Tiệm sách nhỏ - khát khao lớn

Một tiệm sách nhỏ nhưng chứa đựng một khao khát lớn lao của chàng thanh niên trẻ là được quảng bá hình ảnh đất nước thân yêu, con người Việt Nam giàu lòng mến khách đến với bạn bè quốc tế…

Được người bạn giới thiệu, tôi tìm đến hiệu sách của anh Vũ Văn Đạo, thị trấn Sa Pa. Chen giữa những quán café đậm chất châu Âu trên đường Mường Hoa, tiệm sách bé nhỏ của anh khiến tôi ngạc nhiên về vẻ ngoài mộc mạc cũng như cách bài trí khác lạ. Bên ngoài là logo của tiệm sách, được chính tay anh thiết kế, nhìn khá bắt mắt và thu hút khách du lịch. Tiếp tôi trong căn phòng chưa đầy 15m², anh Đạo tâm sự: Là người gốc Vĩnh Phúc, gia đình khó khăn nên tôi chỉ được học hết lớp 4. Ngay từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê đặc biệt với sách và luôn mơ ước sẽ có một cửa hàng sách của riêng mình...

Tiệm sách của anh Vũ Văn Đạo góp phần quảng bá văn hoá việt.

Tiệm sách của anh Vũ Văn Đạo góp phần quảng bá văn hoá việt.

Nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền đã khiến anh chỉ dám "ôm" ước mơ trong lòng để lập nghiệp tại mảnh đất Sa Pa bằng nghề hướng dẫn viên du lịch. Sau 2 năm làm nghề, được tiếp xúc với nhiều du khách đến từ các quốc gia khác nhau, anh nhận thấy, khách du lịch nước ngoài có nhu cầu đọc sách rất lớn, họ luôn mang trong người những cuốn sách của đất nước họ khi sang Việt Nam. Cũng từ đó, trong anh có ý nghĩ, tại sao không mở một tiệm sách phục vụ khách du lịch nước ngoài, đồng thời thông qua việc trao đổi sách, anh có thể quảng bá được văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Vậy là, một lần nữa khát khao sở hữu cửa hàng sách trong anh Đạo lại có dịp cháy bỏng. Anh đã cùng vợ mở 2 tiệm sách và lấy tên là "H'Mong Bookstore". Mỗi tiệm sách có khoảng 500 đầu sách của 10 quốc gia khác nhau với nhiều thể loại rất phong phú từ tiểu thuyết, truyện tranh đến sách quảng bá văn hóa… Theo như lời anh, dù không đọc được tất cả, nhưng anh phân biệt được sách thuộc quốc gia nào. Những cuốn sách về Việt Nam được anh sưu tầm, bạn bè tặng và số còn lại anh đặt mua từ các nhà xuất bản.

Tiệm sách của anh thu hút được rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến đọc và trao đổi sách. Họ yêu thích những cuốn sách Việt và sẵn sàng đổi những cuốn sách của mình lấy những cuốn sách viết về văn hóa Việt Nam . Anh Đạo tâm sự: Có những du khách đi du lịch khắp Việt Nam để tìm mua 1 cuốn sách mà họ từng biết đến và họ ngạc nhiên vì lại tìm được cuốn sách đó từ tiệm sách bé nhỏ của anh. Đa phần khách du lịch chấp nhận đổi 2 cuốn sách của mình lấy 1 cuốn sách ở tiệm sách của anh, họ yêu thích nền văn hóa Việt qua những cuốn sách ấy. Những cuốn sách được tìm kiếm nhiều là sách viết về văn hóa của các dân tộc thiểu số. Anh cũng mong muốn, tiệm sách của anh sẽ không chỉ có khách du lịch nước ngoài ghé thăm, mà bạn bè trong nước khi tới Sa Pa cũng đến đây để cùng đọc sách và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau qua sách. Mặc dù số lượng sách không nhiều, nhưng tiệm sách của anh đã trở thành nơi mà khách du lịch nước ngoài có thể tìm kiếm những thông tin về văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa của các dân tộc thiểu số Sa Pa nói riêng. Và ngược lại, những cuốn sách mà khách du lịch nước ngoài để lại cũng là một kho tàng văn hóa của rất nhiều quốc gia khác nhau để khách du lịch trong nước tìm hiểu.

Trước lúc chia tay, anh Đạo chân thật nói với tôi: Mình không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ muốn truyền niềm đam mê sách cho mọi người và góp một phần bé nhỏ trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Vẻ đẹp công nhân lao động

Vẻ đẹp công nhân lao động

Lào Cai hiện có hàng chục nghìn công nhân thuộc các loại hình sản xuất - kinh doanh. Tuy vất vả, mệt nhọc, nhưng đội ngũ công nhân vẫn hăng say lao động, góp sức phát triển quê hương, đất nước.

fb yt zl tw