Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về "tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới" và Chỉ thị 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 về "tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới".
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các cấp phối hợp thực hiện tốt chương trình phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục, trường học và phụ huynh.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát các trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, điểm b khoản 6 Điều 4 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (phải có phương án kiểm soát đảm bảo không còn hành khách trên xe, người lái xe kinh doanh vận tải hành khách sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách trên xe). Mỗi xe phải bố trí ít nhất 1 quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, bảo đảm an toàn trong suốt chuyến đi; lái xe, quản lý trẻ em mẫu giáo, học sinh phải được tập huấn để nắm vững, thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em, học sinh; bố trí điểm dừng đón, trả tại khu vực cơ sở giáo dục, trường học và các điểm trên lộ trình đưa đón bảo đảm an toàn giao thông.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng ngành giao thông vận tải và cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục, trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh. Trong đó, yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn có sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh đến trường thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng của học sinh khi lên xe và rời xe; phối hợp với hội phụ huynh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái xe, tuyệt đối không hợp đồng vận chuyển đưa đón học sinh đối với các đơn vị vận tải không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe tô tô; trên xe cần phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô.
Đối với các cơ sở giáo dục, trường học sử dụng dịch vụ đưa đón trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có uy tín, chất lượng, thực hiện nghiêm quy định về yêu cầu kỹ thuật, quy trình đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh. Cần có giải pháp tăng cường ứng dụng các giải pháp về công nghệ thông tin trong quản lý học sinh trong quá trình đưa đón từ nhà đến trường và gia đình đối với lứa tuổi học sinh mầm non.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón trẻ em mẫu giáo, học sinh bằng xe ô tô.