Truyện ngắn

Tiếng hú giữa rừng đêm

LCĐT - Người thô kệch, mặt như củ khoai hà, đã thế lại còn bị thọt. Bố mẹ mất sớm, Sìn ở một mình trong ngôi nhà sàn cột xiêu, phên nứa, mái dột cuối bản Cốc Nhội, sống bằng nghề đánh lươn.

Sìn biết chế ra một loại mồi đặc biệt bằng giun, nướng trên rơm rồi băm với lá chanh. Sau mỗi đêm, một ống lươn cho Sìn 1 đến 2 con lươn. Tiền bán lươn đủ để Sìn nghèo bình thường như những người trong bản.

Ba mươi hai tuổi, Sìn chưa lấy được vợ. Con gái nhìn thấy Sìn ai cũng quay mặt đi. Ngày hội xuân, những đêm trai làng, gái bản tụ tập hát khắp cọi đối đáp giao duyên, Sìn cũng tham gia, thế nhưng khi tiếng hát cất lên, lời đi, lời lại vặn nhau như chạc thừng thì từng đôi trai làng, gái bản dắt díu nhau đi, bỏ lại Sìn một mình.

Một ngày, có công ty đến quê Sìn khai thác quặng, đất nhà Sìn nằm trên rốn quặng. Thằng Sìn xấu xí, hôi hám, nghèo xơ xác bỗng thay đổi như trong giấc mơ. Số tiền người ta đền bù làm cho Sìn trở thành đại gia nhất xã. Giờ Sìn đi giầy da bóng lộn, quần là áo lượt. Có tiền, Sìn chuyển ra cạnh đường liên xã, xây luôn cái nhà hai tầng, bật hẳn lên bên những ngôi nhà sàn già nua và đám nương sắn, nương ngô cằn cỗi. Sìn xuống phố huyện mua xe Air Blade, là người đầu tiên trong bản mua được xe đắt tiền thế. Người ta nhìn Sìn ghen tị, bớt khinh thường hơn.

Có nhà, có xe, có cả cái điện thoại đắt tiền muốn vào mạng xem cái gì cũng được. Có đầy đủ tiện nghi rồi nhưng có một thứ Sìn khao khát, khao khát từ khi lớn lên thành thằng con trai đến giờ, thứ không thể mua được bằng tiền, đó là vợ. Sìn muốn có vợ. Hôm nhà thằng Thông cùng bản lợp lại mái nhà, Thông rủ bằng được Sìn sang uống rượu cùng mấy thằng bạn đến giúp với lý do anh em cùng bản lâu ngày không được gặp gỡ tụ tập nhau. Thực ra mấy thằng cùng bản chẳng ưa gì Sìn, trước đây uống rượu có bao giờ họ gọi Sìn đâu, giờ họ gọi Sìn đến vì Sìn có tiền, uống rượu xong họ sẽ gạ Sìn mời đi hát karaoke ngoài trung tâm xã. Biết thế nhưng Sìn chiều.

Uống rượu say say rồi Sìn bảo:

- Giờ thứ gì tao cũng có, chỉ mỗi không có vợ như chúng mày thôi! Ở nhà một mình, không đi uống rượu, không đi hát karaoke thì biết làm gì chúng mày nhỉ?

Thằng Thông chen ngang:

- Mày cứ nói thế! Mày là đại gia rồi, muốn vợ có vợ, không đi tán được thì lấy hàng đặt, đã sao nào? Như thằng Tòng, thằng Hân bản Tồng Lẹng ấy, ế vợ như hủi, đến gặp bà Nga mai mối, chi phí hết bốn triệu, xem mặt nhau qua ảnh rồi đến nhà đặt vấn đề, thế là xong. Nghe nói lấy vợ dưới xuôi. Ở xuôi cũng có quê nghèo, có gái nghèo, gái ế chồng như trai nghèo, trai xấu miền núi ế vợ vậy! Đằng này mày không nghèo, lo gì…

Thằng Châu chen vào:

- Đưa tao hai triệu để mỗi sáng tao ra quán Sơn Bùn làm bát lòng lợn tiết canh với cút rượu, tao mai mối cho, đảm bảo xinh đẹp, ngoan hiền, con nhà tử tế đàng hoàng nhé! Tội gì!

