Là một tỉnh miền núi, có nhiều sông suối và hồ đập, độ dốc dòng chảy khá lớn nên hàng năm, trên địa bàn Yên Bái xảy ra nhiều trận lũ lụt, nhất là lũ quét, lũ ống gây thiệt hại to lớn về người và tài sản, đặc biệt với trẻ em. Nhằm giúp đỡ cộng đồng dân cư tại các vùng rủi ro cao có kỹ năng giảm thiểu và chủ động ứng phó với ảnh hưởng do thiên tai gây ra, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) triển khai Dự án "Tăng cường năng lực phòng ngừa và ứng phó thảm họa thiên tai dựa vào cộng đồng, lấy trẻ em làm trọng tâm". Giai đoạn bốn của dự án triển khai tại 9 xã thuộc 4 huyện, thị gồm Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái từ tháng 10/2008 đến tháng12/2009.
Ông Trịnh Trọng Nghĩa - Cán bộ Ban Quản lý Dự án cho biết: "Nguồn kinh phí do Vụ Cứu trợ Nhân đạo thuộc Ủy ban châu Âu (ECHO) tài trợ không lớn (100 nghìn EUR), thời điểm triển khai dự án cũng là lúc cả tỉnh Yên Bái đang tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão số 4 (tháng 8 năm 2008), Ban Quản lý Dự án đã quyết định trích khoản tiền hơn 1 tỷ đồng để mua gạo, thóc giống, phân bón, đồ dùng gia đình thiết yếu như chăn, màn, quần áo... để cứu trợ người dân, nhất là nông dân vùng khó khăn. Dự án cũng hỗ trợ về giáo dục giúp học sinh, thầy cô giáo, các nhà trường vùng lũ bước vào năm học 2008 - 2009".
Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu như phòng học an toàn ở thị trấn Cổ Phúc, sửa chữa và nâng cấp cầu Khe Sấu, xã Đào Thịnh (Trấn Yên); tôn tạo tuyến đường vào Trường Mầm non, Trường Tiểu học xã Nam Cường (thành phố Yên Bái) nhiều năm qua vốn lầy thụt, thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn.
Bên cạnh đó, trang bị kiến thức phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, lấy trẻ em làm trọng tâm là nội dung quan trọng của dự án. Đã có hơn 2.000 học sinh, giáo viên và đội ngũ cán bộ xã tại những địa phuơng được hưởng dự án tham gia tập huấn và họ cũng chính là những tuyên truyền viên tích cực. Cuối tháng 5/2009, cán bộ quản lý dự án và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã kiểm tra kết quả triển khai dự án tại huyện Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái.
Tại xã Báo Đáp (Trấn Yên), phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương rất bất ngờ trước nhận thức về thiên tai cũng như cách phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai của các em học sinh. Em Đỗ Lê Thắng ở thôn 9, xã Báo Đáp tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã biết rất rõ những việc phải làm sau lũ như: dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường; chuyển đồ đạc về; kiểm tra mức độ thiệt hại; cứu hộ những gia đình trong cộng đồng bị thiệt hại nặng (cứu trợ tại chỗ); xử lý rác thải, xác động vật chết; khôi phục hoa màu; lập kế hoạch phòng tránh cho những đợt lũ tiếp theo... Em cho biết: "Đợt lũ trước, nhà em và mọi người trong thôn chưa biết giải quyết đúng cách nên môi trường bị ô nhiễm rất lâu, đường đi lại khó nên ảnh hưởng đến công tác cứu trợ, khôi phục sản xuất sau lũ. Đi học những lớp như thế này, em thấy vui và rất bổ ích!".
Đồng chí Vũ Thị Nhung - Bí thư Đoàn xã Báo Đáp cho biết: "Đoàn xã đã tiếp nhận 800 thiếu niên, nhi đồng về sinh hoạt hè năm nay. Trang bị kiến thức phòng tránh, giảm nhẹ và khắc phục thảm họa thiên tai sẽ là một trong những nội dung sinh hoạt hè của các em".
Hàng nghìn cán bộ, giáo viên, nhất là các em học sinh trên địa bàn triển khai dự án "Tăng cường năng lực phòng ngừa và ứng phó thảm họa thiên tai dựa vào cộng đồng, lấy trẻ em làm trọng tâm" đã và đang được trang bị những kiến thức bổ ích, cần thiết cùng các công trình xây dựng, hàng cứu trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em mang lại.
Lê Phiên