Dự hội nghị có đại diện một số sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện Hiệp hội giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, đại lý kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có sản phẩm lưu hành trên địa bàn Lào Cai; đại diện một số xã vùng cao, biên giới có chợ phiên.
Năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây nông nghiệp toàn tỉnh là hơn 103.000 ha, trong đó diện tích một số cây trồng chính gồm: Cây lúa 33.318 ha, cây ngô 32.494 ha, cây chè 8.400 ha, cây rau các loại 15.000 ha, cây ăn quả ôn đới 4.190 ha, cây dứa 2.200 ha, chuối 3.380 ha, hoa 340 ha, dược liệu 3.800 ha
Nhu cầu về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất rất lớn. Về giống: Cần khoảng 1.500 tấn thóc, 650 tấn ngô, 50 vạn cây giống chuối, 6,3 triệu chồi dứa, 19 triệu bầu chè, dược liệu 55,58 triệu cây giống, cây ăn quả ôn đới cần 15 vạn cây giống các loại. Tổng lượng phân bón cho nhu cầu sử dụng hằng năm khoảng 278.217 tấn; lượng thuốc bảo vệ thực vật khoảng 158,5 tấn.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 153 tổ chức, cá nhân sản xuất cung ứng kinh doanh giống nông nghiệp; 7 công ty sản xuất và 356 cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón; 284 cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đủ điều kiện theo quy định.
Để quản lý tốt các mặt hàng vật tư nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý tại địa phương và cơ sở; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật. Về cơ bản, hiện nay công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo cung ứng đủ mặt hàng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu sản xuất.
Tuy nhiên, việc quản lý giống cây trồng, vật tư nông nghiệp và công tác bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Có quá nhiều chủng loại giống trong sản xuất, cùng 1 loại giống cây trồng nhưng nhiều đơn vị sản xuất, việc cung ứng gây khó khăn cho quản lý chất lượng, nguồn gốc giống. Một số giống cây trồng khác (giống cây cảnh, giống nấm ăn, giống dược liệu) chưa được các địa phương quan tâm, quản lý chặt chẽ...
Tình trạng buôn bán, sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở một số địa phương, đặc biệt là tại các chợ phiên ở các huyện biên giới vẫn diễn ra. Một số loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên sử dụng trên các cây trồng chủ lực của tỉnh (sử dụng cho cây chuối, dứa, quế...) còn quá ít dẫn đến tình trạng người dân nhập lậu các loại thuốc về để sử dụng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Một số nơi vẫn còn lạm dụng phân bón vô cơ...
Đối với công tác bảo vệ thực vật, hoạt động điều tra định kỳ được duy trì không đều và không đầy đủ trên các loại cây trồng, chủ yếu thực hiện trên cây lương thực (lúa). Vì vậy, việc điều tra, phát hiện và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại đôi khi còn chậm, chưa kịp thời.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những tồn tại, hạn chế; bàn giải pháp phối hợp giữa các ngành, các địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp; khắc phục những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đưa ra công tác dự tính, dự báo và biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng có hiệu quả...