Thái Lan công bố lệnh hạn chế biên giới mới với Campuchia

Thái Lan công bố một loạt biện pháp an ninh và thương mại, bao gồm lệnh hạn chế biến giới với Campuchia, trong nỗ lực triệt phá các đường dây lừa đảo xuyên biên giới.
Phát biểu trước báo giới ngày 23/6 sau cuộc họp với các cơ quan an ninh và quan chức chính phủ, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết Bangkok sẽ hạn chế các hoạt động qua lại biên giới tại 7 tỉnh giáp Campuchia, đồng thời dừng xuất khẩu một số mặt hàng như nhiên liệu, vốn bị lợi dụng để phục vụ các hoạt động tội phạm xuyên biên giới.
Bà cũng tuyên bố Thái Lan sẽ phối hợp với các chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế để triệt phá các trung tâm tội phạm được ước tính mang lại hơn 16,3 tỷ USD mỗi năm.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Thái Lan và Campuchia đang căng thẳng vì vấn đề tranh chấp biên giới và vụ việc cuộc điện đàm giữa bà Paetongtarn và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen bị rò rỉ.
Kể từ đó, bà Paetongtarn cam kết sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Campuchia trong vấn đề biên giới.
Căng thẳng giữa hai nước gia tăng khi cả Thái Lan và Campuchia đều có các động thái đáp trả lẫn nhau, siết chặt thương mại và hạn chế đi lại kể từ sau vụ đấu súng giữa binh sĩ hai bên hồi tháng 5.
Ngày 23/6, Campuchia thông báo ngừng nhập khẩu xăng dầu từ Thái Lan sau khi quân đội Thái Lan đóng cửa một cửa khẩu biên giới.
Các biện pháp nhắm vào các trung tâm lừa đảo cũng tương tự những gì Thái Lan từng áp dụng hồi đầu năm 2025, khi nước này cắt điện, ngắt internet và ngừng cung cấp nhiên liệu cho một số khu vực ở Myanmar bị nghi ngờ là nơi trú ẩn của các hang ổ lừa đảo qua mạng.
Trước đó, Thái Lan và Campuchia từng phối hợp triệt phá một trung tâm lừa đảo đặt tại thành phố Poipet, nơi giam giữ hàng trăm lao động nước ngoài là nạn nhân của buôn người.
Tại một số quốc gia Đông Nam Á, các đường dây lừa đảo qua mạng trị giá hàng tỷ USD đang không ngừng mở rộng. Nhiều tổ chức trong số này do các đối tượng truy nã người Trung Quốc điều hành sau khi bỏ trốn khỏi nước họ.
Đầu năm 2025, hàng nghìn lao động bị cưỡng ép đã được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar trong một chiến dịch truy quét quy mô lớn có sự phối hợp của nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chiến dịch trấn áp đường dây lừa đảo, Thái Lan sẽ cấm du khách nước ngoài đi qua biên giới sang Campuchia và hạn chế các chuyến bay tới Siem Reap nhằm mục đích đánh bạc, bà Paetongtarn cho biết thêm.
Các cơ quan thực thi pháp luật Thái Lan cũng sẽ tăng cường kiểm tra các tài khoản ngân hàng đứng tên người khác và các giao dịch tài chính liên quan đến các băng nhóm lừa đảo qua điện thoại.
Ngoài ra, Thái Lan cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những đối tượng tội phạm xuyên quốc gia có hoạt động rửa tiền, bao gồm tịch thu hoặc phong tỏa tài sản mà họ chuyển ra nước ngoài.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông Campuchia Chea Vandeth ngày 24/6 khẳng định lập trường cứng rắn của Phnom Penh trong cuộc chiến chống tội phạm mạng.
"Chính phủ Campuchia luôn cam kết với các giá trị liêm chính, minh bạch và tuân thủ pháp luật cũng như các chuẩn mực quốc tế", ông Vandeth nhấn mạnh. 
Ông cho biết nỗ lực chống tội phạm mạng của Campuchia là một quá trình liên tục và đang được mở rộng. Hồi ngày 20/2, chính phủ nước này đã thành lập Ủy ban Chống Lừa đảo Trực tuyến, một lực lượng đặc nhiệm cấp cao do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu. Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng và triển khai chiến lược toàn diện nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và truy quét các hoạt động lừa đảo trên mạng và các hình thức buôn người hiện đại liên quan đến tội phạm công nghệ.
Vì tính chất xuyên quốc gia của loại tội phạm này, ông cho rằng việc đối phó hiệu quả đòi hỏi sự hợp tác bền vững giữa các chính phủ và đối tác quốc tế.
(Theo Dân trí)

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lào chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa lũ 2025

Lào chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa lũ 2025

Chủ động ứng phó với lũ lụt, kịp thời hỗ trợ, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, điều tiết xả lũ… là các biện pháp đang được Lào chủ động thực hiện nhằm đảm bảo phòng chống, ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả mùa mưa lũ.

EU thảo luận vấn đề Ukraine, đàm phán thương mại với Mỹ và xung đột ở Trung Đông

EU thảo luận vấn đề Ukraine, đàm phán thương mại với Mỹ và xung đột ở Trung Đông

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) diễn ra từ ngày 26 - 27/6, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về việc tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, đàm phán thương mại với Mỹ nhằm tránh nguy cơ bị áp thuế cao và ứng phó với tình hình nhân đạo ngày càng nghiêm trọng tại Dải Gaza.

UAV Shahed trong khu trưng bày.

Câu trả lời của Ukraine cho làn sóng tấn công bằng UAV Shahed Nga

Để đối phó với làn sóng tấn công trên không của Nga, Ukraine cần tập trung vào 3 ưu tiên: mở rộng các trung tâm đào tạo phi công UAV đánh chặn, tài trợ cho các dự án phát triển máy bay không người lái (UAV) nội địa thế hệ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn bộ ngành công nghiệp UAV quốc gia.
Cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Tòa án Hiến pháp ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/1/2025. Ảnh tư liệu

Công tố viên đặc biệt xin lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol

Ngày 24/6, Công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc, do ông Cho Eun Suk đứng đầu, đã đệ đơn xin lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol lên Tòa án Trung tâm Seoul, với lý do ông đã từ chối 3 lệnh triệu tập của cảnh sát liên quan đến các cáo buộc về việc tuyên bố thiết quân luật ngày 3/12/2024.
fb yt zl tw