Đây còn là điều kiện để nhiều địa phương trong cả nước thực hiện các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719).
Hiện nay, nhu cầu phát triển kinh tế từ sản xuất lâm nghiệp của người dân trên địa bàn các huyện miền núi, vùng cao rất lớn. Song do người dân chưa được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên mục tiêu phát triển kinh tế từ lâm nghiệp khó thực hiện. Tại huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), để thụ hưởng chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo từ các chương trình mục tiêu quốc gia, người dân phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đủ điều kiện hỗ trợ.
Theo ông Phạm Văn Hòa - Phó phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn, năm 2022 toàn huyện được bố trí hơn 51 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã chi khoảng 20 tỷ đồng cho khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng đã giao cho người dân quản lý. Năm 2023, theo kế hoạch, huyện được bố trí hơn 44 tỷ đồng để thực hiện, nhưng vì người dân chưa được giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã dẫn đến tình trạng không thể chi hết kinh phí đã được phân bổ. Đối với đồng bào vùng biên giới Kỳ Sơn, chỉ khi nào được giao đất, giao rừng thì cuộc sống người dân mới ổn định và phát triển bền vững.
Còn tại tỉnh Lào Cai, theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, đối với nội dung hỗ trợ nhà ở, theo quy định tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu đối tượng được hỗ trợ cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các huyện còn rất chậm, nhiều hộ là đối tượng được thụ hưởng chính sách nhưng chưa có sổ đỏ, dẫn tới việc chưa thể nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, đối với đất ở, đất sản xuất hiện phụ thuộc vào quỹ đất của địa phương, trong khi các địa phương lại không còn quỹ đất.
Ông Nông Đức Ngọc - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, nguyên nhân do cấp huyện, xã chưa chủ động trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch điểm dân cư để tạo quỹ đất thực hiện. Còn đối với Dự án 2 về “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”, việc giải ngân thực hiện dự án này cũng gặp khó do các địa phương không có quỹ đất để bố trí sắp xếp dân cư cho các hộ có nhu cầu di chuyển.
“Khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm của cấp huyện và cấp xã đang gặp phải hiện nay tại Dự án 1, Dự án 2 là không còn quỹ đất công; quy định đối tượng được hỗ trợ phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch bố trí dân cư. Đây là nút thắt để giải bài toán này, có như vậy mới tạo được quỹ đất để thực hiện” - ông Ngọc cho hay.
Cũng giống như nhiều địa phương khác, để đạt được mục tiêu mà Chương trình MTQG 1719 đề ra, hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang gặp phải một số khó khăn. Tuy nhiên, để giải quyết các nhu cầu cấp bách trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất ở địa bàn “lõi nghèo”.
Ông Hoàng Anh - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đối với đất ở, UBND tỉnh đã chỉ đạo những nơi có điều kiện về đất đai, các địa phương khẩn trương cải tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật, cấp đất ở cho hộ có nhu cầu. Ở các địa bàn không có điều kiện về đất đai thì phải sắp xếp, bố trí cho người dân ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép hoặc chia tách, hợp thức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đảm bảo theo quy định và phù hợp với thực tế của địa phương.
Riêng đối với hỗ trợ đất sản xuất, do tỉnh không còn quỹ đất để giao trực tiếp cho các hộ thuộc đối tượng được cấp nên tỉnh sẽ thực hiện bằng các hình thức khác thay thế là hỗ trợ đào tạo nghề và vay vốn tín dụng ưu đãi. Cùng với giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, tỉnh Vĩnh Phúc cũng quyết liệt triển khai các dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719 để tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh…