Sức hút từ du lịch sáng tạo

Thay vì chỉ tham gia các hoạt động trải nghiệm “cho vui”, khách du lịch trải nghiệm có chiều sâu, học hỏi những kỹ năng, kiến thức cùng cư dân bản địa, cùng sáng tạo các sản phẩm với cư dân, nghệ sĩ, nghệ nhân địa phương. Du lịch sáng tạo tạo ra sức hút, động lực phát triển mới cho ngành du lịch và khẳng định bản sắc văn hóa của các địa phương. Đây vừa là xu hướng mới, vừa là giải pháp mà các địa phương cần triển khai, nhân rộng.

Không gian sáng tạo Phát Studio thu hút khách du lịch bởi những sáng tạo nghệ thuật mang đậm chất làng quê.
Không gian sáng tạo Phát Studio thu hút khách du lịch bởi những sáng tạo nghệ thuật mang đậm chất làng quê.

Nếu như trước đây, đến làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), khách du lịch thường tham quan đình làng, nhà thờ, một số ngôi nhà cổ, ăn trưa rồi trở về thì bây giờ, có nhiều yếu tố “giữ chân” du khách.

Khách du lịch thành người đồng sáng tạo

Một trong những địa chỉ đó là Phát Studio. Nằm trong một con ngõ nhỏ ở làng cổ, Phát Studio chưa bao giờ hết “sức nóng”. Đây không chỉ là nơi nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sáng tác ra những sản phẩm, mà còn là không gian dành cho khách du lịch học hỏi, trải nghiệm và sáng tạo.

Tiếp nối thành công của nghệ thuật sơn mài, Nguyễn Tấn Phát cho ra một “dòng” trải nghiệm sáng tạo mới, đó là làm những con vật, hay đồ vật từ rơm rạ. Việt Nam là đất nước của nông nghiệp lúa nước cho nên việc sử dụng rơm rạ để làm sản phẩm đậm chất quê được khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế “thích mê”.

Tới đây, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát dự kiến sẽ cho ra mắt dòng sản phẩm trải nghiệm sáng tạo mới sử dụng chất liệu đá ong gắn với đặc trưng văn hóa xứ Đoài.

Bên cạnh Phát Studio, khách du lịch rất dễ “quên thời gian” khi ghé chân Đoài Creative. Đoài Creative “ghi dấu” bằng cách tạo cho khách du lịch sáng tạo những bức tranh vẽ, tranh đất nặn trên những viên ngói cổ. Nhưng hiện giờ, đến Đoài Creative, khách du lịch còn được tham gia các hoạt động thú vị khác, như nặn, vẽ trên chất liệu gỗ, tự tay làm tranh khắc gỗ, làm đèn lồng… Vật liệu cho khách thực hành cũng khiến người ta bất ngờ khi khách có thể được vẽ lên những chiếc mâm gỗ, làm những chiếc đèn trang trí bằng giấy giang dán từ… rọ lợn, bu gà...

Người sáng lập Đoài Creative, Khuất Quang Thắng cho biết: “Đoài Creative luôn đề cao việc hướng dẫn khách du lịch có những hoạt động sáng tạo mang tính cá nhân khi tham gia các hoạt động tại đây. Nhưng tất cả đều trên nền khai thác giá trị văn hóa làng quê, văn hóa xứ Đoài”.

Giống như tại Phát Studio, với Đoài Creative, sau quá trình sáng tạo, khách du lịch được cầm sản phẩm của chính mình đem về. Đường Lâm hiện không chỉ giữ chân khách hết ngày, mà còn giữ khách qua đêm. Nhiều buổi sáng, dễ dàng bắt gặp du khách nước ngoài vác cuốc ra đồng, trải nghiệm làm nông dân...

Những năm gần đây, du lịch trải nghiệm ngày một phát triển khi những giá trị văn hóa, cuộc sống của cư dân bản địa được đưa vào khai thác, tạo ra tính tương tác giữa khách du lịch. Du lịch sáng tạo có sự tương đồng với du lịch trải nghiệm là sự tương tác, nhưng nâng hoạt động trải nghiệm lên một tầm cao mới.

Theo Tiến sĩ Đào Minh Ngọc (Khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế quốc dân), du lịch sáng tạo nhấn mạnh sự kết nối, tương tác giữa khách du lịch với thiên nhiên, văn hóa và cư dân bản địa. Du khách có cơ hội hiểu biết và trải nghiệm thực tế sâu sắc về truyền thống, lối sống, phong tục, tập quán, nghệ thuật địa phương... đồng thời được khuyến khích tham gia sáng tạo, trao đổi kiến thức và văn hóa. Khoảng mười năm trước, du lịch sáng tạo đã được đề cập tại Việt Nam. Song, phải đến khi du lịch bước vào phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tạo ra các trải nghiệm có chiều sâu, tạo ra bản sắc riêng, không trùng lặp khiến du lịch sáng tạo mới thật sự phát triển, nhất là ở khối nghề truyền thống, làng cổ, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn…

Du lịch sáng tạo tạo ra sức hút, động lực phát triển mới cho ngành du lịch và khẳng định bản sắc văn hóa của các địa phương. Đây vừa là xu hướng mới, vừa là giải pháp mà các địa phương cần triển khai, nhân rộng.

