Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 29/3/2023 là tiền đề, điều kiện đánh thức tiềm năng, lợi thế, mở ra tầm nhìn mới cho Lào Cai trong tiến trình phát triển của tỉnh, nhất là khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lựa chọn 3 khâu đột phá chiến lược, gồm: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển dịch vụ.
Theo ông Hoàng Chí Hiền, trên cơ sở quy hoạch, ngành công thương Lào Cai nghiên cứu để tham mưu, đề xuất cho tỉnh xây dựng, hoạch định cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cho mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới.
Về phát triển công nghiệp, tham mưu cho UBND tỉnh sớm thành lập các khu công nghiệp mới như Cốc Mỳ - Trịnh Tường, Bản Qua (Bát Xát), Võ Lao (Văn Bàn) và Cam Cọn (Bảo Yên); xây dựng phương án kêu gọi, thu hút các nguồn vốn trong nước và nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp mới; phát triển bền vững hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản hiệu quả, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về khoáng sản của tỉnh, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất, phân bón, luyện kim. Đặc biệt, hiện thực hóa việc chế biến sâu khoáng sản, đó là chế biến từ đồng tấm thành cáp điện, phôi thép thành thép, sản xuất phốt pho đỏ và đẩy mạnh phát triển công nghiệp dệt may.
Đối với phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản, sẽ gắn với phát triển vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ; đưa vào một số ngành công nghiệp hiện đại như dược sinh học, điện tử, công nghệ thông tin.
Quy hoạch phát triển mạng lưới chuyển tải điện, các trạm biến áp tạo mối liên kết mạch giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia. Đẩy mạnh tiến độ triển khai và sớm hoàn thiện các dự án thủy điện đã được phê duyệt, phấn đấu các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh có tổng công suất lắp máy đạt 1.600 MW, đóng góp ổn định vào thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động của địa phương.
Về kinh tế cửa khẩu, ngành công thương phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá việc triển khai Đề án số 2 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại và kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng, hoàn thiện Đề án Cực tăng trưởng, trung tâm giao thương kết nối các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện và triển khai kế hoạch phát triển dịch vụ logistics.
Cùng với đó, tham mưu cho UBND tỉnh phát triển thương mại - dịch vụ đa dạng loại hình, phương thức thương mại, dịch vụ hiện đại, đi đôi với nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới hệ thống chợ truyền thống; quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng mạng lưới trung tâm thương mại lớn, các siêu thị, cửa hàng tiện ích và các mô hình thương mại, dịch vụ hiện đại khác. Mục tiêu hướng đến xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm dịch vụ, tài chính của khu vực và quốc tế.
Được biết, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, đảm bảo môi trường, gia tăng giá trị và yêu cầu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường, trong đó đầu tư xử lý về nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn... Hiện nay, tỉnh Lào Cai đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác, khai thác thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn đầu tư mới.
Đến năm 2030, phấn đấu GRDP bình quân đầu người của tỉnh Lào Cai đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP bình quân đầu người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao của cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Với tinh thần và khí thế mới, quyết tâm cao của ngành công thương, các nội dung trong Quy hoạch tỉnh Lào Cai sẽ được triển khai đồng bộ, thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm mới, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.