Trung Quốc khai mạc kỳ họp Quốc hội, đặt mục tiêu tăng trưởng 5% năm 2023

Sáng 5/3, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Ðại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 14 đã khai mạc kỳ họp thứ nhất, dự kiến sẽ bầu các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về cải cách bộ máy và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 14.
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 14.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc vụ viện (Chính phủ), Chính hiệp toàn quốc cùng hơn 2.900 đại biểu Quốc hội Trung Quốc; đại diện Đoàn ngoại giao tại Bắc Kinh dự phiên khai mạc.

Cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ

Trình bày Báo cáo công tác Chính phủ, nhìn lại tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và cả nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh, trước môi trường quốc tế đầy biến động và nhiệm vụ cải cách, phát triển, ổn định trong nước rất nặng nề, Trung Quốc đã thực hiện toàn diện các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, ổn định kinh tế và phát triển an toàn; tăng cường điều tiết vĩ mô, nâng cao chất lượng phát triển, ổn định tình hình xã hội, đạt nhiều thành tựu mới trong phát triển, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày Báo cáo công tác chính phủ.
Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày Báo cáo công tác chính phủ.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng 3%, tạo thêm 12,06 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp theo điều tra giảm xuống 5,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 7,7%, tỷ lệ thâm hụt ngân sách kiểm soát ở mức 2,8%, tỷ giá đồng nhân dân tệ tương đối ổn định, sản lượng lương thực đạt 685 triệu tấn, tăng 3,7 triệu tấn, chất lượng môi trường sinh thái không ngừng cải thiện.

Nhìn lại tình hình 5 năm của nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, đối mặt với nhiều thách thức như biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế trong nước, Trung Quốc đã hoàn thành đúng thời hạn mục tiêu giảm nghèo, xây dựng toàn diện xã hội khá giả, hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu trăm năm thứ nhất, mở ra chặng đường mới hướng tới mục tiêu phấn đấu trăm năm thứ hai.

Cụ thể, trong 5 năm, GDP tăng lên mức 121 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng bình quân 5,2%/năm, chuyển từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng với chất lượng cao; sản lượng lương thực duy trì ổn định ở mức 650 triệu tấn, giá trị gia tăng công nghiệp vượt ngưỡng 40 nghìn tỷ nhân dân tệ, dự trữ ngoại hối đạt 3.000 tỷ USD; gần 100 triệu người dân và 832 huyện ở nông thôn thoát nghèo thành công; tỷ lệ đầu tư cho khoa học-công nghệ tăng lên 2,5%; cơ cấu kinh tế được tối ưu hóa, nâng cao tỷ trọng các ngành công nghệ cao, kinh tế số, ngành nghề mới; giảm thuế, phí 5.400 tỷ nhân dân tệ; giải quyết bài toán huy động vốn cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; bảo đảm hơn 70% chi tiêu ngân sách cho các lĩnh vực dân sinh.

Đặt mục tiêu tăng trưởng 5% năm 2023

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, Trung Quốc là một nước đang phát triển, đang nằm ở giai đoạn đầu của xã hội chủ nghĩa, với nhiều vấn đề nổi cộm về phát triển không cân bằng, không đầy đủ; đối mặt nhiều yếu tố không xác định đến từ môi trường bên ngoài; nhu cầu trong nước còn yếu; đầu tư ngoài xã hội và doanh nghiệp tư nhân không như kỳ vọng, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản và một số tổ chức tài chính vừa và nhỏ gặp nhiều rủi ro; hạ tầng phòng, chống thiên tai còn nhiều khâu yếu; tồn tại hạn chế ở một số lĩnh vực dân sinh...

Các mục tiêu dự kiến cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Trung Quốc: GDP tăng trưởng khoảng 5%, tạo thêm khoảng 12 triệu việc làm tại khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 5,5%, CPI tăng khoảng 3%, thu nhập người dân tăng cùng mức với tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định và nâng cao chất lượng xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán quốc tế ổn định, sản lượng lương thực duy trì trên 650 triệu tấn, mức tiêu hao năng lượng và lượng phát thải các chất ô nhiễm chính tiếp tục giảm, tập trung kiểm soát tiêu thụ năng lượng hóa thạch, chất lượng môi trường sinh thái dần cải thiện.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, Trung Quốc sẽ tập trung mở rộng nhu cầu trong nước, đẩy mạnh xây dựng hệ thống ngành, nghề hiện đại; đi sâu cải cách vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân; đẩy mạnh thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; phòng ngừa và xử lý các rủi ro tài chính; ổn định sản xuất lương thực và phát triển nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi xanh; bảo đảm an sinh xã hội và phát triển các dịch vụ xã hội...

Các đại biểu dự phiên khai mạc kỳ họp.
Các đại biểu dự phiên khai mạc kỳ họp.

Tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc sẽ xem xét Báo cáo công tác chính phủ; các báo cáo về phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Trung ương và địa phương năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023; Phương án cải cách bộ máy Quốc vụ viện (Chính phủ); bầu và quyết định các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước; một số dự thảo luật và báo cáo khác.

Dự kiến, kỳ họp bế mạc ngày 13/3 tới.

Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cuộc bầu cử định hướng phát triển Ấn Độ

Cuộc bầu cử định hướng phát triển Ấn Độ

Đạt thành tựu tích cực về phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường vị thế trên trường quốc tế, song Ấn Độ vẫn đối mặt nhiều thách thức. Cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Ấn Độ được đánh giá có vai trò định hướng sự phát triển của quốc gia đông dân nhất thế giới, ít nhất trong 5 năm tới.

Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo

Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo

Những hy sinh to lớn làm nên chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ năm 1954 là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo, xuất phát trực tiếp từ những phẩm chất cá nhân và trí tuệ xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được vận dụng và phát triển trong tập thể Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên con đường bền vững đi đến tự do, duy trì và nâng cao cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

fb yt zl tw