Các địa chỉ du lịch lớn, vốn là trung tâm của hoạt động du lịch hiện cũng chuyển mình cùng sáng tạo. Đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhiều người cảm thấy bất ngờ khi tại đây có một không gian riêng tổ chức hoạt động trải nghiệm - sáng tạo dành cho khách tham quan.

Nhiều hoạt động được luân phiên tổ chức như: Vẽ tranh màu nước, in tranh lưới, tranh khắc cao su, tranh sơn mài… Với sự hướng dẫn của các nghệ nhân, nghệ sĩ..., khách du lịch được tìm hiểu, học hỏi về một số loại hình mỹ thuật, sau đó thử sức. Với sơn mài, các nghệ sĩ cũng chuẩn bị sẵn các loại “vóc” và hướng dẫn khách làm công việc của một nghệ sĩ, nghệ nhân sơn mài. Tương tự, khách du lịch có thể tự tạo cho mình một bức tranh khắc gỗ.

Chị Lan Hương, một khách du lịch chia sẻ: “Tôi và gia đình đã dành cả buổi để “thử sức” với tranh sơn mài. Trước đây, không dễ thuyết phục để tôi treo một sản phẩm sơn mài. Nhưng đây là sản phẩm “của tôi” nên tôi rất thích”. Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn Miếu-Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Với định hướng đưa Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo, chúng tôi đã phối hợp nhiều tổ chức như: Câu lạc bộ màu nước Hà Nội, Nhau Studio, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội... triển khai các hoạt động sáng tạo cho du khách. Các hoạt động thường gắn với khai thác giá trị di sản Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Khách du lịch nói chung, đặc biệt là khách quốc tế và các bạn trẻ rất thích thú khi tự mình làm những tác phẩm và đem về. Đó là cách thức quảng bá bền vững, kéo dài thời gian tham quan, tạo giá trị gia tăng tại di tích”.

Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, hiện cũng là nơi các khu du lịch sáng tạo diễn ra sôi động tại hàng loạt không gian sáng tạo như: Magic of Color (75 phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) với các sản phẩm lấy cảm hứng từ tranh dân gian; Indigo Store (phố Văn Miếu, quận Đống Đa) chuyên về nhuộm thủ công; Vụn Art (Vạn Phúc, quận Hà Đông) với các sản phẩm từ lụa tơ tằm vụn…

Tại các làng nghề: gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất), sơn mài Hạ Thái (huyện Chương Mỹ), tò he Phượng Dực (huyện Phú Xuyên)… các cơ sở cũng chuyển mình từ trải nghiệm “làm cho vui”, sang trải nghiệm sáng tạo có chiều sâu.

Một địa chỉ không gian sáng tạo khá nổi tiếng là Zó Project không chỉ có workshop cho khách làm sản phẩm từ giấy dó mà còn tổ chức cả tour đi một số địa danh trồng dó, ngắm hoa dó, tìm hiểu kỹ hơn các công đoạn làm giấy dó. Một lĩnh vực tưởng chừng “kén khách” như nhuộm, in, vẽ vải lanh…, nhưng tại Indigo Store, nhiều khách du lịch quốc tế tìm đến học hỏi, thực hành dài ngày. Khi tham gia vào hoạt động sáng tạo, thời gian lưu trú của khách du lịch tất yếu tăng lên, gia tăng các hoạt động chi tiêu.

Các nghệ sĩ cùng khách tham quan làm tác phẩm sơn mài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Các nghệ sĩ cùng khách tham quan làm tác phẩm sơn mài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tích hợp cùng xây dựng thành phố sáng tạo

Việt Nam hiện đã có nhiều mô hình, sản phẩm du lịch sáng tạo được hình thành và phát triển tại một số địa phương. Thí dụ như Hội An (tỉnh Quảng Nam), vấn đề hay bị ngập lụt được khai thác thành tour du lịch “Hội An mùa nước nổi” được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Song, Hà Nội vẫn là nơi nở rộ hoạt động du lịch sáng tạo nhất.

Thạc sĩ Lê Anh Thư (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) nhận định, việc Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo về thiết kế của UNESCO vào năm 2019 là một cột mốc và bước tiến quan trọng trong việc Việt Nam phát triển tiềm năng du lịch sáng tạo của mình. Hà Nội có thể đóng vai trò bản lề mang tính thử nghiệm cho các thành phố khác học hỏi kinh nghiệm. Trên thực tế, Hà Nội vốn có sẵn những “trụ cột” là hàng trăm không gian sáng tạo, 1.350 làng nghề, là “đất lành” của các nghệ sĩ, nghệ nhân hàng đầu. Khi thị trường thay đổi, các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhất là các không gian sáng tạo, các làng nghề đã mau chóng “bắt sóng” và chuyển hướng hoạt động...