Sìn vươn cổ hỏi:

- Ma rượu nói đấy à? Như tao mà cũng lấy được vợ thế á?

Châu hạ giọng:

- Mày biết con Xao ở bản Phiêng chứ? Xinh nhất bản, xinh đến nỗi trai bản chẳng thằng nào lấy được. Nó lấy con một cán bộ to ở huyện nhưng đã hơn ba năm sau ngày cưới vẫn chưa có con. Nó bỏ chồng rồi, vì nhà chồng đối xử tệ bạc không chịu được hay là bị nhà chồng đuổi về cũng không biết nữa. Nhà họ làm quan, lấy đâu chả được con vợ hai, vợ ba xinh như nó…

- Lấy gái đã có chồng á? - Thằng Thông cười hô hố, bị Châu quát cho im bặt:

- Mày ngu lắm! Gái có chồng nhưng còn hơn khối đứa chưa chồng đấy. Giả sử bây giờ cho tao đổi con vợ nhàu lấy con Xao, tao đổi ngay tức khắc! Nó không có con, gặp loại đoạn tình, đoạn nghĩa, không có trái tim con người, nó bị ruồng bỏ, chứ bản chất nó có xấu xa gì đâu! Lấy vợ đặt tận nơi nảo nơi nào, không rõ lai lịch, biết đâu mà lần…

Ai chứ Xao thì Sìn biết. Trước đây nhiều sáng đi thu ống lươn về, Sìn vẫn thường gặp Xao đeo tải lên núi Pù Cải tìm măng. Mỗi lần gặp Sìn, Xao quay mặt bước nhanh. Nhiều hôm đi chợ phiên, Sìn đứng từ xa ngắm trộm Xao mê mẩn. Nhiều lần Sìn còn nằm mơ thấy Xao nữa. Sìn biết mình xấu xí, nghèo hèn nên không dám bắt chuyện. Suy nghĩ hồi lâu, Sìn đập mạnh chén rượu xuống mâm, tuyên bố: Vụ này tao quyết!

Thế là sáng hôm sau Sìn gọi Châu ra quán Sơn Bùn ăn sáng. Sìn đưa cho Châu hẳn ba triệu để Châu lo mai mối, đặt vấn đề với nhà Xao. Không biết Châu nói những gì, hôm sau nữa Châu đưa Sìn sang nhà Xao để ra mắt. Gọi là ra mắt chứ thực ra là người một xã nên Sìn và nhà Xao chẳng lạ gì nhau. Hôm Sìn đến nhà, Xao trốn vào buồng trong, khuôn mặt buồn thăm thẳm trông lại càng buồn hơn. Khi biết bố đồng ý cho Sìn cưới, Xao chạy ra cầu thang bếp gục mặt khóc. Mẹ Xao ra theo, thủ thỉ mà như van nài:

- Mình đã từng lầm lỡ, giờ có người thương thì làm lại cuộc đời con ạ… Bố mẹ già rồi, thịt xương đã thơm mùi giun đất… con không thể ở thế mãi được. Thằng Sìn xấu xí nhưng được cái kinh tế khá giả, nom cũng tử tế. Hạnh phúc, sướng khổ là do trời ban, lấy thằng Sìn, biết đâu... - mẹ Xao nói bỏ lửng rồi ôm lấy con, cũng khóc theo.

