Tiền hỗ trợ thiên tai không đến được tay nông dân hoặc tiền cấp trùng nhiều lần cho một người; cùng một miếng đất lại cấp tiền cho nhiều người… Đó là những khuất tất trong việc chi tiền hỗ trợ thiên tai cho nông dân sản xuất lúa ở một số nơi trong tỉnh Kiên Giang vừa qua.
Không có đơn cũng có tiền
Qua nhiều ngày điều tra, phóng viên nắm được ở xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) có đến 113 người trùng tên, trùng số CMND do kê khai 2 lần và tổng số tiền mà người dân đã nhận hơn 618 triệu đồng, với tổng diện tích 320,22ha.
Đồng thời, chỉ riêng ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận vẫn còn 17 hộ trùng tên với tổng diện tích 30,20ha, tổng số tiền hơn 60 triệu đồng (người dân vẫn chưa nhận tiền). Đồng thời, 14 hộ dân ở xã Vĩnh Thuận và 1 hộ dân ở xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng) có đơn đề nghị và đáng lẽ phải được hỗ trợ mức thiệt hại là trên 70% thì lại nằm trong danh sách thiệt hại từ 30-70%.
9 hộ dân ở xã Vĩnh Thuận có đơn đề nghị xác định thiệt hại là từ 30-70% thì lại được cấp tiền là thiệt hại trên 70%.
Đặc biệt, ở xã An Minh Bắc có 5 trường hợp khá hy hữu. Có đơn đề nghị diện tích hỗ trợ thấp hơn danh sách cấp tiền và mức độ thiệt hại trong đơn và trong danh sách khác nhau; 2 trường hợp trong đơn đề nghị cao hơn danh sách cấp tiền và mức độ thiệt hại cũng khác.
Chị Trần Thị Oanh (ngồi giữa) cho biết, chị đã báo 3 lần với chính quyền xã, ấp về thiệt hại của mình nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đồng hỗ trợ nào. |
14 hộ dân khác ở các xã: Minh Thuận, An Minh Bắc, Vĩnh Thuận có đơn đề nghị tổng diện tích là 23,22ha, nhưng lại được hỗ trợ tổng diện tích đến 32,17ha. Trong khi đó, 17 hộ dân cũng ở 3 xã này có đơn đề nghị tổng diện tích 47,7ha nhưng chỉ nhận được tiền hỗ trợ 40,1ha. Còn ở xã Minh Thuận, hồ sơ hỗ trợ lại có tình tiết đáng quan tâm.
Đất của ông Trương Văn Oanh, Phó Trưởng ấp Minh Thành A, cho ông Trần Văn Mơ thuê nhưng không sản xuất lúa. Tuy nhiên, danh sách nhận tiền vẫn có tên ông Mơ với diện tích thiệt hại là 2,6ha. Một trường hợp khác, ông Đặng Văn Dũng (cùng ngụ ấp Minh Thành A) có đến 5ha lúa mùa được hỗ trợ thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua, ông Dũng chỉ sản xuất 0,5ha.
Lọt sổ hàng ngàn ha
Theo thống kê, hiện huyện U Minh Thượng còn sót 612,8 ha lúa thiệt hại của 316 hộ dân; huyện Vĩnh Thuận sót hơn 784 ha của trên 530 hộ; xã Đông Hòa (huyện An Minh) sót 335 ha của 189 hộ. Đáng lưu ý, chỉ riêng ấp Minh Thành A (xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng) sót đến 330,85 ha của 197 hộ dân.
Chị Trần Thị Oanh (47 tuổi, ngụ ấp Minh Thành A) cho biết, không có cán bộ nào đến thống kê diện tích thiệt hại của chị hay thông tin gì liên quan đến 1,2 ha lúa của chị bị thiệt hại vừa qua. Chị khẳng định, lúa của chị thu hoạch trước Tết Nguyên đán vừa rồi, chị đã báo 3 lần với chính quyền xã, ấp nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đồng hỗ trợ nào.
Ông Lâm Văn Toàn (ngụ ấp Minh Thành A) cũng khẳng định, 2,1 ha lúa của ông thu hoạch trước Tết. Ông đã báo cho ấp, xã 3 lần nhưng trong danh sách nhận tiền vẫn lọt sổ. “Ai cũng thiệt hại mà người có, kẻ không thì không được, tôi đề nghị chính quyền xem xét, giải quyết cho chúng tôi” - ông Toàn đề nghị. UBND huyện Vĩnh Thuận đã có cuộc kiểm tra tình hình hỗ trợ lúa bị thiệt hại do thiên tai vừa qua.
Theo báo cáo của tổ kiểm tra, phần lớn các ấp không có tổ chức họp tổ nhân dân tự quản để bình xét một cách công khai, minh bạch theo quy định. Đa số chỉ thông báo ra dân hoặc thậm chí chỉ phân công các chức danh ấp, tổ nhân dân tự quản đến hộ dân kê khai rồi ghi danh sách, diện tích, sau đó yêu cầu người dân làm đơn xin hỗ trợ, tổng hợp nộp về xã, thị trấn. Cá biệt, xã Tân Thuận (huyện Vĩnh Thuận) không thực hiện đúng yêu cầu thời gian niêm yết theo quy định. Cụ thể là tổ chức cấp tiền cho dân trong thời gian niêm yết.
Điều đáng nói, trong đợt hỗ trợ này, xã Vĩnh Thuận còn xảy ra chuyện thu các loại quỹ trong khi phát tiền hỗ trợ thiên tai cho nông dân. Trong báo cáo do ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận ký ngày 24-6-2016, đánh giá: Việc các ấp thu các loại quỹ không ra lai giao cho người nộp là trái quy định.
Các ấp tổ chức vận động nhân dân đóng góp các loại quỹ địa phương trong lúc đang cấp phát tiền hỗ trợ cho dân để khôi phục sản xuất là sai quy định, gây bức xúc và dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Về việc này, UBND huyện Vĩnh Thuận không có chủ trương thu nhưng vẫn có nơi thu.