Người phát ngôn Bộ Dầu mỏ Iraq Asim Jihad thông báo, quốc gia Trung Đông này đã mua các sản phẩm dầu mỏ, như xăng cải tiến (xăng pha chế), từ thị trường quốc tế để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước.
Ông Asim Jihad nói: "Vào năm 2024, Iraq sẽ dựa vào sản xuất trong nước nhiều hơn. Và sau khi một số nhà máy lọc dầu bắt đầu sản xuất, khối lượng sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu sẽ giảm cho đến khi ngừng hoàn toàn".
Vào tháng 10/2023, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani cho biết, chính quyền nước này đã đặt ra thời hạn là tháng 1/2024 để các công ty năng lượng quốc tế nộp thư bày tỏ ý định chính thức nhằm tham gia các vòng cấp phép mới.
Trước đó, Thủ tướng Al Sudani tuyên bố, Chính phủ Iraq đang nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy lọc dầu trên cả nước, qua đó loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ.
Mặc dù có trữ lượng dầu khí khổng lồ, Iraq, nước sản xuất dầu lớn thứ năm thế giới, vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa. Nhiều thập kỷ xung đột quân sự tàn phá, cơ sở hạ tầng xuống cấp và nạn tham nhũng tràn lan trong nước đã cản trở những nỗ lực tái thiết tại nước này.
Đầu tuần qua, các cơ quan năng lượng Iraq đã báo cáo doanh thu từ dầu mỏ đạt hơn 97 tỷ USD vào năm 2023, giảm so với mức kỷ lục 115 tỷ USD của năm 2022.
Iraq đã bán được hơn 108 triệu thùng dầu chỉ trong tháng 12/203, trung bình 3,4 triệu thùng mỗi ngày, với mức giá khoảng 77 USD/thùng. Doanh số bán dầu mang lại tổng doanh thu 8,3 triệu USD trong tháng cuối cùng của năm 2023.