Đám cưới được tổ chức nhanh chóng, khách mời không đông, Xao cúi gằm mặt, lùi lũi bước theo Sìn. Sìn không giấu nổi vui sướng, nụ cười luôn hiển hiện làm cái mặt Sìn nhăn lại như mặt đười ươi. Một thời gian dài, Sìn vẫn lâng lâng trong hạnh phúc. Có cuộc ma chay, cưới hỏi hay cuộc rượu nào được mời, Sìn cũng đưa Xao đi theo, mặt vênh vênh vẻ tự hào lắm.

Từ ngày có vợ, Sìn bỏ hẳn nghề đánh lươn. Bản Sìn, xã Sìn lại nổi lên phong trào đánh lô, đánh đề, Sìn chuyển sang ôm lô đề. Vợ chồng Sìn ở nhà làm ông chủ, bà chủ, chả tội gì phải băm giun, lội bùn đánh lươn cho bẩn chân, bẩn tay. Có vợ xinh, Sìn giữ khư khư như bảo bối. Nhiều hôm Xao đi chợ phiên về muộn một tí, Sìn cũng ra ra vào vào sốt ruột. Thời gian này Sìn hay ghen, cái máu ghen trong Sìn có lẽ thành bệnh.

Hôm nọ vợ chồng Sìn ra ngã ba đầu bản, gặp thằng Kim La. Đó là một thằng bệnh hoạn, chuyên đi trộm đồ lót của các giáo viên cắm bản. Người ta kể thằng Kim La mang đồ của đàn bà con gái về ngửi, đêm hắn trải đồ lót ra để ngủ, phải có thứ mùi đó thì hắn mới ngủ ngon. Thằng Kim La hau háu dán mắt vào ngực Xao, nhìn lần lần xuống dưới. Máu ghen nổi lên, Sìn nhổ cái cọc rào đuổi đánh thằng Kim La. Sìn đuổi thằng Kim La từ ngã ba xuống khe suối, từ khe suối lên đỉnh đồi, từ đỉnh đồi lại ra ngã ba, đuổi đến khi chân không thể bước được nữa mới thôi.

Hơn một năm, vợ chồng Sìn và Xao vẫn chưa có con. Sìn dồn tiền đưa vợ đi khám chữa hết các bệnh viện lớn, gia sản vơi đi một nửa. Hai năm, Xao vẫn chưa mang thai, số gia sản vơi hơn nửa. Sìn đâm ra mệt mỏi và chán nản. Đã có lúc Sìn nghĩ, biết thế trước đây nghe lời thằng Thông lấy quách con vợ đặt, giờ sai con rót rượu được rồi. Dạo này Sìn hay uống rượu hơn.

Một hôm, sáng dậy Xao gọi Sìn, khoe:

- Anh Sìn ơi, đêm qua em nằm mơ đẻ con đấy!

Sìn quay ra chửi:

- Giỏi thì đẻ thật đi!... Mơ đẻ con là xui lắm biết không? Trước đây mẹ tôi mơ đẻ con, hôm sau bố tôi chết đấy!

Hôm ấy, chẳng hiểu sao dân nghiện lô đề thi nhau đánh con sáu bảy, mà toàn đánh tiền to. Tối đến, đề về đúng con sáu bảy. Kết quả vừa báo được chừng mười lăm phút, người ta đã kéo nhau đến nhà Sìn. Bao nhiêu tiền Sìn đem ra trả hết, vẫn chưa đủ. Xe máy, ti vi, điện thoại, bếp ga, đồ đạc trong nhà có thứ gì người ta khuân đi bằng sạch, chỉ còn lại ngôi nhà trống rỗng và vợ chồng Sìn ngồi trong xó như chết. Từ hôm đó cái tên Sìn thọt được thay bằng tên Sìn sáu bảy.

