Thương nhớ những mùa vàng

LCĐT - Khi những bông lúa ngoài ruộng đồng đã uốn câu, vàng ruộm, chợt nhớ về những mùa gặt xưa, khi còn nhỏ, đó là cả bầu trời kỷ niệm mà có lẽ đến hết cuộc đời, tôi sẽ chẳng bao giờ quên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tôi không sinh ra trong một gia đình làm nông, ông nội và bố mẹ tôi đều là công chức nhà nước, chỉ có bà tôi được chia một mảnh ruộng nhỏ nhưng sau lại cho họ hàng canh tác. Quanh nơi tôi sống, nhà nào cũng làm ruộng nên mùa gặt đến, xóm làng rộn ràng lắm. Tháng sáu, khi nắng bắt đầu đổ lửa, lũ cua đồng ngoi lên bờ, người làng lại tất bật dậy từ 3 giờ sáng. Sau khi lót dạ bằng bát cơm nguội tưới tương, họ chuẩn bị đầy đủ đòn gánh, lạt buộc, vài chai nước rồi í ới gọi nhau ra đồng. Sở dĩ phải làm việc từ 3 giờ sáng bởi nắng tháng 6 gắt lắm, cái nắng có thể khiến người nông dân choáng ngất nếu làm việc quá sức. Họ gặt từ đó cho đến 10 giờ, mặt trời bắt đầu lên cao thì ra về; buổi chiều, khi nắng dịu lại tranh thủ gặt tiếp.

Còn lũ trẻ chúng tôi lúc ấy đã được nghỉ hè, cũng theo người lớn ra đồng. Có hàng tỉ trò chơi thú vị ngoài cánh đồng bao la, bát ngát, trong đó, trò được chúng tôi thích nhất là bắt muồm muỗm về cải thiện bữa ăn. Muồm muỗm là loài côn trùng sinh sôi trên những ruộng lúa, thân chúng màu xanh có sọc nâu chạy dọc sống lưng. Khi được chế biến rang vàng với mỡ, chúng có vị béo ngậy, thơm lừng. Chờ người làng gặt hết mảnh ruộng, chỉ còn trơ gốc rạ, lũ trẻ chúng tôi bắt những con muồm muỗm đầu tiên, chẳng có cách nào để bắt được nhiều, chỉ là vồ chúng theo cảm tính.  Bắt được muồm muỗm, chúng tôi tước cỏ gianh rồi xâu từng con lại. Từ sáng sớm đến 10 giờ, mỗi đứa cũng được một xâu dài đem về cho bà rang với mỡ.

Thế rồi đến đêm, khi các nhà bận rộn tuốt lúa, anh em tôi lại tụ tập ở nhà hàng xóm, chẳng phải để giúp họ mà chỉ là thi nhau làm kèn bằng cọng lúa với lũ trẻ trong xóm. Cách làm kèn cũng rất đơn giản, chúng tôi lấy cọng trên cùng bông lúa có màu trắng, bóp dập một phần thân cạnh mấu màu xanh, sau đó thổi. Tiếng kèn phát ra âm thanh te te mà vang cả xóm. Khi những bó lúa được tuốt sạch sẽ, phân loại rơm với hạt; hạt thì được phơi ở sân nhà, còn rơm được người làng phơi ở ngoài đường. Tôi rất sợ những con đường phơi rơm vì đi xe đạp qua hay bị rơm cuốn vào trục bánh, phải mất nhiều thời gian mới gỡ hết ra được. Nhưng tôi cũng yêu những mùa rơm vì tụi trẻ xóm tôi có thể bày ra đủ trò để nghịch ngợm. Khi rơm còn chưa ngấm nắng, chúng tôi nhặt từng nắm phi vào nhau ràn rạt. Còn khi rơm đã vàng ươm, được các nhà thu thành đống chuẩn bị đem về, chúng tôi lại lộn nhào giữa những đống rơm to ấy mà nô đùa. Mỗi lần tôi lộn như thế đều bị mẹ cầm roi dọa đánh. Mẹ mắng tôi nghịch dại vì lộn rơm như thế người ngứa đỏ, đầu tóc thì đầy rơm.

Tôi ngồi đây, mường tượng về những mùa vàng xưa cũ rồi chợt nghĩ, có lẽ mùa gặt của hiện tại trôi qua yên ả lắm. Chẳng còn trò bắt muồm muỗm, lộn rơm hay làm kèn lúa, cũng phải thôi vì trẻ con bây giờ nhiều trò để chơi hơn là ra đồng cùng mẹ. Những mùa gặt ấy đã để lại cho thế hệ chúng tôi bao kỷ niệm đẹp mà tôi đọc được ở đâu đó rằng tài sản lớn nhất của đời người chính là kỷ niệm.

fb yt zl tw