Tiềm năng, xu thế du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam

Việt Nam rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, chưa có nhiều sản phẩm khai thác được hết các lợi thế, tiềm năng về thiên nhiên, khí hậu, điều kiện địa lý cùng nguồn tài nguyên địa chất, khoáng sản và dược liệu.

Hiện nay, du lịch chăm sóc sức khỏe đang có sự phát triển mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt kể từ sau đại dịch Covid-19. Ở Việt Nam, du lịch sức khỏe khá phát triển. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, điều kiện địa lý cùng nguồn tài nguyên địa chất - khoáng sản và dược liệu.

Chuyên gia du lịch, TS Nguyễn Thị Phương Nga cho rằng Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng, thế mạnh vô cùng to lớn để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ. Tiềm năng này có thể thấy ở nhiều vùng, từ vùng núi đến vùng biển. Đặc biệt nhiều địa phương có sẵn nguồn nước khoáng và suối nước nóng được biết đến với đặc tính chữa bệnh, phục hồi sức khỏe. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng quanh các nguồn này sẽ tăng cường giá trị du lịch chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, Việt Nam có nền y học cổ truyền phong phú với kinh nghiệm sử dụng thảo dược và các liệu pháp truyền thống như châm cứu, xoa bóp. Đây là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển các liệu pháp kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Du lịch chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển trên thế giới và Việt Nam. Nguồn: FEMOR

Du lịch chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển trên thế giới và Việt Nam. Nguồn: FEMOR

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trước đại dịch, năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu khoảng 2 tỷ USD. Trong khi đó hàng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới hàng tỷ USD. Điều đó cho thấy, không chỉ khách quốc tế mà khách nội địa cũng là đối tượng đầy tiềm năng của loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Phương Nga, nước ta hiện chưa tận dụng được tiềm năng, lợi thế để phát triển loại hình du lịch này.

“Nước ta chưa có nhiều sản phẩm chuyên biệt về du lịch sức khỏe. Mặc dù có nhiều suối khoáng nóng, khu nghỉ dưỡng, nhưng các dịch vụ y tế – chăm sóc sức khỏe chưa được khai thác bài bản. Người Việt Nam vẫn xem du lịch là để vui chơi, giải trí hơn là chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó, các trung tâm chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng đạt chuẩn quốc tế còn ít so với Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc” - TS Nguyễn Thị Phương Nga nhấn mạnh.

Trên thực tế, du lịch chăm sóc sức khỏe đang dần định hướng và điều chỉnh lại các chương trình, địa điểm du lịch; nhấn mạnh những nội dung có lợi cho sức khỏe, nhằm đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu ngày càng lớn của du khách. Du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang dần được quan tâm và phát triển, nhưng mức độ đón nhận từ du khách vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Xu hướng này đang tăng lên nhưng chưa trở thành một nhu cầu phổ biến như các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá hay du lịch văn hóa.

Theo TS Nguyễn Thị Phương Nga, sau đại dịch COVID-19, nhiều du khách chú trọng hơn đến sức khỏe thể chất và tinh thần, dẫn đến sự gia tăng của các sản phẩm như thiền, yoga, detox, spa, suối khoáng nóng. Tuy nhiên, nhiều người Việt vẫn xem du lịch là hoạt động để tận hưởng, giải trí hơn là để đầu tư vào sức khỏe, do đó mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chưa cao bằng khách quốc tế. Chính vì thế, quan trọng nhất là phải tạo ra được những sản phẩm có sức hút và níu chân được du khách.

Dù du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đi sau nhiều nước trên thế giới nhưng với tiềm năng thiên nhiên, địa chất vô cùng to lớn, hoàn toàn có thể tạo được dấu ấn riêng bằng những sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Việt Nam như: Tận dụng y học cổ truyền, thiên nhiên, văn hóa để tạo sản phẩm độc đáo; phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với thiên nhiên; đưa ẩm thực thực dưỡng vào trải nghiệm du lịch sức khỏe. Đồng thời, phát triển trải nghiệm nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, cá nhân hóa dịch vụ theo chủ đề như Yoga và thiền tại các khu nghỉ dưỡng biệt lập; chương trình “Sống chậm” giúp du khách tách khỏi công nghệ, tập trung vào sức khỏe tinh thần; trại dưỡng sinh, tái tạo năng lượng dành cho người cao tuổi, doanh nhân bận rộn.

