Sở dĩ tên là rau đá bởi loại rau này mọc ở các vách đá trên núi cao hoặc ven các con suối. Cô Lâm Thị Nghiêm (thôn Nậm Cậy, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà) cho biết: Không biết tự bao giờ, người dân quê tôi biết đến loại rau này. Sau những cơn mưa hè rả rích, rau đá rừng bắt đầu nảy lộc. Nắng lên, những ngọn rau đá đua cao, đây là thời điểm rau ngon nhất. Thường phải mất cả buổi đi rừng mới hái đủ một bữa cho gia đình, bởi loại rau này hiện nay rất hiếm, khó có thể tìm mua tại các buổi chợ phiên. Rau giòn, có vị ngọt, thơm và hấp dẫn đặc trưng.
Trước đây, người dân Bản Liền đi rừng thường hái loại rau này, dùng nước suối rửa sạch rồi nấu luôn ăn lấy sức. Theo các bậc cao niên, loại rau này có tính hàn, trẻ con, người già ốm dậy hoặc bị nóng trong, rôm sảy thì chỉ cần ăn bát canh rau đá là có cảm giác sảng khoái, thanh mát.
Rau đá rừng chế biến rất đơn giản, chỉ cần tuốt lấy lá non và ngọn rửa sạch, vò qua rồi thả vào nấu canh, thêm ít gia vị là có món canh với vị ngọt đậm đà tự nhiên. Có thể cho thêm thịt băm, tôm giúp tăng hương vị của món canh. Biến tấu hơn, có thể đem xào với thịt bò, trứng. Để không làm mất đi độ ngon, giòn và màu xanh của rau, chỉ cần xào tái, không nên xào kỹ.
Nếu có dịp lên Bắc Hà, du khách hãy thử một lần theo chân người dân lên rừng hái rau đá. Tối đến, cùng người dân quây quần bên mâm cơm, thưởng thức thành quả của một ngày đi rừng, nhâm nhi chén rượu ngô nồng ấm. Tất cả tuy bình dị nhưng trong đó chứa đựng tấm lòng hiếu khách của đồng bào vùng cao nơi đây.