Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 tại Bangkok (Thái Lan)và toàn bộ châu Âu dỡ bỏ hạn chế phòng dịch COVID-19 là hai sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30
Ngày 26/10, hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 30 đã khai mạc tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai.
Các trưởng đoàn dự APPF lần thứ 30 chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. |
Hội nghị có sự tham dự của trên 300 đại biểu đến từ 22 cơ quan lập pháp thành viên cùng đại diện các tổ chức quốc tế. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Đây cũng là lần thứ hai Quốc hội Thái Lan đăng cai hội nghị quan trọng này, sau hội nghị lần thứ 4 vào năm 1996.
Với chủ đề “Nghị viện và Phát triển bền vững hậu đại dịch COVID-19”, các nghị viện thành viên APPF đều có chung nhận thức rằng đại dịch COVID-19 đã tác động vượt xa một cuộc khủng hoảng y tế. COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hầu khắp mọi khía cạnh của cuộc sống người dân, cản trở nghiêm trọng tới việc đạt được Các mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) trong những năm còn lại của “Thập kỷ Hành động” của Liên hợp quốc. Hội nghị APPF năm nay đặt mục tiêu cải thiện quan hệ hợp tác và cam kết xây dựng lại một khu vực bền vững hơn bằng cách tập trung vào sự phục hồi cân bằng, bền vững và hướng tới con người.
Trong khuôn khổ hội nghị từ ngày 26 đến 28/10, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung chính. Thứ nhất là các vấn đề chính trị và an ninh, trong đó bàn về việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì an ninh khu vực, tăng cường an ninh mạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nghị viện, quá trình phục hồi bền vững hậu COVID-19 nhằm thúc đẩy dân chủ, hoà bình và an ninh.
Thứ hai là các vấn đề kinh tế và thương mại. Trong đó, các đại biểu sẽ thảo luận việc thúc đẩy đa dạng hoá sinh học và kinh tế xanh vì phát triển bao trùm, tăng cường tính kết nối và nâng cao kinh tế số tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thứ hai là vấn đề hợp tác khu vực tại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó các đại biểu thảo luận làm rõ vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu trung hoà carbon, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng với chăm sóc sức khỏe ban đầu và thúc đẩy du lịch khu vực và hiểu biết về đa dạng văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai phát biểu khai mạc hội nghị APPF lần thứ 30. |
Bên cạnh đó, cuộc họp của các nữ nghị sĩ APPF cũng được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị với 2 nội dung thảo luận chính là thúc đẩy quyền cho phụ nữ để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai và đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ vào quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Theo tờ Phnom Penh Post, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin nhận định APPF đã và đang đóng vai trò quan trọng góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tiến bộ và thịnh vượng cho người dân trong khu vực và trên toàn thế giới. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức như căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế, đe dọa an ninh, xung đột Ukraine, ông Heng Samrin cũng kêu gọi các Nghị viện thành viên tất cả các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, để thúc đẩy dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Toàn bộ châu Âu dỡ bỏ hạn chế phòng dịch COVID-19
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở Madrid, Tây Ban Nha hồi tháng 12/2021. |
Tây Ban Nha là đất nước cuối cùng ở châu Âu chính thức dỡ bỏ các quy định phòng dịch COVID-19.
Từ ngày 21/10, du khách nhập cảnh Tây Ban Nha bao gồm công dân Liên minh châu Âu (EU) và ngoài khối EU không cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19. Các quy định xét nghiệm nhanh, điền thông tin tờ khai sức khỏe trước chuyến đi cũng được loại bỏ.
Theo Euronews.com, ngoài ra, quy định đeo khẩu trang tại nhà hàng, quán bar, bảo tàng, rạp chiếu phim... cũng không còn bắt buộc. Tuy nhiên, du khách vẫn phải đeo khẩu trang khi đến các cơ sở y tế và khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các quy tắc có thể khác nhau theo từng khu vực. Do đó, du khách được khuyến cáo nên tự tra cứu các yêu cầu theo vùng dự định đến để tránh các khoản phạt không đáng có.
Tháng trước, Tây Ban Nha đã áp dụng các quy định nhập cảnh mới này đối với du khách đến từ EU hoặc khu vực Schengen. Nhiều người cho rằng phải đến tháng 11, nước này mới dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản du lịch. Tuy nhiên, quốc gia này đã thực hiện sớm hơn dự kiến.
Song dù châu Âu đã hoàn toàn dỡ bỏ hạn chế phòng dịch thì hiện nay, nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới vẫn còn một số quy định phòng dịch với khách quốc tế. Chẳng hạn, Mỹ vẫn yêu cầu du khách 18 tuổi trở lên phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng khi nhập cảnh. Nhật Bản và Singapore cũng yêu cầu khách nhập cảnh phải có giấy tờ này. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa có động thái mở cửa du lịch trở lại.
Theo trang worldometers.info, tính đến ngày 29/10, thế giới đã ghi nhận tổng số 635,1 triệu ca nhiễm và trên 6,5 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong đó, Đức là quốc gia ghi nhận thêm số ca nhiễm mới nhiều nhất trong vòng 24giờ qua, với 47.718 ca nhiễm mới. Ghi nhận thêm 223 ca tử vong trong ngày qua, Mỹ là quốc gia có thêm nhiều ca tử vong do COVID-19 nhất trên thế giới.
Vào tuần trước, cơ quan Quản lý Y tế Mỹ ước tính 2 chủng phụ của biến thể Omicron là BQ.1 và BQ.1.1 – chiếm 16,6% các ca nhiễm ở nước này – đã tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Giới chuyên gia nhận định hai biến thể này sẽ thống trị châu Âu trong một tháng tới.
Dù vậy, theo phân tích của Đại học Washington (Mỹ), số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu hằng ngày dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn - từ mức 16,7 triệu ca/ngày lên mức 18,7 triệu ca/ngày vào tháng 2/2023, khi Bắc bán cầu bước vào mùa Đông. Tại Mỹ, Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington ước tính số các ca nhiễm hàng ngày ở nước này sẽ tăng thêm 1/3 lên hơn 1 triệu ca, do học sinh quay trở lại trường học và các cuộc tụ tập trong nhà gia tăng khi thời tiết lạnh hơn.