
Triển lãm giới thiệu khoảng 200 tài liệu, hình ảnh đặc sắc về quá trình quy hoạch cảng biển, hải đăng cũng như hoạt động vận tải đường biển ở Đông Dương cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố.
Triển lãm gồm 3 phần: Phần 1, Hải cảng - Cửa ngõ giao thương và thâm nhập; phần 2, Hải đăng - Mắt thần canh biển; phần 3, Hải vận - Kết nối những chân trời. Trong không gian biển đảo được thiết kế công phu, triển lãm đưa người xem ghé thăm nhiều địa danh ở ba miền Bắc, Trung, Nam để cùng nhìn lại quá trình phát triển của các cửa ngõ quốc tế trên biển cũng như lịch sử những “con mắt” của đại dương xanh.
Cảng biển không chỉ là cửa ngõ giao thương quan trọng. Trong lịch sử, các cường quốc còn lợi dụng vị trí chiến lược của cảng biển làm bàn đạp xâm chiếm thuộc địa. Nhằm khai thác xứ Đông Dương màu mỡ, từ trước thế kỷ XIX, thương nhân nước ngoài đã lui tới các cảng biển của Việt Nam để tiến hành buôn bán. Đây cũng là nơi các giáo sĩ nước ngoài cập bến trước khi thâm nhập vào nội địa để truyền giáo, mở đường cho sự can thiệp của các nước phương Tây vào Việt Nam.
Sau khi xâm chiếm nước ta, người Pháp từng tham vọng xây dựng hàng loạt hải cảng dọc bờ Biển Đông như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hòn Gai - Cẩm Phả, Bến Thủy, Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Hà Tiên… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là lý do tài chính, nhiều dự án đã thông qua nhưng không được triển khai, chẳng hạn như dự án cảng Đà Nẵng. Song song với quá trình xây dựng và cải tạo, hệ thống văn bản phục vụ công tác quản lý và vận hành cảng biển cũng từng bước được hoàn thiện.
Sự ra đời của hệ thống hải cảng đã góp phần thúc đẩy ngành thương mại thuộc địa, giúp Đông Dương từng bước thâm nhập vào thương mại thế giới cũng như giúp Pháp chứng thực được sự can thiệp của mình tại vùng đất này.
Phần 1 triển lãm giới thiệu 3 cảng biển lớn là cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng và cảng Sài Gòn. Nhờ hệ thống bến và cầu tàu hiện đại, cảng Hải Phòng có khả năng tiếp nhận các loại tàu có mớn nước lớn. Vào khoảng những năm 1930, mỗi năm có khoảng 800 tàu biển lớn với tải trọng gần 2 triệu tấn thông qua cảng, dịch vụ vận chuyển hàng hóa vượt 1 tỷ franc. Những mặt hàng xuất khẩu chính qua cảng Hải Phòng là gạo, xi măng và than đá.
Cùng với mạng lưới hải cảng, hải đăng có vai trò then chốt trong việc giúp tàu thuyền ngoài khơi định hướng, báo hiệu dẫn luồng, chỉ dẫn vị trí có chướng ngại vật ngầm nguy hiểm… Hải đăng thường có hình dáng một ngọn tháp, xưa chiếu sáng bằng lửa, ngày nay sử dụng hệ thống đèn và thấu kính. Hải đăng tượng trưng cho ngọn đèn vĩnh cửu của biển và được mệnh danh là “con mắt của đại dương”.
Tài liệu Châu bản cho thấy triều đình nhà Nguyễn đã quan tâm đến việc xây dựng, tôn tạo hải đăng phục vụ hoạt động của tàu thuyền. Sang đến thời Pháp, hệ thống hải đăng được xây dựng hàng loạt, góp phần phát triển hạ tầng hàng hải từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc khai thác thuộc địa.
Theo một báo cáo của Chánh Sở Giao thông đường thủy năm 1895, việc chiếu sáng và cắm cọc tiêu bờ biển là ưu tiên hàng đầu trong chương trình công chính của chính quyền bảo hộ Trung - Bắc Kỳ giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Những năm 1880 - 1890, người Pháp gấp rút xây dựng hải đăng trên nhiều hòn đảo từ Bắc vào Nam. Sau đó, họ đề ra nhiều quy định liên quan đến việc tuyển dụng lính gác và thu phí đèn biển.

Triển lãm đưa người xem đến với hải đăng Hòn Dấu, hải đăng Lý Sơn, hải đăng Kê Gà. Hải đăng Lý Sơn là dự án nằm trong khuôn khổ chương trình chiếu sáng và cắm cọc tiêu bờ biển Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Dự án được Nha Công chính Đông Dương đưa vào chương trình năm 1897. Với chiều cao tháp 47,2m, đây được đánh giá là ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam tính đến nay và có vị trí quan trọng trong giao thông hàng hải.
Sự hoàn thiện của cơ sở hạ tầng gồm hệ thống hải cảng, hải đăng liên kết với hệ thống đường bộ, đường sắt đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động vận tải đường biển ở Đông Dương. Trong phần 3 triển lãm đã cho thấy vai trò quan trọng của vận tải đường biển trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu. Khả năng vận chuyển hàng hóa lớn và liên tục, vận tải đường biển là cầu nối giữa các thị trường, làm cho thương mại toàn cầu trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, do vua Gia Long ý thức được tầm quan trọng của tàu thuyền đối với vấn đề xây dựng lực lượng thủy quân, giao thông vận tải và phát triển kinh tế nên số lượng tàu thuyền ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng dưới triều Nguyễn.
Sau khi chinh phục Đông Dương, để đẩy mạnh khai thác thuộc địa, người Pháp đã xây dựng cơ sở hạ tầng gồm hệ thống hải cảng, hải đăng, đồng thời liên kết với hệ thống vận tải đa phương tiện, đặc biệt là đường sắt. Sử dụng hệ thống này, các đội tàu biển chủ yếu của Pháp đã góp phần đắc lực vào hoạt động vận chuyển nhân lực và hàng hóa giữa Đông Dương và chính quốc cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Các công ty vận tải biển lớn của Pháp, như Công ty Messageries Maritimes, Công ty Chargeur Réunis, đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này nhờ các hợp đồng vận chuyển trên.