Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trên cơ sở chủ trương, định hướng của Chính phủ, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tăng cường quản lý nhà nước về các lĩnh vực đầu tư; rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, chủ động xây dựng danh mục các dự án ưu tiên vận động, thu hút đầu tư vào địa bàn phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển của tỉnh.
Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”, tỉnh Lào Cai luôn nỗ lực củng cố môi trường đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh. Theo kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hằng năm cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh của Lào Cai trong những năm qua luôn thuộc tốp cao, điểm số PCI của Lào Cai trong 10 năm qua luôn duy trì ở mức cao. Tháng 4/2023, tại Lễ công bố của VCCI, Chỉ số PCI tỉnh Lào Cai đạt 68,20 điểm, tăng 3,27 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 64,93 điểm), xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố (tăng 14 bậc so năm 2021). Tính riêng ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Lào Cai xếp thứ 3 sau Bắc Giang (xếp thứ 2/63) và Vĩnh Phúc (xếp thứ 8/63). Kết quả xếp hạng PCI của tỉnh Lào Cai được cải thiện, điều này phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp dành cho tỉnh Lào Cai trong công tác điều hành, tạo lập môi trường, chính sách thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp năm 2022.
Lào Cai hiện là nơi dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư lớn có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn Bitexco, Tập đoàn TNG, Tập đoàn CĐ, Công ty Cổ phần Sản xuất xuất - nhập khẩu Phú Hưng, Công ty Cổ phần KOSY...
Giá trị các dự án mà các nhà đầu tư đăng ký tại tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2020 - 2030 đạt 125.000 tỷ đồng. Các dự án được đăng ký đầu tư tập trung vào các thế mạnh của tỉnh như kinh tế cửa khẩu, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp đặc hữu...
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 685,818 triệu USD. Các dự án tập trung trên các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ.
Giai đoạn 2010 - 2022, tỉnh Lào Cai phê duyệt cấp phép đầu tư cho 492 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký 73.986 tỷ đồng (tương đương 3,343 tỷ USD). Riêng đối với du lịch Lào Cai đã thu hút hơn 40 dự án đầu tư quy mô lớn, với tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí cao cấp, trung tâm thương mại.
Ông Đỗ Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chợ phía Bắc (đại diện chủ đầu tư Dự án Chợ trung tâm Bát Xát) cho biết: Cũng như nhiều nhà đầu tư khác, chúng tôi nhận thấy Lào Cai có môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục nhanh chóng và thông thoáng, lại có nhiều lợi thế du lịch, có cửa khẩu, hạ tầng giao thông được đầu tư lớn. Với sức hút mạnh mẽ như vậy, công ty chọn Lào Cai để đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án Chợ trung tâm Bát Xát, được chính quyền tỉnh Lào Cai, huyện Bát Xát và các sở, ban, ngành của tỉnh tích cực hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan. Vì vậy, tiến độ thực hiện dự án đảm bảo kế hoạch, phấn đấu đưa dự án vào hoạt động đầu quý III/2023.
Cũng như nhiều nhà đầu tư khác, chúng tôi nhận thấy Lào Cai có môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục nhanh chóng và thông thoáng, lại có nhiều lợi thế du lịch, có cửa khẩu, hạ tầng giao thông được đầu tư lớn.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai Nguyễn Việt Cường, để tạo sức bật mới trong thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, như đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, công khai hóa thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế đầu tư, thủ tục giao đất, giới thiệu địa điểm, đăng ký kinh doanh một cửa liên thông, đẩy mạnh việc quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh vận hành hiệu quả Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Về lĩnh vực ưu tiên đầu tư, thời gian tới, tỉnh Lào Cai chú trọng xây dựng hạ tầng, tạo động lực thu hút đầu tư, gồm đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giao thông đường bộ và cấp điện. Trong đó, tập trung đầu tư tăng tốc hạ tầng cụm công nghiệp Bát Xát và Thống Nhất, xây dựng cầu Bá Sái, cầu Phú Thịnh, đường Kim Thành - Ngòi Phát, đầu tư xây dựng các khu đô thị mới của thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà...
Tỉnh sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường; ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, lĩnh vực du lịch; sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, nuôi thủy sản; khai thác, chế biến sâu khoáng sản…