Bị sốc nặng, Sìn lang thang các quán rượu, say xỉn suốt ngày. Cũng từ hôm đó, người ta thấy Xao dậy sớm, mài dao, mài cuốc, đi nương trồng ngô, trồng sắn như bao người trong bản. Những hôm tỉnh rượu, Sìn lại quay về với nghề đánh lươn. Đánh lươn được bao nhiêu tiền Sìn dồn hết vào lô đề mong gỡ gạc lại, còn dư thì để mua rượu uống. Ngày tháng liên miên Sìn ngập chìm trong rượu. Hết đầu tóc gọn gàng, hết quần là áo lượt, Sìn lại trở về là thằng Sìn xấu xí, bẩn thỉu, hôi hám như ba năm về trước, thậm chí nhìn còn đáng sợ hơn. Ngày Xao đi làm mệt mỏi, đêm đêm chịu sự vần vò của thằng chồng nửa người nửa thú, khỏe như gấu, người hôi, mồm hôi, hơi rượu nồng nặc… dần dần từ mệt mỏi, chán ngán, Xao thành ra sợ chồng. Đã có lúc Xao có ý định bỏ Sìn về nhà mẹ đẻ, nghĩ đi nghĩ lại, lại thôi.

Có lần Xao bảo:

- Anh ạ, giờ hoàn cảnh gia đình mình khó khăn thế này, em muốn đi đâu đó làm, nhiều công ty trên thành phố thiếu công nhân, em muốn đi làm một thời gian, em sẽ có tiền gửi về cho anh uống rượu...

Xao nói ngọt thế mà Sìn vẫn khùng lên:

- Ngày trước Xao lấy tôi vì tiền phải không? Giờ thấy tôi nghèo hèn, lụi bại, Xao bỏ tôi đi! Xao đi theo thằng khác hử?

Không trốn được chồng, ngày ngày Xao lại lụi cụi một mình lên nương trồng ngô, trồng sắn. Cây ngô, cây sắn đến mùa mới cho thu hoạch. Ngày thường gạo hết, cũng chẳng còn tiền mua mắm muối, thức ăn, Xao đành cầm thuổng đi khắp các xó rừng đào củ mài, còn gọi là sơn dược, đem ra chợ phiên bán cho người dưới xuôi mua về sấy khô làm thuốc. Cuộc sống vất vả, đêm về lại hay mất ngủ bởi chồng, Xao gầy rộc hẳn đi, ánh mắt buồn quầng sâu, xanh xao, quần áo xộc xệch, lếch thếch. Những buổi đi đào củ mài về, người dính đầy đất đỏ ở đầu gối, tay, vai vì cúi xuống hố củ mài bới đất, trông Xao chẳng khác gì đứa ăn mày ở góc chợ.

Minh họa của Trung Hiếu.
Minh họa của Trung Hiếu.

Một hôm đi chợ phiên, Xao gặp Liên, con bạn bản bên hồi còn ở nhà hay cùng Xao đi xới cỏ sắn thuê cho nhà chủ tịch xã. Trước đây Liên đen đúa, gầy gò, giờ trắng trẻo, béo tốt, váy đẹp, vòng vàng, lắc vàng đầy người.

Xao ngạc nhiên hỏi:

- Liên khác xưa nhiều quá!

Liên được dịp xổ luôn một tràng:

- Tao làm việc ở bên kia biên giới ấy, bán hàng cho một công ty tư nhân thôi, công việc nhàn lắm, nhì nhằng mỗi tháng cũng thu về gần hai mươi triệu…

Xao thốt lên:

- Eo ơi, những gần hai mươi triệu!

- Ừ! Hàng bán được nhiều thì lương cao. Đời tao may mắn được sang bên đó, đợt này tao sẽ lên quản lý, lương còn cao hơn thế… hay mày sang cùng tao, làm thay vị trí của tao bây giờ đi, nhường công việc ngon lành thế cho đứa khác tao thấy tiếc…

- Nhưng…

- Còn nhưng gì nữa… cả đời quẩn quanh ở hai, ba cái bản, không bước qua nổi ngọn núi Pù Cải thì chỉ làm lụng khổ mãi như con trâu, con bò thôi...

- Để tao suy nghĩ đã nhé!