TS Nguyễn Thị Phương Nga cho rằng để du lịch chăm sóc sức khỏe tận dụng hết tiềm năng và lợi thế sẵn có, ngành chức năng cần có chiến lược dài hạn, bao gồm quy hoạch phát triển, quảng bá thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút đầu tư.

“Cần xây dựng sản phẩm du lịch chuyên sâu: Không chỉ dừng lại ở spa hay suối khoáng nóng, cần phát triển mô hình du lịch y tế, nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu chuyên biệt. Tận dụng thế mạnh y học cổ truyền: Đưa các liệu pháp như châm cứu, bấm huyệt, dược liệu vào sản phẩm du lịch. Đầu tư vào hạ tầng và nhân lực: Xây dựng trung tâm du lịch sức khỏe, đào tạo đội ngũ chuyên gia, bác sĩ. Quảng bá rộng rãi hơn: Định vị Việt Nam như một điểm đến du lịch chăm sóc sức khỏe hấp dẫn trên bản đồ thế giới” - TS Nguyễn Thị Phương Nga nêu ý kiến.

Du lịch chăm sóc sức khỏe là tiềm năng, xu thế của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này cần có những chính sách phát triển tổng thể, để làm sao khai thác được triệt để các nguồn tài nguyên sẵn có từ thiên nhiên, từ bản địa. Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương, từng vùng miền và phải biết chính xác nhu cầu, đặc điểm của thị trường khách để xây dựng các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phù hợp, có trọng điểm.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Theo thông tin từ Công ty lữ hành Hana Tour – hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc – lượng đặt tour trọn gói đến Sa Pa (Lào Cai) trong nửa đầu năm 2025 đã tăng tới 333% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 1/2025, lượng khách Hàn đặt tour đến điểm đến vùng cao này tăng vọt 1.138%, đánh dấu mức tăng trưởng kỷ lục. 

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Là căn cứ địa cách mạng, Thái Nguyên có nhiều “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

“Không phải lúc nào người ta cũng có cơ hội để xuôi ngược theo một dòng sông. Nhưng nếu được, hãy đi một lần. Vì đó không chỉ là hành trình về địa lý, với nhà báo đây còn là cơ hội để mình được dấn thân và thể hiện đam mê với nghề” - đó là những dòng tôi viết trong cuốn sổ nhỏ mang theo khi bắt đầu hành trình ngược xuôi theo dòng sông Mẹ.

Presstrip - cơ hội “vàng” quảng bá du lịch Lào Cai

Presstrip - cơ hội “vàng” quảng bá du lịch Lào Cai

Không đơn thuần là một chuyến đi trải nghiệm, chương trình khảo sát thực tế dành cho báo chí (presstrip) trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai 2025 đã trở thành nhịp cầu kết nối giữa truyền thông và ngành du lịch. Presstrip là cơ hội “vàng” để các sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai được truyền thông sâu rộng hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Truyền thông quốc tế gọi tên Đà Nẵng: "Điểm đến mới của giới thượng lưu Trung Đông"

Truyền thông quốc tế gọi tên Đà Nẵng: "Điểm đến mới của giới thượng lưu Trung Đông"

Việc Emirates chính thức khai thác đường bay thẳng Dubai - Đà Nẵng từ tháng 6/2025 mở ra “cuộc cách mạng du lịch” thực thụ cho thành phố sông Hàn. Đà Nẵng sẵn sàng vươn mình trở thành điểm đến hàng đầu dành cho du khách cao cấp, đặc biệt là từ thị trường Trung Đông giàu tiềm năng.

Hanoi Free Tour Guides: Cách người trẻ làm du lịch cộng đồng cho khách quốc tế

Hanoi Free Tour Guides: Cách người trẻ làm du lịch cộng đồng cho khách quốc tế

Trên chiếc ghế đá ven hồ Gươm, một cô sinh viên Việt Nam đang say sưa kể cho vị khách Ba Lan về truyền thuyết Rùa Vàng. Không giáo án, không kịch bản, người hướng dẫn viên mang đến cho du khách sự háo hức và nụ cười sảng khoái. Khoảnh khắc giản dị ấy chính là lát cắt chân thực của Hanoi Free Tour Guides (HFTGs) – nơi những người trẻ góp phần làm mới diện mạo du lịch Thủ đô bằng sự thân thiện, gần gũi.

fb yt zl tw