như tại Trịnh Tường, theo rà soát, từ năm 2021 đến nay, xã có hơn 100 hộ dân vi phạm về làm nhà trên đất nông nghiệp đã được lập hồ sơ nhưng việc xử lý rất khó khăn. Từ đầu năm 2024 đến nay vẫn có hàng chục hộ làm nhà trên đất chưa phù hợp và có 8 hộ vi phạm phải lập biên bản xử lý.
“Qua thanh tra, kiểm tra từ năm 2021 đến hết tháng 9/2024, huyện Bát Xát đã phát hiện, lập biên bản đối với 158 trường hợp vi phạm các quy định về đất đai, trong đó mới xử lý được 60 trường hợp. Các trường hợp còn lại vì nhiều nguyên nhân mà việc hoàn thiện hồ sơ xử lý và cưỡng chế hoàn trả lại nguyên trạng chưa thể thực hiện”, đại diện Thanh tra huyện cho biết.
Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2021 đến nay, qua rà soát, toàn tỉnh có gần chục nghìn hộ dân, tổ chức có nhà ở, công trình xây dựng trên đất chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất. Trong đó, nhiều nhất là tại thị xã Sa Pa (1.738 hộ), tiếp đến là huyện Bảo Thắng (820 hộ) và huyện Bát Xát (819 hộ). Các trường hợp vi phạm đất đai hầu hết thuộc thẩm quyền quản lý của cấp xã.
Vấn đề đặt ra hiện nay là số hộ dân có nhà ở, công trình xây dựng trên đất chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất hoặc vi phạm về đất đai rất lớn nhưng việc tổ chức lập hồ sơ giải quyết, xử lý đạt tỷ lệ rất thấp (1.580/6.550 trường hợp, đạt 24,1%). Đặc biệt, trong khi tồn tại vi phạm cũ chưa giải quyết, xử lý xong thì ở một số địa phương vi phạm mới lại tiếp diễn.
Cụ thể, trong năm 2023 và đến hết 9 tháng năm 2024, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với 143 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 4,35 tỷ đồng, đồng thời buộc phải nộp lại số thu lợi bất hợp pháp 1,57 tỷ đồng.
Cũng theo ông Phạm Văn Hải, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thì địa phương nào chính quyền tăng cường vào cuộc quản lý và xử lý vi phạm triệt để, cùng với đó đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách, pháp luật đất đai nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng xa thì những vi phạm về sử dụng đất sẽ giảm mạnh.
Thời gian qua, huyện Bảo Thắng là địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý đất đai. Huyện kiên quyết xử lý người dân cũng như cán bộ ở địa phương để xảy ra vi phạm. Theo rà soát đến năm 2023, toàn huyện có 6.382 trường hợp gia đình, cá nhân có nhà ở, công trình, tài sản trên đất chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất, trong đó các cấp chính quyền trong huyện đã lập biên bản xử lý 1.574 trường hợp vi phạm. Từ đầu năm 2024 đến nay, số hộ dân vi phạm các quy định về đất đai đã giảm mạnh, xuống dưới 50 trường hợp, thậm chí có địa phương không xảy ra vi phạm như xã Sơn Hải.
Thực tế từ các địa phương cho thấy, để công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp, trước hết cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích, hủy hoại đất. Cùng với đó, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các trưởng thôn, bản và đoàn thể ở cơ sở trong việc kịp thời phát hiện, nhắc nhở những trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Việc nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai sẽ giúp người dân hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của mình, tự tin hơn trong việc sử dụng đất đai hiệu quả và bền vững.