Cụ thể, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 7 đã tăng từ 73 tỷ USD trong tháng 6 lên 78,8 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 5/2022. Kim ngạch nhập khẩu tăng 2,1% lên 345,4 tỷ USD, chủ yếu là do việc nhập các mặt hàng như linh kiện máy tính và vật tư công nghiệp. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ 0,5% lên 266,6 tỷ USD.
Nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ vẫn được duy trì bất chấp ngân hàng trung ương tăng lãi suất cho vay trong những năm gần đây để đối phó với lạm phát. Các hộ gia đình vẫn tiếp tục chi tiêu do thị trường việc làm mạnh mẽ.
Ông Thomas Ryan, nhà kinh tế học tại Capital Economics, nhấn mạnh: "Dữ liệu thương mại tháng 7 cho thấy thương mại ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III". Tuy nhiên, theo ông, điều này sẽ không gây lo ngại, trái lại sẽ cho thấy bức tranh tốt hơn về nhu cầu trong nước so với những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Theo giới phân tích, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) nhiều khả năng giảm lãi suất vào cuối tháng này có thể là động lực thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế đầu tàu thế giới. Trước đó, các nhà kinh tế cho rằng xuất khẩu có thể gặp khó khăn hơn do nhu cầu toàn cầu yếu và đồng USD mạnh.