- Trả lời tao sớm đấy nhé. Tao ở nhà trọ kia, sáng mai năm giờ tao đi.

Lưỡng lự thế nhưng trong lòng Xao sướng rơn. Xao từng mơ ước được đi làm như vậy lâu rồi. Lương thì thế nào cũng được, càng cao càng sướng, miễn là thoát khỏi ông chồng, rời thật xa cái ngôi nhà trống rỗng, lạnh lẽo kia.

Đêm, Sìn lại say, thỉnh thoảng nói lảm nhảm gì đó, Xao nghe kỹ, nhận ra đó là mấy câu trong bài luận thơ đề. Xao vơ mấy bộ quần áo cho vào túi treo sẵn ở cửa sau. Hơn ba giờ sáng Xao trốn đi. Liên đang đợi sẵn ở ngôi nhà trọ nho nhỏ góc chợ phiên. Thấy Xao, mắt Liên sáng rực, dắt tay Xao ngồi lên xe máy đèo đi. Xe tồng tộc lên dốc, khói phả mù mịt, mấy con chó cắn nhanh nhách theo sau.

Đến một thị tứ nhỏ cạnh biên giới, Liên đưa Xao vào một nhà nghỉ vắng vẻ, bảo: Giám đốc công ty đang ở đây, để tao sắp xếp cho mày gặp, thỏa thuận công việc cụ thể, ký kết hợp đồng đàng hoàng rồi hãy sang. Tao chạy ù ra chợ mua vài thứ lặt vặt.

Thế thì tốt. Xao răm rắp nghe theo như một cái máy. Người được gọi là giám đốc dáng thấp đậm, da trắng, đôi mắt xếch nhìn Xao cứ híp lại. Bàn bạc, thỏa thuận đã xong mà mãi chưa thấy Liên quay về, ông giám đốc mời Xao xuống ăn cơm ở một quán vắng ngay cạnh nhà nghỉ, bảo vừa ăn vừa đợi. Ăn cơm xong vẫn chưa thấy Liên quay về. Ông giám đốc bảo Xao tranh thủ chợp mắt một tí. Xao vừa đặt lưng xuống, cơn buồn ngủ bỗng kéo đến mê mệt, người mềm nhũn dính chặt xuống giường nhưng Xao vẫn nhận thấy có cái gì đó lạ lắm, nó làm người Xao nóng phừng phừng. Tay giám đốc kia cởi từng nút cúc áo Xao, trèo lên người Xao, hơi thở gấp gáp. Xao cố lấy tay đẩy ra, mà không, tay Xao lại vít chặt lấy người ấy. Người Xao tan chảy. Dù không mở nổi mắt, Xao vẫn thấy trong vòng tay mình là một người đàn ông đẹp trai, trắng trẻo, thơm tho chứ không giống như ông chồng nửa người nửa thú luôn nồng nặc mùi rượu. Xao đang bị lợi dụng, Xao đang bị cưỡng bức, Xao kệ! Xao cũng thèm được chung xác thịt với một người đàn ông bình thường lắm chứ.

Chiều tỉnh dậy, Liên vẫn chưa quay lại. Tay giám đốc kia bảo: Đi thôi, về công ty khắc gặp.

Xao lại đi theo tay giám đốc kia như phải bùa. Đến khi Xao bị công an giữ lại và tay giám đốc kia bị bắt vì nghi ngờ liên quan đến việc buôn bán người sang bên kia biên giới, Xao mới sực tỉnh, bàng hoàng nhận ra mình bị lừa.

Xao về, bước chân bải hoải. Bản đã hiện ra kia, mờ mờ trong mây. Nhà Xao kia, trăng trắng, lành lạnh, ngôi nhà trống rỗng và luôn thiếu vắng tiếng cười. Xao sợ ngôi nhà ấy, Xao sợ quay về. Xao không rẽ về nhà mà đi tiếp, đi mãi về dãy núi Pù Cải. Mấy hôm trời rét đậm, tối nay tuyết rơi nhiều, bám đầy trên người, trên mặt Xao. Gió rin rít qua ngọn cây. Người Xao như muốn đông cứng lại.

