Giao dịch triệu USD
Sau triển lãm “Hồn xưa bến lạ” vào tháng 7-2022, do nhà đấu giá Sotheby’s lần đầu tổ chức tại Việt Nam, tranh của bộ tứ họa sĩ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm (Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu - Vũ Cao Đàm) ngày càng thu hút mạnh giới sưu tập. Trong năm 2022, chỉ tính riêng giao dịch tranh của họa sĩ Lê Phổ ghi nhận ở mức 26 triệu USD, giao dịch tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm ở mức 7,2 triệu USD (với 74/77 lots đấu giá thành công). Và trong 6 tháng của năm 2023, giao dịch tranh Lê Phổ có tổng trị giá 8,7 triệu USD, giao dịch tranh của Vũ Cao Đàm là 2,8 triệu USD (25/39 lots đấu giá thành công).
Nhà sưu tập - cố vấn đầu tư nghệ thuật Nguyễn Đức Tiến phân tích: “Xu hướng giá ước định trước khi đấu giá, bình quân tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm năm 2023 là 63.000 USD, tăng 40.000 USD so với năm 2022, gấp 1,6 lần so với trước đây. Điều này thể hiện chiến thuật của các nhà đấu giá, tung ra các tác phẩm có giá trị cao để bù đắp sự suy giảm số lượng. Thị trường Hồng Công (Trung Quốc) vẫn là tâm điểm đấu giá tranh họa sĩ Vũ Cao Đàm, với doanh số đến nay hơn 15 triệu USD, kế đến là thị trường Pháp”.
Trong phiên đấu giá “Họa sĩ châu Á, những tác phẩm quan trọng” ngày 2-6, tại sàn Aguttes (Pháp), với 55 tác phẩm được giới thiệu đã có 27 tác phẩm được bán và 28 tác phẩm bán trước phiên đấu giá. Theo thông tin từ gia đình họa sĩ Lê Phổ, ngày 7-7 tới, tại Pháp, bức tranh “Jeune Vietnamienne Alanguie” (tạm dịch: “Thiếu nữ uể oải”, sáng tác năm 1932, chất liệu sơn dầu trên toan) sẽ lên sàn đấu giá với ước tính giá khởi điểm từ 150.000-200.000 EUR. Theo giới sưu tập trong nước, người mua sẽ nhận được giấy xác nhận quyền sở hữu do ông Alain Lê Kim (con trai Lê Phổ) trao, bức tranh có thể sẽ được gõ búa ở mức giá gấp đôi so với giá ước tính.
Có thể thấy một sự đảo chiều ngoạn mục về giao dịch tranh Việt trên sàn quốc tế khi lật lại các thông tin về giá tranh. Vào năm 2008, trong phiên “Modern and Contemporary Southeast Asian Paintings” của nhà đấu giá Sotheby’s, tác phẩm L'examen Des Lettrés À Húe, Annam (The Scholar Examination at Húe, Annam), sơn dầu trên toan, kích thước 73x86cm của họa sĩ Henry Emile Vollet (họa sĩ Pháp thời kỳ Đông Dương) đạt mức giá 275,000 HKD - tương đương 825 triệu đồng, một con số ấn tượng thời điểm đó. Và cũng trong phiên đấu này, các tác phẩm của Lê Phổ và Mai Trung Thứ cũng ở mức tương đương.
Sau 15 năm, vị thế các họa sĩ cũng như giá trị các tác phẩm Việt đã có sự biến đổi ngoạn mục. Tranh lụa thời kỳ Romanet của Lê Phổ liên tục tăng giá; còn các bức tranh có thể coi là tốt của Henry Emile Vollet cũng chỉ nhỉnh hơn một chút. Nếu so với biến động tỷ giá của thị trường sau 15 năm sẽ là sự thụt lùi về giá, dù trên biểu đồ hiển thị con số vẫn nhỉnh hơn.
Đi đúng giá trị tự thân
Có nhiều khía cạnh để lý giải cho sức hút của tranh Việt, đặc biệt là tranh của thế hệ họa sĩ được đào tạo từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bởi đây là lớp họa sĩ đầu tiên trong nước được đào tạo bài bản về hội họa và chính cách dung hòa cái hay xứ người, bản sắc xứ ta đã làm tăng giá trị theo năm tháng cho từng tác phẩm.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi chia sẻ: “Cái hay của các thế hệ họa sĩ Đông Dương là họ biết cách tiếp thu trọn vẹn chất liệu, kỹ thuật phương Tây và lồng ghép vào đó sự sáng tạo mang hồn cốt, bản sắc Việt. Nên mỗi tác phẩm nhìn vào là biết ngay của họa sĩ Việt Nam, chứ nếu họa sĩ Việt vẽ như họa sĩ Nhật Bản, Hàn Quốc thì người sưu tập tìm họa sĩ nước ngoài để mua tranh, chứ tìm đến họa sĩ Việt chi nữa”.
Lý giải từ góc độ nghiên cứu thị trường giao dịch, nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn phân tích: “Các phiên đấu giá quốc tế với các tác phẩm nghệ thuật của thế hệ họa sĩ Đông Dương, đạt giá trị lớn và cả quán tính của những dòng tiền mới, ta gọi là “tiền rẻ” do thu nhập từ bất động sản và thị trường tài chính trong 2 năm trước đây, dòng tiền này có chuyển sang đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật theo quy luật như là đa dạng hóa danh mục. Hai nhân tố chính này đã góp phần kích hoạt một không khí hưng phấn nhất định với thị trường”.
Nhưng thị trường nghệ thuật Việt Nam dù là một thị trường mới nổi, nó cũng mang trong mình một vài tính chất phức tạp, tầm nhìn thị trường chính là việc không đơn giản hóa việc lựa chọn vào một phân khúc nào đó như chủ đề, thể loại tác phẩm nghệ thuật hoặc chất liệu như điêu khắc hay hội họa giá vẽ. “Với tính chất như là một kênh đầu tư để đa dạng hóa, thông thường giới sưu tập sẽ bị hút vào những tác phẩm hoặc tác giả có trị giá tác phẩm tăng nhanh. Những tác phẩm của các tác giả có tên tuổi được đào tạo từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, lớp họa sĩ khóa Kháng chiến và những họa sĩ đương đại định danh sau này sẽ được chú ý và ưu tiên sưu tầm. Điều này lý giải cho việc, tại sao tranh của các họa sĩ khóa Kháng chiến như Trần Lưu Hậu hay Lưu Công Nhân, điêu khắc Lê Công Thành, Tạ Quang Bạo lại được săn lùng bên cạnh những tên tuổi Đông Dương như bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm hay Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Cũng như những họa sĩ đã định danh trong giai đoạn thập niên 1990 như Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu... lại có giá trị tăng chóng mặt”, nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, mức giá tranh Việt trong 6 tháng của năm 2023, dù đã có bức tranh giữ giá cao thứ 2 (bức “Gia đình trong vườn” của Lê Phổ, giá 2,37 triệu USD) sau bức kỷ lục “Chân dung cô Phượng” (giá hơn 3,1 triệu USD) nhưng thị trường giao dịch đang chững lại. Việc này đến từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, khoảng trầm sau những cuộc gõ búa triệu USD có lẽ là cần thiết, bởi ở một góc nhìn khác, việc giá tranh Việt chững lại để tác phẩm đi đúng giá trị tự thân.
Nhà sưu tập HOÀNG ANH TUẤN: Thị trường tranh Việt đang chững lại
Thị trường nghệ thuật không phải lúc nào cũng “cùng pha” với chu kỳ tăng giảm của nền kinh tế. Nhưng thị trường hiện tại cho thấy đã chững lại qua các phiên đấu giá quốc tế về tranh Việt gần đây. Nó cũng cho thấy không có vận động trái chiều và cũng hợp quy luật, khi dòng tiền yếu thì sưu tập nghệ thuật là tiêu dùng không cấp thiết nên mọi người sẽ cân nhắc hơn.
Thị trường bất động sản khó khăn, có nghĩa là số lượng tranh dành cho nhu cầu trang trí sẽ giảm bớt và những người sưu tập muốn mua tranh như là một sự đa dạng hóa đầu tư vẫn luôn e ngại tranh đương đại, nên đa phần các nghệ sĩ đương đại sẽ phải vật lộn với nhu cầu mưu sinh trong năm nay.
Nhà sưu tập - cố vấn đầu tư nghệ thuật NGUYỄN ĐỨC TIẾN: Tranh của danh họa gần như vắng bóng
Tranh của các họa sĩ Đông Dương sống ở nước ngoài thì luôn sẵn có, giá cao. Tranh của họa sĩ Đông Dương sống trong nước thiếu hụt khá lớn, bằng chứng cho việc này là trong phiên đấu giá ngày 27-5 của nhà đấu giá Bonhams tại Hồng Công (Trung Quốc), tác phẩm của các danh họa cũng có chất lượng chưa cao. Trong khi đó, tranh của họa sĩ khóa Kháng chiến như Trần Lưu Hậu chiếm một lượng lớn, chất lượng mỹ thuật tầm tầm, và có thể dễ dàng mua trong nước.
Trong phiên đấu giá kỷ niệm 50 năm của Nhà Sotheby's tại Hồng Công vừa qua cũng chẳng khá hơn, tranh của các danh họa sống trong nước gần như vắng bóng hoàn toàn. Thậm chí, trong phiên đấu giá ngày 31-3 tại Millon Auction, Pháp, tranh Đông Dương có chất lượng cao thiếu, và đưa thêm cả các họa sĩ đương đại vào đấu như Phan Cẩm Thượng, Lê Thiết Cương... trong khi tranh của các họa sĩ này dễ dàng mua trong nước.
KIM LOAN