44 năm cuộc chiến đấu Bảo vệ Biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2023)

Sống mãi những kỷ vật thời chiến

"Bố mẹ ơi! Đáng lẽ con đã gửi thư này từ hôm 3/1/79 cơ, nhưng đang viết phải đi làm nhiệm vụ ngay vì báo động, toàn đại đội phải lên chốt hết... Tết này bọn con sẽ đón tết tại trận địa thôi cho nên bố mẹ cứ chuẩn bị tết vui vẻ và coi như anh em con cũng vui tết với gia đình bố mẹ nhé!…”. Đó cũng là lá thư cuối cùng mà chàng thanh niên mới tròn 21 tuổi ấy gửi về được cho gia đình mình...
Hàng trăm hình ảnh, tài liệu, hiện vật - những vật chứng trong cuộc chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 hiện ra trước mắt khi tôi đến Bảo tàng tỉnh Yên Bái để hiểu về cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc của dân tộc Việt Nam cách đây hơn 40 năm.
Kỷ vật thời chiến với những lá thư, nhật ký… được lưu giữ, nâng niu, những dòng thư mà người lính gửi về quê nhà cho gia đình, bạn bè hay người thân đều rất đỗi riêng tư giờ đây đã trở thành "di sản” tinh thần quý giá. Mỗi dòng thư là những dòng cảm xúc chân thực nhất từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người.
Ở đó, có sự phơi phới của niềm lạc quan chiến thắng, có ăm ắp nỗi nhớ niềm yêu và cũng có cả những phút giây buồn thương, xao xuyến… 
Lá thư của chiến sĩ Phạm Lê Dũng - Tiểu đoàn 5 Kiên Cường, thuộc Bộ CHQS tỉnh Hoàng Liên Sơn đóng quân tại thị xã Lào Cai gửi về cho gia đình viết: "Bố mẹ ơi! Đáng lẽ con đã gửi thư này từ hôm 3/1/79 cơ, nhưng đang viết phải đi làm nhiệm vụ ngay vì báo động, toàn đại đội phải lên chốt hết. Bọn con phải quay xuống chốt của Trung đội, lại tiến hành sửa sang hầm hào, lán nghỉ. Nói chung thời gian này bọn con phải làm việc liên tục từ 6 giờ sáng tới gần 7 giờ tối, vì phải làm gấp cho kịp để sẵn sàng chiến đấu. Đêm thì gác 3 tiếng đồng hồ. Bây giờ, bọn con chỉ thèm ngủ thôi. Bây giờ toàn đơn vị lên chốt có thể hết tháng 3 nằm rừng liên tục, có nghĩa là tết này bọn con sẽ đón tết tại trận địa thôi cho nên bố mẹ cứ chuẩn bị tết vui vẻ và coi như anh em con cũng vui tết với gia đình bố mẹ nhé!…”. 
Lá thư viết vội từ ngày mùng 2/1 nhưng mãi tới mùng 8/1 mới hoàn tất để gửi về cho gia đình bởi các anh khi đó còn phải ngày đêm thực hiện nhiệm vụ. Đó cũng là lá thư cuối cùng mà chàng thanh niên mới tròn 21 tuổi ấy gửi về được cho gia đình mình bởi ngay sau ngày 17/2/1979 anh đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại chốt Pháo đài (sau ga Lào Cai).
Không chỉ những dòng thư mà những kỷ vật như vật dụng, quân tư trang, đèn pin, bi đông đựng nước, những quyển sổ ghi chép, những bức tranh, ảnh… dù đã nhuốm màu thời gian nhưng đều gắn liền với cuộc đời người lính trong những năm tháng đó. Từng kỷ vật đều thể hiện tinh thần yêu nước, tình yêu quê hương, gia đình, tình đồng đội, quân dân gắn bó keo sơn cùng sự hy sinh thầm lặng của những người cầm súng. 
Khi được tìm hiểu và nghe những câu chuyện ấy, em Nguyễn Anh Tú ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái xúc động chia sẻ: "Mặc dù không thể tưởng tượng nổi những gian khổ, hy sinh của cha ông ta thời trước, nhưng thông qua những lá thư, những trang nhật ký, đặc biệt là những kỷ vật này đã giúp em thấu hiểu hơn để từ đó biết trân quý những hy sinh của thế hệ đi trước và giá trị của cuộc sống hôm nay”. 
44 năm, có những người lính đang an nhiên với cuộc sống thời bình, nhưng cũng còn đó bao người vẫn nằm lại nơi chiến trường xưa, nhưng những kỷ niệm về những ngày chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc còn mãi khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt. Quá khứ rồi sẽ trở thành lịch sử và được lưu lại trong sử sách. Những kỷ vật sẽ sống mãi trong tôi cũng như các bạn trẻ hôm nay! 
Thu Trang

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Áp lực học tập: 'Sát thủ vô hình' của sức khỏe tinh thần học sinh

Áp lực học tập: 'Sát thủ vô hình' của sức khỏe tinh thần học sinh

Kỳ vọng từ gia đình và nhà trường ngày một lớn, nhiều học sinh đã và đang rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, mất động lực học tập, thậm chí có dấu hiệu trầm cảm, rối loạn lo âu. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có sự thay đổi từ gia đình và nhà trường, hệ lụy tâm lý ở học sinh sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Văn Bàn lan toả sự quan tâm từ chính quyền tới người dân

Văn Bàn lan toả sự quan tâm từ chính quyền tới người dân

Xã Văn Bàn trên cơ sở sáp nhập từ 5 xã Sơn Thủy, Khánh Yên Thượng, Làng Giàng, Hòa Mạc và thị trấn Khánh Yên từ 1/7. Sau gần 2 tuần vận hành, Trung tâm phục vụ hành chính công xã Văn Bàn đã tiếp nhận 247 hồ sơ thủ tục hành chính, 100% hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, đúng hẹn.

fb yt zl tw