LCĐT - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTTQ DTTS và miền núi) có khối lượng công việc lớn, vì vậy để triển khai hiệu quả, tỉnh Lào Cai đã thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm cao nhất, huy động sự vào cuộc, tạo sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Chương trình MTTQ DTTS và miền núi cũng như các chương trình MTQG khác, theo thời hạn thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025, nhưng thực tế từ giữa năm 2022 mới triển khai thực hiện do các địa phương chờ Trung ương ban hành hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về cơ chế quản lý thực hiện và giao kế hoạch chương trình cả giai đoạn cũng như kế hoạch năm 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường báo cáo với Đoàn Công tác của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTTQ DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. |
Mặc dù vậy, ở tỉnh Lào Cai, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự điều hành của UBND tỉnh Lào Cai, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các ngành phối hợp với địa phương chủ động triển thực hiện tốt công tác chuẩn bị những điều kiện để triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình MTQG tại huyện Bắc Hà. |
Trước hết, tỉnh đã kiện toàn tổ chức cùng quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG các cấp địa phương. Xây dựng, ban hành các văn bản về cơ chế hỗ trợ, cơ chế quản lý, điều hành; hướng dẫn tổ chức các nội dung thuộc chương trình ở địa phương. Chủ động rà soát xác định nhu cầu hỗ trợ các nội dung cho các đối tượng theo quy định của chương trình từ các thôn đến xã cho từng địa bàn cấp huyện. Từ đó xác định thành các danh mục dự án đầu tư theo dự kiến nguồn lực để triển khai sớm công tác chuẩn bị đầu tư, tạo điều kiện tổ chức triển khai thực hiện sau khi được Trung ương chính thức giao kế hoạch.
Tỉnh đã sớm ban hành hướng dẫn về cơ chế thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương đặc biệt là trong đầu tư đường giao thông nông thôn. |
Đến tháng 6/2022, UBND tỉnh có quyết định giao tổng mức vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và riêng năm 2022 cho từng huyện, thị xã, thành phố để cấp huyện chủ động phương án phân bổ chi tiết cho các dự án, nội dung thuộc chương trình. Đến giữa tháng 8/2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình cả giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh với đầy đủ nội dung theo quy định của Chính phủ.
Cùng với đó, trong quá trình triển khai, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện chương trình phải đảm bảo hiệu quả thiết thực; nêu cao vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng trong tất cả các khâu từ lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát.
Những kết quả nổi bật
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình, năm 2022, tỉnh Lào Cai được phân bố 721.348 tỷ đồng. Cuối tháng 11/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, một trong những nội dung được quan tâm là cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư và sự nghiệp của ngân sách Trung ương trong nước năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 đã được kéo dài sang năm 2022) của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Mặc dù vậy xuyên suốt quá trình triển khai, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn chỉ đạo các ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để phấn đấu giải ngân cao nhất theo khả năng, còn lại mới chuyển nguồn thực hiện năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTTQ DTTS và miền núi góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS Lào Cai. |
Từ sự chủ động, tích cực triển khai, tiến độ tổ chức thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch chương trình của tỉnh Lào Cai năm 2022 được đánh giá đứng tốp đầu cả nước. Đến 31/1/2023 đạt 100% kế hoạch Trung ương giao. Nguồn vốn sự nghiệp giải ngân được 25,2% kế hoạch vốn Trung ương giao.
Các mô hình phát triển kinh tế được thực hiện hiệu quả góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS. |
Đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Đến nay, 25/29 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Trong đó có một số mục tiêu vượt cao so với kế hoạch như: Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 là 7%, vượt 1 điểm % so kế hoạch Trung ương giao; 4 xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, vượt 4 xã so với kế hoạch; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học trung học phổ thông đến trường (bao gồm THPT; giáo dục thường xuyên; học nghề) đạt 68,8%, vượt 5,8 điểm % so với kế hoạch; tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%, vượt 2,7 điểm % so với kế hoạch; tỷ lệ phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự giúp đỡ của cán bộ y tế đạt 89,8%, vượt 2,8 điểm % so với kế hoạch.
Năm 2023 với tổng nguồn vốn thực hiện của chương trình lớn hơn, các mục tiêu, chỉ tiêu tỉnh đề ra cũng cao hơn đồng nghĩa với nhiều khó khăn, thách thức phía trước, nhưng với sự chủ động và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận của Nhân dân, tin tưởng rằng chương trình sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, giúp cuộc sống của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTTQ DTTS và miền núi) được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016 - 2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung nội dung chính sách thành phần. Là một chương trình MTQG mới, Chương trình MTTQ DTTS và miền núi rất đa dạng về nội dung chính sách, hình thức triển khai, trong khi quy mô đầu tư cho từng chính sách nhỏ với nhiều định mức quy định khác nhau. |