Thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện về việc chuyển đổi cơ cấu giống mới phát triển kinh tế hàng hoá nông lâm nghiệp, năm 2002 với sự phối hợp của Lâm trường Văn Chấn, xã Nậm Búng đã xây dựng Đề án phát triển trồng cây chè Shan giâm cành.
Khi triển khai dự án, việc vận động nhân dân thực hiện hết sức khó khăn, bởi người dân chỉ quen trồng giống chè trung du, năng suất thấp, và thời điểm đó sản phẩm chè khó tiêu thụ, giá bán thấp, không ổn định. Với sự chủ động xã đã tuyên truyền, giải thích cho nhân dân; tỉnh đã hỗ trợ về vốn trồng chè để giảm bớt khó khăn cho nhân dân. Người trồng chè đã được vay vốn Dự án 661 và ngân trợ của tỉnh hỗ trợ. Lâm trường Văn Chấn hỗ trợ chi phí từ việc xây dựng dự án, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nghiệm thu và giải ngân.
Tính đến tháng 6/2007, toàn xã đã có 310 hộ tham gia thực hiện dự án trồng chè Shan với tổng số diện tích là 163 ha. Trong đó, chè đã cho thu hái là 110 ha, đạt sản lượng 220 tấn/năm, tổng thu đạt khoảng 1,1 tỷ đồng. Nguồn thu này đã góp phần đáng kể cải thiện đời sống kinh tế của người dân trong xã, đồng thời cũng thay đổi nhận thức của nông dân về phát triển nền kinh tế hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Từ hiệu quả kinh tế thu được, đã kích thích nhân dân tích cực tập trung trồng chè Shan giâm cành, tích cực chăm sóc thu hái theo đúng yêu cầu kỹ thuật, cải tạo trồng mới chè Shan trên diện tích chè trung du đã cỗi, năng suất thấp.
Từ việc tạo được vùng chè nguyên liệu, tỉnh đã tạo điều kiện để Lâm trường Văn Chấn (nay là Công ty Lâm nghiệp Văn Chấn) xây dựng nhà máy chế biến tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Tuy nhiên, do quản lý vùng nguyên liệu chưa được chặt chẽ đã dẫn đến việc tranh mua, tranh bán giữa nhà máy và tư nhân, chè được giá lại tiêu thụ dễ dàng là nguyên nhân khiến vùng nguyên liệu bị tận thu, ảnh hưởng tới phẩm cấp và chất lượng chè, nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất.
UBND xã Nậm Búng cần có biện pháp để giải quyết dứt điểm ổn định vùng nguyên liệu; tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng mới, chăm sóc tốt diện tích chè hiện có đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật để bảo vệ vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Có thể nói, dự án trồng chè Shan giâm cành ở Nậm Búng đã và đang góp phần thay đổi tư duy làm ăn cũ, sản xuất manh mún lạc hậu sang sản xuất hàng hoá gắn với công nghiệp chế biến, mở ra triển vọng mới cho vùng quê nghèo.
Ngọc Tú