Du lịch sáng tạo đang đem đến động lực mới, nhưng vẫn còn không ít rào cản. Điển hình như một số đơn vị tuy đã triển khai hoạt động du lịch sáng tạo nhưng vẫn bị nhầm lẫn với du lịch trải nghiệm. Điều này đánh mất lợi thế để quảng bá những hoạt động mới lạ, độc đáo trong tour sáng tạo. Các hoạt động du lịch sáng tạo còn mang tính tự phát, chưa có chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, điều này đang từng bước được thay đổi.

Đối với khối làng nghề, từ năm 2024, thành phố đã ra mắt hàng chục Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại những làng nghề nổi tiếng như: Gốm Bát Tràng, khảm trai Chuyên Mỹ, áo dài Trạch Xá, mây tre đan Phú Vinh...

Những mô hình này đang từng bước thay đổi tư duy, cách thức thu hút khách du lịch của khối làng nghề. Thành phố hiện đang xây dựng hai Nghị quyết của HĐND thành phố về Quy định tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại và văn hóa. Trong đó, khi tham gia vào Trung tâm công nghiệp văn hóa, Khu phát triển thương mại và văn hóa, các tổ chức, cá nhân sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, được hưởng thụ “hệ sinh thái” phục vụ cho công nghiệp văn hóa sáng tạo do thành phố tạo dựng.

Thành phố cũng chính thức kêu gọi các không gian sáng tạo tham gia Mạng lưới Không gian sáng tạo toàn thành phố, dự kiến, chính thức ra mắt vào tháng 6/2025. Việc triển khai những chính sách phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, Thành phố sáng tạo nói riêng sẽ tạo ra tác động tương hỗ với du lịch sáng tạo.

Để du lịch sáng tạo phát triển bền vững, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Khoa Du lịch và Khách sạn (Trường đại học kinh tế quốc dân Hà Nội) cho rằng, cần quan tâm hơn nữa yếu tố nhân lực, trong đó, các trường đại học cần có chiến lược cụ thể trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra môi trường kích thích sự sáng tạo, nơi mà sinh viên có thể phát triển ý tưởng mới và áp dụng vào thực tiễn.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Theo thông tin từ Công ty lữ hành Hana Tour – hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc – lượng đặt tour trọn gói đến Sa Pa (Lào Cai) trong nửa đầu năm 2025 đã tăng tới 333% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 1/2025, lượng khách Hàn đặt tour đến điểm đến vùng cao này tăng vọt 1.138%, đánh dấu mức tăng trưởng kỷ lục. 

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Là căn cứ địa cách mạng, Thái Nguyên có nhiều “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

“Không phải lúc nào người ta cũng có cơ hội để xuôi ngược theo một dòng sông. Nhưng nếu được, hãy đi một lần. Vì đó không chỉ là hành trình về địa lý, với nhà báo đây còn là cơ hội để mình được dấn thân và thể hiện đam mê với nghề” - đó là những dòng tôi viết trong cuốn sổ nhỏ mang theo khi bắt đầu hành trình ngược xuôi theo dòng sông Mẹ.

Presstrip - cơ hội “vàng” quảng bá du lịch Lào Cai

Presstrip - cơ hội “vàng” quảng bá du lịch Lào Cai

Không đơn thuần là một chuyến đi trải nghiệm, chương trình khảo sát thực tế dành cho báo chí (presstrip) trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai 2025 đã trở thành nhịp cầu kết nối giữa truyền thông và ngành du lịch. Presstrip là cơ hội “vàng” để các sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai được truyền thông sâu rộng hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Truyền thông quốc tế gọi tên Đà Nẵng: "Điểm đến mới của giới thượng lưu Trung Đông"

Truyền thông quốc tế gọi tên Đà Nẵng: "Điểm đến mới của giới thượng lưu Trung Đông"

Việc Emirates chính thức khai thác đường bay thẳng Dubai - Đà Nẵng từ tháng 6/2025 mở ra “cuộc cách mạng du lịch” thực thụ cho thành phố sông Hàn. Đà Nẵng sẵn sàng vươn mình trở thành điểm đến hàng đầu dành cho du khách cao cấp, đặc biệt là từ thị trường Trung Đông giàu tiềm năng.

Hanoi Free Tour Guides: Cách người trẻ làm du lịch cộng đồng cho khách quốc tế

Hanoi Free Tour Guides: Cách người trẻ làm du lịch cộng đồng cho khách quốc tế

Trên chiếc ghế đá ven hồ Gươm, một cô sinh viên Việt Nam đang say sưa kể cho vị khách Ba Lan về truyền thuyết Rùa Vàng. Không giáo án, không kịch bản, người hướng dẫn viên mang đến cho du khách sự háo hức và nụ cười sảng khoái. Khoảnh khắc giản dị ấy chính là lát cắt chân thực của Hanoi Free Tour Guides (HFTGs) – nơi những người trẻ góp phần làm mới diện mạo du lịch Thủ đô bằng sự thân thiện, gần gũi.

fb yt zl tw