Nhà máy sản xuất hàng may thêu xuất khẩu thuộc Tổng Công ty Babeeni Việt Nam tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới (thành phố Lào Cai) được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 4/2022, đã giải quyết việc làm cho 300 lao động là người địa phương và hơn 350 bà con dân tộc thiểu số làm cộng tác viên thêu tay tại các địa phương trong tỉnh Lào Cai như Sa Pa, Bảo Thắng, Bát Xát. Đây là nhà máy thứ 3 của Tổng Công ty Babeeni Việt Nam và là một trong những kết quả cụ thể của tỉnh Lào Cai trong nỗ lực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bền vững, công nghiệp “xanh”.
Các sản phẩm của nhà máy tạo ra thân thiện với môi trường, bởi từ nguyên liệu cho đến quá trình hoàn thiện các sản phẩm được thực hiện do những đôi tay khéo léo của phụ nữ địa phương. Nhờ đảm bảo tiêu chí khắt khe về môi trường, sản phẩm đã chinh phục được thị trường khó tính như Âu, Mỹ. Trung bình mỗi năm, nhà máy sản xuất và xuất khẩu trên 500.000 sản phẩm (chủ yếu quần áo trẻ em).
Tương tự, Nhà máy chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương thuộc Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu được đầu tư 32 tỷ đồng đi vào hoạt động từ tháng 4/2021, với sản phẩm sản xuất chủ yếu là dứa hộp phục vụ xuất khẩu sang thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ và các nước Đông Âu.
Hiện nay, thị trường các sản phẩm của nhà máy khá tốt, cộng với nguồn nguyên liệu dồi dào, Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu đang có kế hoạch đầu tư 58 tỷ đồng đầu tư xây dựng dây chuyền chuối sấy dẻo, chế biến ngô ngọt, nước ép hoa quả và riêng dây chuyền chuối sấy dẻo có thể tiêu thụ khoảng 50 - 60 tấn chuối quả/ngày.
Theo lãnh đạo công ty, với việc đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy và khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết thêm khoảng 220 lao động là người dân địa phương, giúp nông dân tiêu thụ ổn định nông sản.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong xúc tiến thu hút đầu tư, tỉnh đã định hướng, lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, đồng thời khuyến khích triển khai các dự án đầu tư mới có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng và thay thế, loại bỏ dần các trang - thiết bị hiệu suất thấp, lạc hậu nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên, vật liệu.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường ở Khu Công nghiệp Tằng Loỏng và hiện nay mức độ tuân thủ quy định môi trường của doanh nghiệp, nhất là quy định về xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn được doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện khá tốt. Lào Cai đang tích cực xanh hóa khu công nghiệp, với mục tiêu mỗi năm có thêm hàng nghìn cây xanh được trồng mới.
Có thể thấy, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã và đang thu hút đầu tư mạnh ở các lĩnh vực, nhưng quan điểm xuyên suốt của tỉnh vẫn là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Do đó, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp luyện kim màu (đồng, sắt sợi); chế tạo linh kiện điện tử - thiết bị điện tử; chế biến sâu quặng apatit (axit nhiệt, phốt pho đỏ); điện sinh khối; chế biến dược liệu, nông sản; dịch vụ logistics; kinh tế thương mại - du lịch... đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình quản lý, vận hành tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.