Sáng dậy không thấy Xao đâu, Sìn thấy lo lo. Đến chiều vẫn không thấy Xao về, lòng Sìn như có lửa đốt. Sìn rót rượu uống liền mấy bát, càng uống càng thấy nóng ruột hơn.

Chiều tối, anh Dậu công an viên sang bảo:

- Vợ mày bị lừa bán sang Trung Quốc đấy, đã thấy về nhà chưa?

Sìn lập bập ra sân, men rượu đã ngấm làm Sìn ngã dúi dụi.

- Xao bị bán à? Giờ Xao ở đâu?... Ở đâu?

Sìn chạy ra ngã ba đầu bản, chạy lên nương ngô, chạy ra suối, lại quay về. Không thấy Xao đâu. Trăng đêm mờ mờ, men rượu lâng lâng, lúc say lúc tỉnh, Sìn cứ theo con đường mòn đi mãi, đi mãi về dãy núi Pù Cải.

Bỗng Sìn khụy xuống. Miệng hú lên ghê rợn. Xao ngồi như bức tượng bằng đá đông cứng, ánh mắt đang dõi về bên kia dãy núi Pù Cải, trên tóc, trên vai, trên người Xao trắng một màu tuyết. Sìn cứ thế ôm lấy khối tuyết mà gào, mà hú. Lần theo tiếng hú, người trong bản tìm lên lôi Sìn về. Bố mẹ Xao và dân bản chôn Xao ngay tại chỗ Xao chết.

Nhiều đêm sau đó, người ta vẫn nghe thấy tiếng hú như loài vượn hoang vọng về từ núi Pù Cải. Tiếng hú va vào vách đá, dội lại, tan trong đêm thanh vắng âm âm u u…                                     

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Giao lưu quân nhạc quân đội các nước ASEAN năm 2024

Khai mạc Giao lưu quân nhạc quân đội các nước ASEAN năm 2024

Tối 19/12, tại Hoàng thành Thăng Long, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì khai mạc Giao lưu quân nhạc quân đội các nước ASEAN năm 2024 với chủ đề

Thú vui thưởng trà

Thú vui thưởng trà

Thưởng trà là một nét văn hóa đẹp của người Việt và có ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ thưởng thức chén trà ngon, người uống trà còn có dịp chuyện trò, giãi bày tâm sự, thêm gắn kết, yêu thương và sẻ chia.

Nếp sống mới ở khu dân cư

Nếp sống mới ở khu dân cư

Đến thăm gia đình chị Giàng Thị Xinh ở khu dân cư Nặm Mèng, bản Tổng Kim (xã Vĩnh Yên), ấn tượng đầu tiên là ngôi nhà sàn rộng rãi, sạch sẽ, đồ đạc trong nhà sắp xếp gọn gàng, bao quanh nhà là rừng quế xanh tốt. Vườn rau và chuồng nuôi gia súc được bố trí hợp lý, cách xa nơi ở. Đó là những thay đổi tích cực khi gia đình chị Xinh tham gia mô hình “Khu dân cư đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa mới” do xã triển khai.

Nhiều tín hiệu tích cực cho truyện tranh Việt

Nhiều tín hiệu tích cực cho truyện tranh Việt

Gần đây các tác giả, họa sĩ truyện tranh của Việt Nam đã đa dạng hóa đề tài, cách thể hiện, từ đó thu hút được nhiều hơn đối tượng độc giả. Cùng với đó, ngày càng nhiều giải thưởng truyện tranh trong và ngoài nước được mở ra với quy mô lớn, cũng tạo điều kiện cho họa sĩ trẻ thể hiện tài năng…

fb yt zl tw